Phát hiện công cụ đồ đá có niên đại đến 7 vạn năm tại La Vuông

Trong chuyến khảo sát Trường Lũy được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn ở địa phận thôn La Vuông, các chuyên viên cơ quan này và Viện Khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện một số công cụ đồ đá có niên đại từ 4 đến 7 vạn năm.

Những hiện vật nêu trên đều được chế tác từ nguyên liệu đá sa thạch màu đen nâu, nặng và cứng. Các chuyên gia Viện khảo cổ học Việt Nam nhận định đó là những công cụ đồ đá thuộc thời sơ kỳ đá cũ có niên đại cách đây khoảng 4 đến 7 vạn năm.

Cách đây 38 năm, trong một đợt khảo sát điền dã năm 1978, nhóm cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Xã hội tại TP Hồ Chí Minh đã phát hiện dấu vết nền văn hóa đá cũ nằm ở bậc thềm cổ, có độ cao tuyệt đối 20-30m, thuộc địa điểm Gò Trá, thôn Trà Bình, xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi).

Công cụ bằng đá phát hiện ở thôn La Vuông, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn. Ảnh: Nguyên Việt.

Số hiện vật phát hiện lúc đó có rìu tay, hạch đá, công cụ mũi nhọn hình tam diện và khá nhiều mảnh tước đá chế tác từ thạch anh, sa thạch. Đó cũng là cơ sở để suy đoán sự tồn tại của thời kỳ đồ đá cũ ở miền núi Bình Định, trong đó có địa bàn miền núi Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn – tiếp giáp với tỉnh Quảng Ngãi.

Từ những hiện vật đồ đá cũ phát hiện được ở thôn La Vuông, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, có thể nhận định từ thời xa xưa trên đất Bình Định đã có người nguyên thủy sinh sống, đây cũng là cơ sở dữ liệu để bổ sung vào bản đồ di tích đồ đá cũ Việt Nam.

Hữu Toàn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/phat-hien-cong-cu-do-da-co-nien-dai-den-7-van-nam-tai-la-vuong-419718/