Phát hiện ca bệnh đầu nhỏ nghi do virus Zika ở Đắk Lắk

Lập đoàn công tác vào vùng dịch để xử lý ổ dịch zika, tư vấn cho các phụ nữ mang thai.

Bộ Y tế cho biết ngày 18-10, một đoàn công tác của Bộ sẽ vào Đắk Lắk làm việc về công tác phòng chống Zika, sau khi phát hiện ca bệnh đầu nhỏ đầu tiên nghi do virus Zika tại tỉnh này.

Trường hợp mắc bệnh đầu nhỏ nghi do virus Zika là bé gái bốn tháng tuổi - con một bà mẹ 23 tuổi, người dân tộc Ê Đê, sống tại Đắk Lắk. Khi mang thai thời điểm ba tháng và sáu tháng, người mẹ bị sốt, phát ban. Các điều tra ban đầu về dịch tễ, những kết quả xét nghiệm cũng như thăm khám về hình thái khiến các chuyên gia nghĩ nhiều đến nguyên nhân gây đầu nhỏ ở bé gái này là do virus Zika.

Ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết viện đã thực hiện năm lần xét nghiệm trường hợp này, kết quả đều cho thấy dương tính với virus Zika. Tuy nhiên, viện sẽ tiếp tục làm thêm một xét nghiệm nữa và gửi mẫu bệnh phẩm sang Trường ĐH Nagasaki Nhật Bản để xác định nguyên nhân chính thức.

Chiều 18-10, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết khi xuất hiện trường hợp mắc bệnh đầu nhỏ nghi do virus Zika ở Đắk Lắk, dù chưa xác định cụ thể về nguyên nhân có phải do Zika không nhưng Cục Y tế dự phòng đã tiến hành các biện pháp, xử lý ổ dịch, phun hóa chất diệt muỗi, lấy mẫu máu xét nghiệm của bệnh nhân nghi ngờ và các bệnh nhân xung quanh.

Đặc biệt, Cục đã thành lập đoàn công tác vào Đăk Lăk để tiến hành gặp gỡ bà mẹ trong vùng dịch, kiểm tra xem các bà mẹ đang mang thai có triệu chứng bị nhiễm không. Nếu ai bị nhiễm sẽ có tư vấn kịp thời và yêu cầu đến các cơ sở y tế để khám, tránh hoang mang cho người dân trong vùng.

Đồng thời, Cục tiến hành các hoạt động, vận động các nhân dân trong vùng thực hiện diệt loăng quăng, thực hiện biện pháp phòng bệnh, tốt nhất là tránh bị muỗi đốt.

Theo ông Phu, điều này có thể được thực hiện được bằng cách sử dụng thuốc chống côn trùng; mặc quần áo (tốt hơn là màu sáng) che càng kín cơ thể càng tốt; sử dụng các rào cản vật chất như lưới chống muỗi, đóng kín cửa ra vào và cửa sổ; ngủ màn.

Cũng theo ông Phu, các tháng qua, nhiều tỉnh Tây Nguyên lưu hành rất mạnh bệnh sốt xuất huyết (SXH). Tại đây, loại muỗi vằn truyền virus SXH mang mầm bệnh truyền virus Zika. Ông Phu cho rằng nếu quần thể muỗi truyền bệnh Zika lưu hành rộng rãi tại Việt Nam thì sẽ làm gia tăng các ca mắc Zika mới, đặc biệt nguy cơ cao tại những vùng có dịch SXH. Với thực tế này, việc xuất hiện ca bệnh đầu nhỏ do virus Zika tấn công phụ nữ mang thai là không tránh khỏi.

Theo ông Phu, bệnh do virus Zika có các biểu hiện tương tự SXH (sốt, mệt mỏi, xuất huyết dưới da) nhưng triệu chứng nhẹ và hầu hết các bệnh nhân đều tự khỏi. Tuy nhiên, bệnh nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai do virus Zika có thể gây nên chứng đầu nhỏ (teo não) ở thai nhi.

HG

Nguồn PLO: http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/phat-hien-ca-benh-dau-nho-nghi-do-virus-zika-o-dak-lak-659392.html