Phát hiện bản án cổ từ nhiều thế kỷ trước xét xử vụ tranh chấp thủy lợi

Chiều 26/6, Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị cho biết, qua nghiên cứu của ông Lê Đình Hùng, Viện Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật quốc gia và ông Lê Đức Thọ, Phó Giám đốc của đơn vị, đã phát hiện một bản án cổ rất thú vị, liên quan việc xét xử tranh chấp thủy lợi ở làng Hảo Sơn, xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Cụ thể, sau tiếp nhận các tài liệu cổ được viết bằng chữ Hán do ông Đoàn Văn Lợi, hiện Trưởng làng Hảo Sơn bàn giao, các nhà nghiên cứu kể trên đã nghiên cứu, phân chia chúng thành 2 bộ tài liệu khác nhau.

Trong đó, bộ tài liệu thứ nhất là một số đơn trình Bộ Hộ liên quan việc lập địa bạ làng Hảo Sơn, có niên đại cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 (từ triều Tây Sơn đến đầu triều Nguyễn); bộ thứ 2 là bản sao từ địa bạ năm Gia Long thứ 12 (1813), được sao vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Đáng chú ý, ở bộ thứ nhất có một văn bản kích thước lớn hơn các văn bản khác trong tập (42 x 27cm).

Bản án cổ. Ảnh Tú Linh.

Bản án cổ. Ảnh Tú Linh.

Nội dung được các nhà nghiên cứu dịch ra tiếng Việt: “Triều đường quan. Kê: Xưa, địa phận phường Hảo Sơn có nguồn nước suối ở phía trên, còn phường Tân An (nay là Tân Văn-pv) ở phía dưới. Nguồn nước của phường Tân An và Hảo Sơn tiện lợi cho việc gieo trồng. Trước đây phường Tân An chịu nộp lễ hành hương đã thành lệ cũ. Nhưng phường Tân An phế bỏ lễ lệ nên phường Hảo Sơn đắp đập không cho nước chảy xuống làm nảy sinh tranh tụng.

Tục xấu đáng ghét, nên từ nay về sau, mỗi năm, phường Tân An chịu lễ hành hương thay bằng tiền là năm quan (tiền đó thay cho các lễ lệ, ngoài ra không được đòi thêm lễ trầu rượu) giao cho phường Hảo Sơn thu nhận. Còn nguồn nước suối nên chia phiên để tưới ruộng: phường Hảo Sơn hai ngày đêm, phường Tân An hai ngày đêm. Hết phiên thì quay lại chia đều thủy lợi. Phường Tân An không được cố tình làm đảo lộn phế bỏ lễ hành hương.

Còn phường Hảo Sơn không được lợi dụng chiếm thượng nguồn, đắp đập để đòi yêu sách. Người làm trái tức mang trọng tội. Còn như trong đơn kiện trước đây, hoặc nêu lễ trầu rượu, hoặc rằng lễ trâu rượu, hoặc đòi chịu tiền mỗi mẫu là một bách 60 đồng, 30 văn, gây nên tranh tụng, tất cả đều bác bỏ. Nay luận. Ngày mồng 8 tháng 2 năm Cảnh Thịnh 7 (1798). Triều Đường chi ấn”.

Theo nhà nghiên cứu Lê Đình Hùng, văn bản được viết theo lối chữ chân, đôi chỗ theo kiểu hành thư, trên giấy dó bản mịn. Tại những chữ quan trọng của văn bản có đóng dấu triện nhỏ để xác nhận và tránh thêm chữ hoặc thay đổi nét chữ trên văn bản. Cuối văn bản là dòng niên đại, đóng dấu “Triều Đường chi ấn” theo quy chuẩn văn bản hành chính xưa. Đây là một văn bản hành chính được triều Tây Sơn giải quyết liên quan đến việc khai thác nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp ở địa phương kể trên.

Thanh Bình

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/phat-hien-ban-an-co-tu-nhieu-the-ky-truoc-xet-xu-vu-tranh-chap-thuy-loi-i698159/