Phật giáo Việt Nam với các hoạt động nhân đạo, từ thiện

Trong thời gian qua, tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã diễn ra các hoạt động thiết thực, cụ thể kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) (7-1-1981 - 7-1-2016). Trong quá trình hình thành và phát triển của mình, GHPGVN các cấp cùng hàng triệu tăng ni, phật tử với tinh thần tương thân, tương ái đã triển khai nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện với quy mô lớn và tạo nên nét đẹp văn hóa sâu sắc, thấm đậm tình nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Những ngày tháng 10 vừa qua, ảnh hưởng của bão, mưa to và lũ lớn liên tiếp xảy ra tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, hoa màu, làm cho cuộc sống của đồng bào tại các vùng thiên tai gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thiếu lương thực và các nhu yếu phẩm khác... Trước tình trạng đó, với tinh thần từ bi của đạo Phật, truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Trung ương GHPGVN đã đề nghị Ban Từ thiện Xã hội Trung ương, Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo các tỉnh, thành phố vận động tăng ni và phật tử các tự, viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường, các nhà hảo tâm đóng góp tiền, hàng, vật phẩm để gửi đến giúp đỡ đồng bào vùng bão lũ khắc phục khó khăn và sớm ổn định cuộc sống. Trung ương GHPGVN đã có văn bản đề nghị các đoàn đến cứu trợ tận nơi thiên tai xảy ra, hoặc thông qua Ủy ban MTTQ các tỉnh để gửi hàng cứu trợ. Vì đường giao thông bị nước lũ làm hư hại nặng tại một số nơi, phương tiện di chuyển khó khăn, việc cứu trợ cần được thực hiện một cách gọn nhẹ nhưng đạt kết quả tốt.

Hoạt động nêu trên chỉ là một trong những chương trình tiêu biểu của Trung ương GHPGVN và hàng triệu tăng ni, phật tử cả nước hướng về người dân nghèo, người dân có hoàn cảnh khó khăn, đồng hành, hỗ trợ họ trong thời điểm gian khó. Được biết, từ đầu năm đến nay, GHPGVN đã triển khai nhiều Phật sự quan trọng và đạt kết quả tốt đẹp, như chỉ đạo tăng ni, tự viện trong cả nước làm tốt công tác phục vụ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng cho đồng bào phật tử và nhân dân. Hệ thống Tuệ Tĩnh đường, phòng khám đông tây y, phòng thuốc nam trong toàn Giáo hội hiện đã có hơn 150 cơ sở. Tất cả các cơ sở phòng khám, phòng châm cứu, phòng bốc thuốc nam đều hoạt động có hiệu quả, đã khám bệnh và phát thuốc cho hàng chục nghìn bệnh nhân, với tổng trị giá nhiều tỷ đồng.

Trên tinh thần trách nhiệm của người con Phật, các lớp học tình thương, các trường nuôi dạy trẻ khuyết tật, mồ côi..., trong hệ thống GHPGVN đều hoạt động ổn định, có kết quả như: Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật, trẻ bị nhiễm HIV; Trung tâm hỗ trợ người bị nhiễm HIV/AIDS chùa Pháp Vân, chùa Thanh Am (Hà Nội); Trường nuôi dạy trẻ và khuyết tật, người già neo đơn tại Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Bình Dương, Quảng Trị, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Tây Ninh..., đã nuôi dưỡng gần 3.000 trẻ em mồ côi, cơ nhỡ và khuyết tật; chăm sóc hơn 1.500 cụ già neo đơn.

Có thể khẳng định, phát huy tinh thần phụng đạo yêu nước, thiết thân cùng xã hội, hiện hữu trong lòng dân tộc, quyết tâm giữ vững tinh thần độc lập dân tộc, phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật, phát huy vai trò thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện hữu hiệu phương châm hoạt động của Giáo hội "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội", GHPGVN các cấp cùng tăng ni, phật tử cả nước đã tích cực tham gia các phong trào ích nước lợi dân, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi sinh, môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng nếp sống mới trên địa bàn khu dân cư. Đặc biệt là tích cực trong các hoạt động từ thiện xã hội, xóa đói, giảm nghèo, ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, cứu trợ đồng bào các tỉnh vùng sâu, vùng xa, tăng ni và phật tử luôn giữ vững lập trường, phát huy truyền thống đoàn kết, hòa hợp, độc lập dân tộc, theo hướng đi lên của thời đại, góp phần xây dựng xã hội Việt Nam văn minh, tiến bộ, giàu mạnh. Từ đó, đã xuất hiện nhiều gương điển hình, gương người tốt việc tốt, bàn tay vàng giàu lòng nhân đạo.
Trung ương GHPGVN xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tập trung vận động tăng ni, phật tử phát huy tinh thần phụng đạo yêu nước, tích cực tham gia các phong trào ích nước lợi dân, phúc lợi xã hội; bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; xây dựng đời sống văn hóa trên lĩnh vực giao thông, ở khu dân cư...; ủng hộ quốc phòng, biển đảo quê hương, bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ; nỗ lực góp phần xây dựng, phát triển Tổ quốc Việt Nam theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tinh thần đó tiếp tục được thể hiện sâu sắc và rõ ràng bằng Thông điệp của Đức Pháp chủ GHPGVN gửi tăng ni, phật tử nhân Đại lễ kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập GHPGVN. Thông điệp có đoạn: Giáo hội chúng ta cần phải phát huy hơn nữa truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam. Không ngừng tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại văn hóa tôn giáo, chăm lo đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thông qua đó giới thiệu tới bạn bè quốc tế hiểu biết sâu rộng về lịch sử, văn hóa, đất nước và con người Việt Nam, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định nhằm xây dựng và phát triển đất nước, giữ vừng chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31191902-phat-giao-viet-nam-voi-cac-hoat-dong-nhan-dao-tu-thien.html