Pháp sẵn sàng góp phần thúc đẩy nỗ lực công nhận Nhà nước Palestine

Ngày 16/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết việc công nhận Nhà nước Palestine không còn là điều cấm kị ở Pháp nữa, hàm ý rằng Paris có thể đưa ra quyết định về việc này nếu các nỗ lực hướng đến giải pháp hai nhà nước bị cản trở vì sự phản đối của Israel.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu trong cuộc gặp Quốc vương Jordan Abdullah II tại Paris, ông Macron nhấn mạnh: “Các đối tác của chúng tôi trong khu vực, đặc biệt là Jordan, đang nỗ lực (để công nhận Nhà nước Palestine) và chúng tôi đang phối hợp với họ. Chúng tôi sẵn sàng góp phần thúc đẩy điều này, tại châu Âu và Hội đồng Bảo an LHQ".

Ông Macron khẳng định giải pháp công nhận Nhà nước Palestine độc lập chính là đáp ứng nguyện vọng từ quá lâu của người Palestine, cũng là vì người Israel và toàn khu vực đầy bất ổn này.

Tổng thống Pháp cũng cảnh báo rằng chiến dịch quân sự của Israel tại Rafah (Nam Gaza) có thể chỉ dẫn tới thảm họa nhân đạo chưa từng thấy và sẽ là điểm bước ngoặt trong cuộc xung đột này.

Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Pháp để ngỏ khả năng công nhận Nhà nước Palestine, hành động có thể không thay đổi lớn tình hình trên thực địa nếu không có các cuộc đàm phán thật sự, nhưng được đánh giá có ý nghĩa biểu tượng và ngoại giao.

Hiện hầu hết các nước Tây Âu chưa công nhận Nhà nước Palestine vì cho rằng điều này phải được thực hiện thông qua các cuộc đàm phán với Israel.

Trước đó, Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu đã nhấn mạnh sẽ không thương lượng về quyền kiểm soát an ninh hoàn toàn của Israel tại phía Tây Jordan. Tuyên bố này đồng nghĩa với việc phản đối một Nhà nước Palestine độc lập trên các phần lãnh thổ nằm bên trong đường ranh giới trước cuộc chiến tranh năm 1967.

Trong một diễn biến liên quan, Nga đã mời đại diện của tất cả các lực lượng chính trị Palestine, bao gồm cả các lực lượng ở Syria, Libăng và các nước Trung Đông khác tới Moscow tham dự cuộc họp từ ngày 29/2 đến 2/3.

Đặc phái viên của Tổng thống Vladimir Putin tại Trung Đông, Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Bogdanov cho biết: “Mục tiêu của Moscow là giúp các lực lượng Palestine đoàn kết hàng ngũ về mặt chính trị. Hành động của Nga xuất phát từ thực tế là Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã và vẫn là đại diện hợp pháp của người dân Palestine, tổ chức này đã được cộng đồng quốc tế và chúng tôi chấp nhận”.

Cùng ngày 16/2, Ngoại trưởng Israel, ông Israel Katz, khẳng định nước này sẽ phối hợp với Ai Cập giải quyết các vấn đề liên quan đến người tị nạn Palestine. Phát biểu với báo giới bên lề Hội nghị An ninh Munich diễn ra ở Đức, Ngoại trưởng Israel Katz cam kết hợp tác với Ai Cập để đối phó với làn sóng người tị nạn Palestine tại TP Rafah, nơi ẩn náu cuối cùng của người Palestine ở phía Nam Dải Gaza giáp với Ai Cập.

Ông đề xuất di dời người Palestine đang lánh nạn ở Rafah đến Khan Younis, thành phố lớn thứ hai ở Dải Gaza, đồng thời khẳng định Israel sẽ đảm bảo không làm ảnh hưởng đến các lợi ích của quốc gia Bắc Phi.

Ước tính có khoảng 1,5 triệu người dân ở Gaza đã đến TP Rafah để chạy trốn xung đột.

Mới đây, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ tiếp tục tấn công lực lượng Hamas ở Rafah, sau khi cho phép dân thường rời khỏi khu vực này.

Kế hoạch của Israel đã vấp phải chỉ trích của cộng đồng quốc tế, trong đó có Ai Cập. Chính quyền Cairo nhiều lần đã cảnh báo rằng một cuộc tổng tiến công như vậy của Israel sẽ dẫn tới một cuộc di tản quy mô lớn của người Palestine sang khắp bán đảo Sinai.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 16/2, Cao ủy LHQ về Người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi cảnh báo làn sóng tị nạn từ Rafah sẽ trở thành “thảm họa” không chỉ với người Palestine mà cả Ai Cập.

Trả lời phỏng vấn của báo giới bên lề Hội nghị An ninh Munich, ông Grandi nêu rõ: “Đó sẽ là thảm họa với người Palestine, Ai Cập và tương lai của hòa bình”. Ông Grandi cũng cho biết phía Ai Cập đã liên hệ với UNHCR và nhấn mạnh người dân Palestine nên được trợ giúp ở bên trong Dải Gaza.

Theo các nguồn thạo tin, Ai Cập đang chuẩn bị một khu vực ở biên giới Dải Gaza vốn có thể được sử dụng là nơi trú ẩn cho người Palestine trong trường hợp Israel tiến hành một cuộc tổng tiến công nhằm vào Rafah.

Cũng trong ngày 16/2, Bộ trưởng Đoàn kết xã hội Ai Cập, bà Nivine El-Kabbag cho biết nước này đã gửi gần 200.000 tấn hàng viện trợ nhân đạo tới Dải Gaza. Bộ trưởng El-Kabbag đưa ra thông báo trên khi tham gia cuộc đua marathon mang tên “Chạy vì Gaza” ở thủ đô Cairo của Ai Cập, thu hút 10.000 người tham gia nhằm gây quỹ quyên góp cho người Palestine ở Gaza.

Bà đánh giá cao vai trò của tổ chức Trăng Lưỡi liềm Đỏ Ai Cập trong việc bố trí các dịch vụ hậu cần, mở rộng chuỗi cung ứng và lưu trữ viện trợ nhận được từ gần 37 quốc gia.

Bộ trưởng El-Kabbag cho biết thêm số hàng viện trợ từ Ai Cập chiếm 60% tổng lượng hàng cứu trợ cung cấp cho Gaza, được gửi bằng đường bộ, đường biển hoặc đường hàng không.

Cùng ngày, Ai Cập bác bỏ các thông tin cho rằng nước này sẽ xây thêm các khu tị nạn dọc biên giới với Gaza để tiếp nhận người Palestine buộc phải sơ tán khỏi cuộc xung đột hiện nay giữa Hamas và Israel.

Người đứng đầu Cơ quan Thông tin quốc gia Ai Cập, ông Diaa Rashwan nhấn mạnh rằng Ai Cập bác bỏ việc di dời người Palestine dù cưỡng bức hay tự nguyện khỏi Dải Gaza để đi nơi khác, đặc biệt là sang lãnh thổ của Ai Cập.

Ông khẳng định đây là nguy cơ trực tiếp đến chủ quyền và an ninh quốc gia của Ai Cập, là giới hạn đỏ và Cairo sẽ có biện pháp để xử lý ngay lập tức và hiệu quả” điều này. Ngoài ra, ông Rashwan cũng bác bỏ những thông tin cho rằng Ai Cập bắt đầu xây dựng một bức tường ngăn cách ở biên giới với Gaza. Ông nêu rõ đã có một vùng đệm và hàng rào ở khu vực này từ lâu trước khi bùng phát cuộc khủng hoảng hiện nay tại Gaza.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/92/313363/phap-san-sang-gop-phan-thuc-day-no-luc-cong-nhan-nha-nuoc-palestine.html