Pháp, Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác quân sự

Pháp và Nhật Bản nhất trí bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức về một hiệp ước nhằm tăng cường hợp tác quân sự trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở khu vực biển Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và cuộc xung đột tại Ukraine.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chào đón Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại cung điện Elysee vào ngày 2 tháng 5 năm 2024. Ảnh: REUTERS/Benoit Tessie

Là đồng minh G7, hai nước đã tiến hành nhiều cuộc tập trận quân sự chung trong những năm gần đây. Pháp đã thúc đẩy việc khởi xướng các cuộc đàm phán về Hiệp ước tiếp cận tương hỗ (RAA) trong hơn một năm qua.

RAA thiết lập khuôn khổ để tạo thuận lợi cho hợp tác quân sự, chẳng hạn như giúp việc nhập cảnh của nhân viên và thiết bị nước ngoài dễ dàng hơn trong trường hợp giao lưu, trao đổi giữa hai bên.

"Chúng tôi đã bắt đầu các cuộc đàm phán", một quan chức chính phủ Nhật Bản cho biết, đề cập đến nội dung cuộc gặp giữa Thủ tướng Fumio Kishida và Tổng thống Emmanuel Macron tại Paris.

Một tuyên bố của Chính phủ Nhật Bản xác nhận thỏa thuận tiến hành các cuộc đàm phán. Phủ Tổng thống Pháp cho biết trong một tuyên bố rằng việc ký kết RAA sẽ thúc đẩy khả năng phối hợp tác chiến giữa hai quân đội.

Tháng 12 năm 2023, Nhật Bản công bố kế hoạch xây dựng quân đội lớn nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II, đánh dấu bước ngoặt rời xa chủ nghĩa hòa bình sau chiến tranh. Nước này đã ký kết RAA với Úc và Vương quốc Anh, và hiện đang đàm phán một hiệp ước tương tự với Philippin.

Tokyo, vốn mất khoảng hai năm để đàm phán thỏa thuận với Úc và một năm để đàm phán với Anh, hiện đang là nơi tập trung lực lượng quân đội Mỹ lớn nhất ở nước ngoài.

Vị quan chức cho biết thỏa thuận với Pháp có thể mất khoảng một năm để hoàn thành. Thông tin đối ngoại từ phía Pháp cho biết Paris hy vọng thỏa thuận sẽ "rất nhanh chóng" có hiệu lực.

Nhật Bản đã nỗ lực củng cố quan hệ quốc phòng trong bối cảnh lo ngại về Trung Quốc, vấn đề tự do hàng hải trong khu vực và các tranh chấp thương mại.

Nước này cũng ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga, cho rằng việc bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ là điều cần thiết.

"Chúng tôi đang ngày càng lo ngại trước các diễn biến mới xảy ra ở châu Âu và Ấn Độ - Thái Bình Dương,” quan chức chính phủ cho biết.

Pháp có các lãnh thổ và sự hiện diện quân sự ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, đồng thời đang tìm cách mở rộng sự hiện diện ở khu vực.

Nước này muốn nhấn mạnh vai trò lớn hơn mà họ có thể đóng góp trong ngành công nghiệp quốc phòng của Nhật, khi chính phủ của Thủ tướng Kishida đang áp dụng chính sách quân sự cứng rắn hơn trong khu vực.

Hoàng Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phap-nhat-ban-day-manh-hop-tac-quan-su.html