Phản ứng của truyền thông Mỹ về chuyến thăm Trung Quốc ngay sau khi tái đắc cử của Tổng thống Nga V. Putin

Từ ngày 16-17/5/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyến thăm chính thức Trung Quốc ngay sau khi tái đắc cử. Giới phân tích chính trị đánh giá rằng, đây là một trong những sự kiện quốc tế quan trọng bậc nhất trong năm 2024. Vậy phản ứng của truyền thông Mỹ về chuyến thăm này như thế nào?

Đánh giá về chuyến thăm của Tổng thống Nga V. Putin tới Trung Quốc - chuyến thăm quan trọng bậc nhất của nhà cầm quyền Nga ngay sau khi ông tái đắc cử, tờ Newsweek của Mỹ đưa tin, hai nhà cầm quyền Trung Quốc và Nga sẽ có nhiều vấn đề cần thảo luận, thậm chí sẽ có sự thăm dò trong quan điểm lẫn nhau trong bối cảnh Trung Quốc muốn tăng cường hợp tác sâu rộng hơn nữa với châu Âu, còn Nga hiện đang là mối lo ngại của khu vực này.

Theo đó, Newsweek dẫn lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ rằng, nếu Trung Quốc muốn có mối quan hệ tốt đẹp với châu Âu thì nước này buộc phải lựa chọn hoặc châu Âu hoặc Nga, bởi châu Âu sẽ không ủng hộ đối tác của mình trong mối quan hệ với một “mối đe dọa lớn nhất cho an ninh châu Âu” như Nga. Quan chức trên đồng thời nhấn mạnh, đây là lập trường không chỉ của Liên minh châu Âu, mà còn của NATO và G7.

Trong khi đó, tờ New York Times của Mỹ có bài viết “Những điều cần biết về Hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Putin”, trong đó có đoạn: “Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thể hiện một mặt trận thống nhất khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Tổng thống Nga Putin trong tuần này... Tổng thống Putin đang cố gắng đẩy mạnh cuộc giao tranh ở Ukraine trước khi quân đội Ukraine có thể nhận được nguồn cung cấp vũ khí mới từ Mỹ, và có thể bảo đảm rằng Nga nhận được sự hỗ trợ từ Trung Quốc. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ sẵn sàng hỗ trợ đối tác chiến lược và “người bạn cũ” của mình, nhưng ông Tập cũng sẽ phải đối mặt với áp lực rất lớn từ phương Tây trong trường hợp ủng hộ Nga”.

Đài CNN của Mỹ có bài viết “Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trải thảm đỏ chào đón người bạn thân Putin để thể hiện sự đoàn kết mạnh mẽ”. Bài viết liên kết mối quan hệ Nga - Trung Quốc với cuộc xung đột tại Ukraine: “Thảm đỏ chào đón Tổng thống Putin ở Bắc Kinh diễn ra một ngày sau khi Văn phòng của Tổng thống Ukraine Zelensky thông báo rằng, ông sẽ hủy tất cả các chuyến thăm quốc tế sắp tới khi quân đội của ông cần tập trung cao nhất trước nguy cơ một cuộc tấn công bất ngờ của Nga ở khu vực Kharkov”.

Có thể khẳng định rằng, trong bối cảnh cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine đang diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là sau khi Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden mới thông qua gói viện trợ quân sự trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine, thì việc Mỹ lo ngại về mối quan hệ hợp tác Nga - Trung và những tác động của nó đối với cục diện chiến trường Ukraine là hoàn toàn dễ hiểu. Thời gian qua, Mỹ đã nhiều lần cảnh báo Trung Quốc về những hậu quả có thể phải đối mặt vì hỗ trợ Nga. Gần đây nhất, trước thềm chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Blinken tới Trung Quốc vào cuối tháng 4/2024, Washington đã cáo buộc Bắc Kinh giúp Nga thực hiện hoạt động sản xuất quân sự lớn nhất kể từ thời Liên Xô. Các quan chức Mỹ cho biết, Trung Quốc không hỗ trợ quân sự trực tiếp nhưng đã cung cấp các linh kiện, bộ phận lưỡng dụng giúp Nga đẩy mạnh hoạt động sản xuất quân sự khi viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine bị trì hoãn trong nhiều tháng qua.

Ngoài ra, mặc dù cả Nga và Trung Quốc chưa từng đề cập đến việc thiết lập một “liên minh” chính thức giữa hai nước, nhưng không thể phủ nhận rằng, quan hệ hợp tác Nga - Trung Quốc chưa bao giờ được thắt chặt như hiện nay, khi cả hai nước cùng phải đối mặt với sức ép cạnh tranh từ Mỹ và đồng minh. Giới chuyên gia phương Tây cho rằng, trong mối quan hệ Nga - Trung Quốc hiện nay, Nga cần vai trò của Trung Quốc như một đối tác, một bạn hàng tin cậy về mặt kinh tế để giúp Nga đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây; trong khi đó, Trung Quốc cần Nga ủng hộ và cùng phối hợp để cạnh tranh chiến lược với Mỹ tại nhiều khu vực mà Trung Quốc có lợi ích.

Hiện nay, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang chứng kiến cuộc cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ lo ngại rằng, Nga có thể sẽ gia tăng ủng hộ Trung Quốc để cạnh tranh với Mỹ tại khu vực này. Thực tế thời gian qua, Nga đã thể hiện sự phối hợp chặt chẽ với Trung Quốc thông qua việc tăng cường tiến hành các hoạt động diễn tập, tuần tra chung trên không và trên biển giữa các lực lượng không quân và hải quân của hai nước, đặc biệt là tại các khu vực thuộc biển Nhật Bản và vùng biển Tây Thái Bình Dương. Cùng với đó, Nga cũng đẩy mạnh việc quân sự hóa các vùng lãnh thổ đang tranh chấp với Nhật Bản, gián tiếp gây sức ép đối với các hoạt động của Mỹ ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương. Ngày 30/1/2024, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố, Nga sẽ triển khai nhiều vũ khí mới đến quần đảo Kuril đang tranh chấp với Nhật Bản.

Không chỉ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ còn quan ngại sự hợp tác Nga - Trung Quốc có thể thách thức, đe dọa vai trò, vị thế của Mỹ ở nhiều khu vực khác trên thế giới. Hiện nay, Nga - Trung Quốc đều đang tích cực mở rộng ảnh hưởng và sự can dự vào nhiều khu vực trên thế giới, từ Trung Đông, châu Phi cho tới Mỹ Latinh. Mặc dù hai nước đều không đưa ra những tuyên bố rõ ràng về việc phối hợp với nhau để thách thức ảnh hưởng của Mỹ ở những khu vực này, song sự hợp tác giữa hai nước mang tính bổ sung cho nhau và sẽ hữu ích để kéo các khu vực này xa rời Mỹ và xích lại gần hơn với Nga - Trung Quốc, trong đó Nga đóng vai trò là bên cung cấp hỗ trợ, hậu thuẫn về mặt an ninh, còn Trung Quốc đóng vai trò là một đối tác kinh tế lớn. Cả châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latinh đều là những khu vực từ lâu nằm dưới sự ảnh hưởng của Mỹ và các nước phương Tây, do đó sự hiện diện của Nga - Trung Quốc mang đến một làn gió mới, rất được chào đón với kỳ vọng rằng, Moscow và Bắc Kinh có thể giúp các nước này thoát khỏi sự chi phối truyền thống để vươn lên trở thành những nhân tố có tiếng nói và ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Syria có thể là một ví dụ điển hình nhất, thể hiện sự phối hợp mang tính bổ sung cho nhau giữa Moscow và Bắc Kinh. Quyết định can thiệp quân sự vào Syria của Nga được xem là yếu tố then chốt, đảo ngược hoàn toàn cục diện chiến trường Syria. Không chỉ hỗ trợ về mặt hỏa lực, Moscow còn cung cấp nhiều vũ khí trang bị cho Damascus, đồng thời triển khai lực lượng cố vấn huấn luyện cho binh sĩ nước này. Với sự yểm trợ của không quân Nga, quân đội Syria dần xốc lại đội hình, liên tiếp mở các chiến dịch phản công và đến nay kiểm soát phần lớn diện tích lãnh thổ Syria. Trong khi đó, Trung Quốc cho thấy sự nhạy bén trong kế hoạch tái thiết Syria. Đầu năm 2022, Syria chính thức gia nhập Chiến lược Vành đai, con đường của Trung Quốc. Đến tháng 9/2023, Trung Quốc tuyên bố nâng cấp quan hệ với Syria lên đối tác chiến lược, mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, nhất là về kinh tế.

Trong Chiến lược An ninh quốc gia năm 2022, ưu tiên chiến lược hàng đầu của Mỹ được xác định là chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc và kiềm chế Nga. Mỹ coi Trung Quốc và Nga là những đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ. Do đó, việc Trung Quốc và Nga, hai đối thủ cạnh tranh lớn của Mỹ, không ngừng tăng cường hợp tác là kịch bản mà Mỹ không hề mong muốn, vì nó sẽ thách thức đến vị thế chiến lược của Mỹ.

Hùng Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/phan-ung-cua-truyen-thong-my-ve-chuyen-tham-trung-quoc-ngay-sau-khi-tai-dac-cu-cua-tong-thong-nga-v-putin-214339.htm