Phản ứng của Moscow trước 'đòn' trừng phạt mới từ Washington

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov khẳng định các lệnh trừng phạt mới của Mỹ là vô lý và sẽ không ảnh hưởng đà phát triển kinh tế của Moscow.

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov. Ảnh: Tass

Theo hãng tin Tass, trả lời phỏng vấn kênh Channel One ngày 3/11, Đại sứ Antonov xác nhận Mỹ vừa công bố gói trừng phạt bổ sung với Nga hôm 2/11, đồng thời tuyên bố biện pháp gây sức ép này không thể ngăn cản đã tăng trưởng kinh tế của Nga.

Ông Antonov nhấn mạnh: “Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp nước ngoài vẫn hợp tác với Nga bất chấp áp lực từ các lệnh trừng phạt chống Moscow của phương Tây”.

Trước đó, hôm 2/11, bình luận về gói trừng phạt bổ sung của Washinton đối với Moscow, Đại sứ Nga Antonov tuyên bố các nước phương Tây đang tự làm hại mình bằng các biện pháp trừng phạt chống Nga.

“Các nước phương Tây cần chấp nhận một sự thật rằng các lệnh cấm vận của họ đối với Moscow là vô ích. Nỗ lực làm suy yếu Nga của họ đã thất bại vì kinh tế Nga vẫn phát triển ổn định. Phương Tây đang dần cạn kiệt sự lựa chọn để gây áp lực kinh tế đối với Nga” - ông Antonov viết trên kênh Telegram của Đại sứ quán Nga tại Mỹ hôm 2/11.

Tuyên bố trên được Đại sứ Nga tại Mỹ đưa ra sau khi Bộ Tài chính Mỹ thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với hàng chục cá nhân và pháp nhân ở Nga.

Trong thông báo hôm 2/11, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ đã bổ sung AFK Sistema, Arctic LNG-2 và một số ngân hàng, gồm Russian Standard, Home Credit, Post Bank, Absolut Bank và Ngân hàng Phát triển Khu vực Nga, vào danh sách được gọi là Các Quốc gia được Chỉ định Đặc biệt (SDN).

Gói trừng phạt bổ sung cũng nhắm vào Sở giao dịch chứng khoán St. Petersburg, trường Đại học Kỹ thuật Nhà nước Bauman Moscow và các đơn vị thuộc tập đoàn Gazprom Neft.

Bộ Tài chính Mỹ ngày 2/11 thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với hàng chục cá nhân và pháp nhân ở Nga. Ảnh: Aa.com

Danh sách các cá nhân Nga chịu tác động từ lệnh trừng phạt mới bao gồm Thứ trưởng Bộ Công thương Nga Viktor Evtukhov và kỹ sư Aleksandr Zakharov, người đã tham gia chế tạo máy bay không người lái Lancet Kamikaze, cùng với các thành viên trong gia đình ông.

Ngoài ra, gói trừng phạt bổ sung cũng nhắm vào ông Yakub Zakriev, người đứng đầu tập đoàn sản xuất thực phẩm Danone Nga và cha ông, Salman Zakriev, Phó Chủ tịch thứ nhất của Quốc hội Chechnya.

Chính quyền Washington cũng nhắm mục tiêu vào một số quốc gia và công ty tư nhân trên toàn cầu để ngăn cản việc Moscow “né” các lệnh trừng phạt. Trong số những công ty nằm trong danh sách trừng phạt mới nhất của Mỹ có các doanh nghiệp của Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và UAE, các công ty cung cấp cho Nga các bộ phận và thiết bị hàng không.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 1/11 khẳng định rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga phản tác dụng và gây tổn hại cho chính họ.

"Trong vài năm trở lại đây, một số 'đối tác' của chúng ta đã áp đặt vô số lệnh trừng phạt khác nhau. Tuy nhiên, họ đang tự làm hại chính mình. Điều này có thể thấy rõ qua các số liệu thống kê, nền kinh tế của nhiều nước phương Tây đang suy yếu, còn tỷ lệ thất nghiệp tăng cao"- đài RT dẫn phát biểu của ông Putin tại cuộc họp chính phủ.

Mặc dù vậy, người đứng đầu Điện Kremlin cũng yêu cầu các quan chức chính phủ chủ động đưa ra biện pháp đối phó với những động thái tiếp theo của phương Tây, đồng thời cảnh giác với nguy cơ phá hoại cơ sở hạ tầng.

Mỹ và nhiều đồng minh đã áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt mạnh chưa từng có đối với Nga để đáp trả chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine, nhắm vào các lĩnh vực tài chính và năng lượng của Nga cùng nhiều lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Anton Sinualov hồi tháng trước tuyên bố, nền kinh tế Nga đã thích nghi tốt bất chấp áp lực từ các biện pháp hạn chế của phương Tây.

Nền kinh tế Nga đang phát triển như mong đợi - trong 9 tháng đầu năm 2023, GDP nước này tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong cuộc họp về các vấn đề kinh tế.

Theo Tổng thống Putin, nền kinh tế Nga đã trụ vững trước sức ép từ phương Tây, và GDP được dự báo đạt mức 2,8% vào cuối năm nay.

Trong khi đó, nhiều nước châu Âu đang phải vật lộn với tình trạng lạm phát tăng vọt, chủ yếu do giá năng lượng biến động.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phan-ung-cua-moscow-truoc-don-trung-phat-moi-tu-washington.html