Phản ứng của lãnh đạo các nước về tình hình Syria

Ngày 22/6, Ngoại trưởng Iran Ali-Akbar Salehi tuyên bố Iran sẽ không cho phép bất kỳ nước ngoài nào áp đặt các quyết định đối với Syria.

Một vụ đánh bom tại Syria

Ngoại trưởng Salehi nhấn mạnh lập trường nói trên của nước Cộng hòa Hồi giáo là "trước sau như một". Tehran phản đối việc trang bị vũ khí cho lực lượng đối lập tại Syria, cho rằng động thái này sẽ "kéo dài cuộc khủng hoảng Syria, gây đổ máu và tàn phá." Theo ông Salehi, các nước trong và ngoài khu vực cần phải giúp người dân Syria tự tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng.

Ngoại trưởng Iran đưa ra tuyên bố trên vài giờ sau khi hội nghị của nhóm được gọi là "Những người bạn của Syria" được tổ chức tại Doha (Qatar), ra tuyên bố cam kết trang bị vũ khí cho lực lượng đối lập ở Syria, đồng thời yêu cầu Iran và Phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Lebanon ngừng hỗ trợ cho chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Phát biểu tại hội nghị này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Washington vẫn theo đuổi kế hoạch hòa bình bao gồm đàm phán tại Geneva (Thụy Sĩ) và một chính phủ chuyển tiếp do cả Tổng thống Átxát và phe đối lập lựa chọn.
Tuy nhiên, ông Kerry nhấn mạnh để có thể đưa Tổng thống Assad ngồi vào bàn đàm phán, trước hết cần điều chỉnh tình trạng "mất cân bằng" trên trận địa Syria hiện nay. Theo đó, Mỹ và các nước có mặt tại hội nghị cần tăng cường phạm vi và quy mô viện trợ cho phe đối lập Syria.

Hội nghị nói trên có sự tham dự của ngoại trưởng 11 nước ủng hộ lực lượng đối lập tại Syria, bao gồm Mỹ, Pháp, Đức, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Anh, Italy, Jordan, Qatar và Arập Xêút.

Cùng ngày, hãng thông tấn nhà nước Petra của Jordan dẫn lời Thủ tướng nước này Abdullah Ensour cho biết Jordan phản đối bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào Syria và sẽ không cho phép sử dụng lãnh thổ của mình để thực hiện các hành động chống Syria.

Ông cho biết Jordan kêu gọi tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria nhằm duy trì thống nhất và sự ổn định của Syria. Jordan cũng đang nỗ lực hết sức để kiểm soát biên giới với Syria và ngăn chặn các hoạt động xâm nhập và chuyển lậu vũ khí vào Syria.

Trong khi đó, kết quả một cuộc khảo sát tại Canada công bố ngày 22/6 cho thấy 60% số người được hỏi ở nước này tán thành quan điểm của chính phủ Thủ tướng Stiphen Harper là không ủng hộ việc cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy tại Syria. Kết quả khảo sát cũng cho thấy chỉ có khoảng 18% ủng hộ việc cung cấp vũ khí này và 22% không có ý kiến.

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, Thủ tướng Harper đã nhiều lần từ chối việc trang bị vũ khí cho quân nổi dậy ở Syria. Gần đây nhất, tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển G8, ông Hapơ đã tái khẳng định lập trường kiên định của Canada đối với vấn đề Syria, nhấn mạnh rằng Ottawa vẫn kiên trì với mục tiêu viện trợ nhân đạo cho Syria và không ủng hộ việc vũ trang cho quân nổi dậy./.

(TTXVN)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/phan-ung-cua-lanh-dao-cac-nuoc-ve-tinh-hinh-syria/20136/203477.vnplus