Phản ứng của Indonesia và Philippines trước cuộc khủng hoảng ở Ukraine

Indonesia kêu gọi các bên xử lý khủng hoảng Ukraine cần cẩn trọng, tránh gây thảm họa cho nhân loại trong khi Philippines hồi hương công dân, chuẩn bị cho tình huống xấu nếu xung đột Nga – Ukraine xảy ra.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày hôm qua (22/2) đã lên tiếng cho rằng việc xử lý khủng hoảng Ukraine phải được thực hiện một cách cẩn trọng trong khi các nhà quan sát của Indonesia nhận định, cuộc khủng hoảng này sẽ gây ảnh hưởng tới nhiều quốc gia, trong đó có Indonesia, Chủ tịch G20 năm 2022.

Tổng thống Indonesia, Joko Widodo. Nguồn: Antarafoto

Tổng thống Indonesia, Joko Widodo. Nguồn: Antarafoto

Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Joko Widodo đã bày tỏ sự đồng tình với quan điểm với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres rằng việc xử lý cuộc khủng hoảng Ukraine phải được tiến hành cẩn trọng để có thể tránh được một thảm họa lớn cho nhân loại. Tuy nhiên theo nhà lãnh đạo Indonesia, nỗ lực hòa bình này phải được thực hiện nhanh chóng và không thể bị trì hoãn.

Tuyên bố của Tổng thống Joko Widodo đưa ra ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố quyết định công nhận hai nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk ở miền Đông Ukraine.

Trong khi đó, các chuyên gia Indonesia cho rằng, xung đột Ukraine - Nga hiện là một thách thức cho vai trò lãnh đạo của Indonesia trong nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Theo ông Muhadi, nhà quan sát Quan hệ đối ngoại của Đại học Gadjah Mada, Indonesia, xung đột này còn liên quan đến Mỹ, Liên minh Châu Âu, NATO, hầu hết là thành viên của G20. Indonesia phải làm sao để phát huy vai trò lãnh đạo, đảm bảo các vấn đề thù địch không ảnh hưởng đến chương trình nghị sự của G20.

Đồng quan điểm với ông Muhadi, một nhà quan sát từ Đại học Riau, ông Muhammadiyah Fahmi cũng cho rằng tác động trực tiếp không quá lớn nhưng nếu căng thẳng tiếp tục gia tăng sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới đang phục hồi sau đại dịch, trong đó có Indonesia và các nước G20. Nếu xung đột lan rộng đến mức sử dụng vũ trang thì sẽ có tác động đến các lĩnh vực khác như trang thiết bị hệ thống phòng thủ và khí đốt tự nhiên. Theo ông Fahmi, hiện nay cung cấp phụ tùng thiết bị quốc phòng của Indonesia và thương mại xuất khẩu đang bị gián đoạn, giá dầu và khí đốt thế giới đang tăng.

Trong khi đó, Philippines ngày hôm qua cho biết, chính phủ nước này "đã chuẩn bị cho tất cả cho mọi tình huống có thể xảy ra trong bối cảnh gia tăng xung đột giữa Nga và Ukraine”.

Theo người phát ngôn Tổng thống Philippines, ông Karlo Nograles, Philippines hy vọng tất cả có thể tìm thấy con đường tốt nhất để đạt được hòa bình. Trước đó, Bộ Ngoại giao Philippines đã cử một nhóm lãnh sự đến Lviv, Ukraine để đảm bảo hỗ trợ lập tức cho các công dân Philippines.

Tính đến ngày 22/6, có 6 công dân Philippines ở Ukraine đã được hồi hương. Bộ Ngoại giao Philippines tiếp tục theo dõi tình hình ở biên giới Nga - Ukraine. Đại sứ quán Philippines tại Ba Lan tiếp tục giữ liên hệ với cộng đồng người Philippines ở Ukraine, đồng thời kêu gọi công dân Philippines ở Ukraine liên hệ với Đại sứ quán Philippines tại Ba Lan và Tổng lãnh sự danh dự Philippines tại Kiev, thủ đô của Ukraine nếu có yêu cầu hỗ trợ hồi hương./.

Hương Trà/VOV-Jakarta

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/phan-ung-cua-indonesia-va-philippines-truoc-cuoc-khung-hoang-o-ukraine-post926049.vov