Phần mềm 'Made in Vietnam' có thể soi từng lô rừng, gốc cây

Một trường đại học thuộc Bộ NN-PTNT hiện nay đang xây dựng phần mềm cập nhật hình ảnh độ phân giải cao qua vệ tinh, sắp tới có thể soi từng gốc cây, lô rừng, con thú quý hiếm...

Chia sẻ trong cuộc tọa đàm về chuyển đổi số trong ngành lâm nghiệp, tổ chức ngày 17-11 tại Hà Nội, TS Nguyễn Đức Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghiệp rừng (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) cho biết, đạo luật mới của Liên minh châu Âu về chống phá rừng (EUDR) liên quan đến 6 nhóm ngành hàng, trong đó với lĩnh vực lâm nghiệp có cà phê, cao su, đậu nành sẽ bị giám sát.

Sắp tới, có thể thông qua phần mềm để giám sát từng lô rừng của Việt Nam

“Với những quy định mới này của EU, hiện nay, ngành lâm nghiệp của chúng ta đang gặp phải khó khăn trong việc phân định diện tích rừng với diện tích trồng cà phê”, TS Nguyễn Đức Thành lo ngại, đồng thời cho rằng, để thích ứng với đạo luật này, ngành lâm nghiệp Việt Nam phải quan tâm tới việc xây dựng một cơ sở dữ liệu để xác định chỉ số địa lý cho rừng và cà phê.

Theo TS Nguyễn Đức Thành, từ năm 2025, những sản phẩm nhập khẩu vào thị trường châu Âu phải đảm bảo tiêu chuẩn không phá rừng (có truy xuất nguồn gốc từ năm 2020). “Rõ ràng chúng ta phải có các dữ liệu nền tảng để so sánh, đối chiếu và biết chính xác được diện tích, các diễn biến của quá trình chuyển đổi, sản xuất, thương mại… mà minh bạch được quá trình”, TS Thành đề xuất.

Về vấn đề này, GS-TS Phạm Văn Điển, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, hiện là Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp, người đã có nhiều năm gắn bó với ngành lâm nghiệp, cho biết, hiện Trường Đại học Lâm nghiệp đã có phần mềm được ví von là có thể định vị đến từng gốc cây.

GS-TS Phạm Văn Điển (bìa phải) tại cuộc tọa đàm, ngày 17-11

Cụ thể, đó là phần mềm Forestry 4.0, có thể xác định được diễn biến của rừng đến phạm vi từng lô một. “Hiện nay, chúng tôi đang cập nhật ảnh vệ tinh có độ phân giải cao cho hệ thống này. Nhờ đó, trong thời gian tới, có thể soi được từng gốc cây, qua đó có thể theo dõi, giám sát được sự phát triển tốt hơn hay xấu đi của từng mét vuông rừng”, GS-TS Điển cho biết, cả nước hiện đang có 7,5 triệu lô rừng. Phần mềm Forestry 4.0 này chính là cơ sở quan trọng để phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc rừng cũng như hỗ trợ nghiên cứu trong ngành lâm nghiệp.

Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh giám sát tình hình cháy rừng qua camera. Ảnh: TRẦN TUẤN

Phần mềm Forestry 4.0 cũng xác định từng loại cây. Hiện có 200 loài cây đã cập nhật trong cơ sở dữ liệu, sắp tới sẽ có thêm 600 loài cây được cập nhập, được đánh số định vị.

Thậm chí, theo ông Điển, một số vườn quốc gia hiện nay cũng đang sử dụng phần mềm của trường đại học này để quản lý các cá thể động vật quý hiếm của vườn quốc gia. Mỗi con vật được đánh số, định vị lại để theo dõi quá trình sinh trưởng mỗi ngày.

VĂN PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phan-mem-made-in-vietnam-co-the-soi-tung-lo-rung-goc-cay-post714594.html