Phân luồng và tạo luồng

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT năm 2024 đang đến gần. Cả hai kỳ thi đều đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Tuy nhiên, vấn đề người dân và toàn xã hội quan tâm nhất hiện nay không phải là kỳ thi diễn ra khi nào, gồm những môn gì, tỷ lệ chọi ra sao… mà là câu chuyện hướng nghiệp, phân luồng cuối cấp.

Vấn đề dư luận xã hội đặc biệt quan tâm những ngày qua là thông tin ở một số tỉnh, thành phố có tình trạng giáo viên động viên, khuyên, hoặc soạn sẵn mẫu đơn xin không thi vào lớp 10 công lập rồi định hướng một số em học lực yếu ký vào. Một số trường thì căn cứ kết quả thi thử 3 môn theo quy định của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ để loại danh sách những em không cần tham gia ôn và thi… Điều này khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Sự thật của các trường hợp này đã được ngành chức năng liên quan của các tỉnh, thành vào cuộc làm rõ, yêu cầu thực hiện và xử lý nghiêm theo quy định.

Phân luồng học sinh cuối bậc THCS và THPT nhằm giảm áp lực cho học hành, thi cử; đồng thời cân đối nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, việc phân luồng có tác động, ảnh hưởng không nhỏ đối với sự nghiệp của mỗi con người và chất lượng nguồn nhân lực quốc gia. Việc phân luồng không khéo rất dễ kéo lùi hoặc kìm hãm sự phát triển của xã hội, chưa nói đến việc triển khai thực hiện tại các đơn vị đã đúng, đủ, phù hợp và nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao từ phía nhà trường, gia đình và xã hội chưa.

Phát sinh các vụ việc người dân bức xúc nêu trên, nguyên nhân được xác định một phần do cách làm của một số trường, thầy (cô) giáo chưa khéo, chưa đúng quy trình, thủ tục và đảm bảo công khai, minh bạch. Theo nguyên tắc việc phân luồng, định hướng học tập phải được thực hiện ngay từ những năm học trước đó, không phải đến năm cuối cấp mới thực hiện. Trước hết là tuyên truyền, phân tích để phụ huynh và học sinh hiểu chủ trương phân luồng, hướng nghiệp; giáo viên thường xuyên trao đổi với phụ huynh về năng lực học tập của mỗi em để có sự điều chỉnh trong học tập và hướng nghiệp vào năm cuối cấp. Công tác hướng nghiệp phải được thực hiện thường xuyên, có thể lồng ghép tuyên truyền, giáo dục hoặc trải nghiệm thực tế… Đặc biệt, người làm công tác hướng nghiệp phải thực sự am hiểu về quy trình, thủ tục, nắm rõ cung - cầu của thị trường lao động và năng lực, thế mạnh của mỗi em để định hướng sát, đúng và khi triển khai thực hiện nhận được sự đồng thuận cao của cả gia đình, các em học sinh và đơn vị tuyển dụng.

Việc thi tuyển sinh vào lớp 10 cũng như đăng ký học nghề hay thi vào đại học sau tốt nghiệp THPT là quyền tự do, quyền được học của mỗi người. Không ai có quyền ngăn cấm hay vận động, loại khỏi danh sách thi dưới bất kỳ hình thức nào… Nhiệm vụ của các thầy, cô giáo, nhà trường là phân tích, định hướng, còn quyết định thi hay không là quyền của học sinh và phụ huynh các em. Điều quan trọng là định hướng sao cho sát, đúng, phân luồng phải đi kèm với tạo luồng, mở đầu ra cho các em.

“Đừng để bệnh thành tích “núp bóng” phân luồng, hướng nghiệp” là yêu cầu chính đáng của phụ huynh liên quan đến vấn đề này. Và để khắc phục tình trạng này đòi hỏi phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện, đảm bảo đúng quy trình, công khai, minh bạch, không làm ảnh hưởng đến tâm lý cũng như quyền lợi của học sinh. Hơn hết là tạo ra nguồn nhân lực không chỉ đủ về số lượng, đảm bảo về trình độ mà còn chuẩn về năng lực thể chất, với lộ trình thực hiện phù hợp đặc thù, điều kiện kinh tế - xã hội của từng vùng, miền.

Minh Luận

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/157784/phan-luong-va-tao-luong