Phần lớn người dân huyện Chương Mỹ vẫn dùng nước giếng trong sinh hoạt

Như Báo Kinh tế & Đô thị đã thông tin, huyện Chương Mỹ mới có 16,29% hộ dân được cấp nước từ nguồn nước sạch tập trung. Trong khi chờ dự án cấp nước sách, thời điểm mùa nắng nóng cận kề, người dân lại thau dọn bể lọc, bể chứa vì nước giếng vẫn là nguồn chủ đạo…

Khổ như dân Miền Đáy

Trò chuyện với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, ông Tư Văn Hồ (xã Hoàng Diệu) cho biết, "trước đây sông Đáy trong và đẹp lắm. Mùa hè trẻ con người lớn tha hồ vùng vẫy, chỉ cần khơi cái giếng chừng dăm mét, đã đủ nước dùng cho mấy hộ. Giờ đây sông Đáy bị ô nhiễm nghiêm trọng, con cá còn khó sống, trâu bò còn không dám uống, huống gì con người. Về mùa hè, dòng sông bốc mùi hôi thối nồng nặc, nguồn nước ngầm chắc chắn cũng không còn sạch như xưa".

Ô nhiễm cũng là vấn đề được người dân sống dọc bờ sông Đáy nhiều lần phản ánh tới các đại biểu Quốc hội, Đại biểu HĐND các cấp trong các cuộc tiếp xúc cử tri, nhưng đến nay kiến nghị của người dân vẫn là một vấn đề không dễ giải quyết.

Bể lọc nước của một hộ dân ở khu vực Miền Đáy, huyện Chương Mỹ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, người dân (sinh sống phía ngoài đê Đáy) của các xã từ Thụy Hương đến Hòa Chính vẫn dùng nước giếng khoan để phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Hầu hết những bể lọc của hộ gia đình này đều có đặc điểm chung là màu vàng xỉn, bởi đó là những chất bẩn theo mạch nước ngầm đi lên.

Tại đây, những gia đình có điều kiện kinh tế chỉ dùng nước giếng khoan để tắm giặt, còn để nấu nướng họ thường mua nước đóng bình về dùng. Nhờ kinh tế phát triển, đến nay hầu như gia đình nào cũng sắm được máy lọc, tránh được tình trạng phó thác sức khỏe cho nước giếng khoan!

Những mạch ngầm trong vắt

Khác với những gì xảy ra với người dân Miền Đáy, tại một số xã như Tiên Phương, Thủy Xuân Tiên, Mậu Lương… (những xóm làng ven chân núi) dù mạng lưới nước máy chưa “phủ sóng” tới, nhưng may mắn hơn khi nguồn nước sinh hoạt của người dân rất sạch sẽ. Theo nhận thấy của chúng tôi từ thực tế, giếng khoan, giếng khơi ở đây vẫn cho một nguồn nước ngọt lịm, trong vắt.

Chủ tịch UBND xã Tiên Phương Hà Văn Nhuận vui vẻ thông tin: "Ở Tiên Phương, chỉ nguồn nước ngầm ở thôn Quyết Tiến là kém, các xóm còn lại đều rất ổn. Anh thấy đấy, nguồn nước ngầm ở đây rất ngon, pha chè khô, “hãm” chè xanh đều rất ngon”.

"Mỏ nước" ở thôn Đồng Nanh, xã Tiên Phương.

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh 2 thôn Tiên Lữ và Đồng Nanh, ông Nguyễn Duy Cương (cán bộ giao thông thủy lợi xã Tiên Phương) cho biết, ở đây tất cả các hộ dân từ chân lên đỉnh núi đều sử dụng giếng khơi, giếng khoan. Mạch nước ngầm từ lòng núi trong vắt và rất ngọt. Hiện một số hộ dân ở thôn Đồng Nanh vẫn sử dụng “mỏ nước” từ đường ống được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước.

Một giếng cổ tại thôn Đồng Nanh, xã Tiên Phương.

Khảo sát thực tế cho thấy, tại đây có một ống gang đâm từ lòng núi, liên tục tuôn nước ra ngoài. Trước đây tại “mỏ nước” này, người dân còn xây dựng nhà tắm phục vụ sinh hoạt chung, nhưng đến nay đã bỏ không vì người dân đều dùng ống dẫn nước về tận nhà.

Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Trần Đăng Diện (thôn Thanh Trì, xã Đông Sơn) cho biết, cũng như nhiều người trong thôn, từ lâu gia đình ông vẫn sử dụng nước giếng. "Dẫu nước giếng vẫn sử dụng tốt, nhưng địa phương đang tiến hành xây dựng hệ thống đường ống nước sạch, gia đình cũng vẫn đăng ký lắp đặt. Cứ làm sẵn đấy, đề phòng lúc nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, khi ấy đã có nước sạch mà dùng” - ông Diện cho biết thêm…

Trần Thụ

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nuoc-gieng-van-la-chu-dao-trong-sinh-hoat-cua-nguoi-dan-huyen-chuong-my.html