Phân loại người học để dạy ngoại ngữ hiệu quả

GD&TĐ - Giảng viên Phạm Thanh Việt (Trường ĐH Đại Nam) đề xuất phương pháp giảng dạy và hoạt động trên lớp nhằm giúp người học học tập tốt nhất phù hợp với đặc điểm học tập của mình.

Với nhóm người học có khả năng tư duy hình ảnh

Giảng viên Phạm Thanh Việt dẫn cách phân loại của H.Gardner về nhóm người học Visual learners. Nhóm người học này cần quan sát cử chỉ hình thể và nét mặt giáo viên để có thể hiểu được đầy đủ nội dung bài học. Họ thường thích ngồi dãy bàn đầu tiên trong lớp để có tầm quan sát tốt nhất. Họ có thể tư duy qua hình ảnh và có thể học tập tốt nhất qua các hình ảnh được trình chiếu. Họ ghi nhớ thông tin bằng cách ghi chép tỉ mỉ.

Nhóm người học này sẽ lĩnh hội được nhiều thông tin qua các phần hướng dẫn bằng chữ viết trên bảng cũng như các minh họa hành động của giáo viên.

Đối với nhóm người học này, giảng viên có thể tiến hành các hoạt động như học từ vựng qua tranh, viết bài mô tả hoặc trình bày thông qua tranh ảnh.

Đồng thời, trong quá trình giảng dạy trên lớp, giảng viên nên sử dụng video, tranh ảnh, đoạn phim để giảng dạy các hoạt động nghe, nói, viết. Để buổi học thêm vui và hấp dẫn người học, giảng viên có thể sử dụng một số trò chơi như board games, picture games và reading games.

Với nhóm người học có khả năng học tốt qua lắng nghe

Giảng viên Phạm Thanh Việt dẫn cách phân loại của H.Gardner về nhóm người học Auditory learners: Nhóm người học này học tập tốt nhất qua việc lắng nghe các bài giảng, các buổi tranh luận và ý kiến của người khác. Họ phân tích hàm ý qua việc lắng nghe giọng điệu, tốc độ và sắc thái biểu cảm của lời nói. Họ không quan tâm nhiều đến các thông tin dưới dạng bài viết. Nhóm người học này sẽ tiếp thu tốt nhất khi đọc to một đoạn văn hoặc nghe đoạn ghi âm.

Đối với nhóm người học này, theo giảng viên Phạm Thanh Việt, giảng viên nên kết hợp lồng ghép các đoạn ghi âm, các bài hát để khuyến khích não bộ của nhóm này, đồng thời cũng có thể thu hút sự chú ý của những nhóm người học khác.

Các hoạt động hiệu quả tốt nhất với nhóm người học này bao gồm nghe và nhắc lại, đọc chép chính tả, nghe xác định mạch truyện, nghe điền từ chỗ trống, hoặc nghe tóm tắt nội dung câu chuyện.

Với nhóm thích vận động, khám phá thế giới quan xúc giác

Giảng viên Phạm Thanh Việt dẫn cách phân loại của H.Gardner về nhóm người học Tactile/Kinesthetic learners. Nhóm người học này học tốt nhất qua các trải nghiệm thực tế, tiếp xúc trực tiếp với các đồ vật xung quanh họ. Họ không thích phải ngồi lâu một chỗ và dễ bị phân tâm.

Đối với nhóm người học này, theo giảng viên Phạm Thanh Việt, các hoạt động có liên quan đến vận động hoặc xúc giác như đóng kịch, sờ tay đoán vật, đố chữ… sẽ khuyến khích họ học tập.

Với nhóm người học có khả năng làm việc độc lập

Giảng viên Phạm Thanh Việt dẫn cách phân loại theo quan điểm của Reichmann và Grasha về nhóm người học independent learners – nhóm người học thích làm việc độc lập mà không cần quá nhiều sự chỉ dẫn của giáo viên.

Theo giảng viên Phạm Thanh Việt, nhóm người học này thường học rất tốt kỹ năng đọc thầm và viết vì hai kĩ năng này đòi hỏi tính tương tác thấp và tính tự học cao hơn.

Một số hoạt động thích hợp với nhóm học này là yêu cầu họ đọc một đoạn văn hoặc nghe một đoạn băng rồi tự nói lại hoặc viết lại những gì đã đọc hoặc nghe.

Đồng thời, để người học vẫn có thể tham gia vào các hoạt động của nhóm, giảng viên nên thiết kế các hoạt động nhóm bao gồm các vai hoặc công việc riêng rẽ cho từng cá nhân trong nhóm nhưng vẫn phải đảm bảo tính liên kết và tổng thể của nhóm.

Với người học có khuynh hướng tìm hiểu thực tế

Giảng viên Phạm Thanh Việt dẫn cách phân loại theo quan điểm của Kolb và Gregorc về người học thuộc nhóm Converging learners. Nhóm người học này thường sử dụng các kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề thực tế. Họ có khả năng quyết định, thích trải nghiệm những ý tưởng mới. Họ có khả năng trong những công việc mang tính kỹ thuật nhưng ít để tâm đến người khác.

Giảng viên Phạm Thanh Việt cho rằng, người học thuộc nhóm này học ngoại ngữ sẽ chậm hơn đặc biệt là 2 kĩ năng nghe và nói vì hai kĩ năng này đòi hỏi tư duy nhanh và phán đoán nhanh.

Đối với nhóm người học này, giảng viên nên phân tích những yêu cầu khi học các môn nghe, nói, đọc, viết để sinh viên thay đổi thói quen, xây dựng thói quen thích hợp để học ngoại ngữ. Hơn nữa, khi giới thiệu những khái niệm, từ vựng mang tính trừu tượng thì giảng viên nên dùng các ví dụ để giải thích.

Nhóm người học thích khám phá

Giảng viên Phạm Thanh Việt dẫn cách phân loại theo quan điểm của Kolb và Gregorc về nhóm người học Accommodating learners. Nhóm người học này thường dựa trên trực giác hơn là logic. Họ sử dụng các phân tích, đánh giá của người khác và tiếp cận vấn đề dựa trên kinh nghiệm. Đặc điểm của người học này khá phổ biến và phù hợp với các vai trò hành động và đưa ra sáng kiến. Họ cũng thích làm việc nhóm để hoàn thành công việc được giao.

Giảng viên Phạm Thanh Việt cho rằng, đối với nhóm người học này, giảng viên nên thiết kế các hoạt động đóng kịch hoặc làm đề án nhỏ để họ phát huy tính sáng tạo. Tuy nhiên, giảng viên nên giới thiệu kiến thức theo chủ đề, theo ngữ cảnh để người học nhóm này dễ nhớ hơn.

Bài trao đổi được biên tập từ tham luận của Phạm Thanh Việt (Trường ĐH Đại Nam) tại hội thảo khoa học “Đổi mới phương pháp giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực người học tại các cơ sở đào tạo đại học ngoài công lập.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/phan-loai-nguoi-hoc-de-day-ngoai-ngu-hieu-qua-2866062-v.html