Phân chia di sản thừa kế: Chớ để mất tình thân

Những năm gần đây, tại một số địa phương trên cả nước, trong đó có Đồng Nai, đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp tài sản thừa kế trong anh em ruột thịt, dẫn đến mâu thuẫn, kiện tụng, thậm chí là gây ra án mạng.

Chia tài sản thừa kế cần rõ ràng, minh bạch ngay từ đầu để tránh tranh chấp. Ảnh minh họa: Lê Duy

Chia tài sản thừa kế cần rõ ràng, minh bạch ngay từ đầu để tránh tranh chấp. Ảnh minh họa: Lê Duy

* Mất tình anh em vì tài sản

Cuối tháng 4-2024, ông N.V.V. (ngụ xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) đến điểm tư vấn pháp luật của Hội Luật gia tỉnh đặt tại Báo Đồng Nai để được tư vấn pháp luật về việc phân chia tài sản cha mẹ để lại. Ông N.V.V. cho biết, cha mẹ ông có 4 người con, lâu nay dù cha mẹ ở với anh cả nhưng các anh em còn lại vẫn lui tới, hàng tháng đóng góp để anh cả nuôi cha mẹ. Tháng 4-2023, mẹ ông mất và đến tháng 1-2024 thì cha ông cũng mất.

Ông N.V.V. cho biết, 2 tháng sau khi cha ông qua đời, người anh cả treo biển bán nhà của cha mẹ. Anh em trong nhà đến hỏi thì người anh cả trả lời: “Bố cho riêng tôi căn nhà này và yêu cầu tôi phải chia cho các cô chú mỗi người 50 triệu đồng. Bán nhà lấy được tiền, tôi sẽ gửi các cô chú phần bố cho”.

Theo khoản 2, Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 về phân chia di sản thừa kế, những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau; những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu người ở hàng thừa kế trước đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Không chấp nhận việc này, các anh em ông V. yêu cầu họp gia đình. Lúc này, người anh cả đưa ra một tờ giấy có nội dung đúng như anh cả của ông đã nói, nhưng không có người làm chứng, không có chữ ký của cha ông, mà chỉ có một dấu ngón tay điểm chỉ không biết của ai. Suốt 2 tháng qua, anh em ông V. thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Vụ việc của anh em ông đã được luật sư tư vấn và hỗ trợ khởi kiện ra tòa về phân chia di sản thừa kế.

Điều đáng nói, trong nhiều vụ mâu thuẫn, tranh chấp tài sản của cha mẹ, nhiều người làm cha mẹ đã phải đau lòng vì cha mẹ còn sống mà các con đã xào xáo nhau vì tài sản.

3 năm nay, ông N.V.Đ. (ngụ phường Hóa An, thành phố Biên Hòa) rất buồn vì không được đến thăm mẹ ruột, dù bà đã gần 90 tuổi. Trước đó, anh em ông Đ. đã phải mấy lần đến tòa vì người em út tranh chấp ngôi nhà của cha mẹ ông đang sinh sống. Tòa đã hòa giải nhiều lần không thành nên trong một phiên xử đã tuyên 7 anh em ông Đ. mỗi người được hưởng phần thừa kế như nhau, ai nhận nhà thì có trách nhiệm trả lại phần cho những người còn lại. Tuy nhiên, người em út (57 tuổi, không lập gia đình) vẫn khăng khăng giữ ngôi nhà và hăm dọa ai bước vào đòi tiền sẽ chém chết.

Ông Đ. cho biết: “Thấy đứa em út dữ dằn quá, các anh em cũng chấp nhận buông bỏ hết quyền lợi cho em, chỉ mong được tới lui thăm mẹ những năm tháng cuối đời, nhưng em cũng không cho. Vì thế, anh em tôi chỉ canh khi mẹ đi nằm viện thì tới thăm. Đau lòng lắm”.

* Cần rõ ràng, minh bạch ngay từ đầu

Theo đại diện Tòa án nhân dân tỉnh, tình trạng tranh chấp tài sản thừa kế diễn ra nhiều và phức tạp. Nhiều vụ phân chia di sản thừa kế, tranh chấp kéo dài, khó giải quyết. Đặc biệt, với tài sản thừa kế có giá trị lớn như đất đai, nhà cửa thì sự tranh chấp càng quyết liệt, nhiều gia đình anh em từ mặt nhau, thậm chí có những hành vi vi phạm hình sự như cố ý gây thương tích, giết người...

Để tránh tình trạng tranh giành tài sản thừa kế, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh), luật sư Ngô Văn Định cho rằng, việc phân chia tài sản trong gia đình nên rõ ràng, minh bạch và công bằng ngay từ đầu.

Theo luật sư Ngô Văn Định, trong quá trình hành nghề, ông ghi nhận nhiều vụ kiện tụng, tranh chấp di sản thừa kế có nguyên nhân chính là do cha mẹ không để lại di chúc, không chia tài sản cho các con trước khi qua đời hoặc chia không công bằng, thậm chí chỉ để tài sản cho con trai, không chia cho con gái…, khiến nhiều gia đình vốn rất hòa thuận, yêu thương nhau khi cha mẹ còn sống, nhưng khi cha mẹ mất đi, các con “tan đàn xẻ nghé” vì tài sản.

Luật sư Ngô Văn Định cho rằng, để tránh rắc rối về sau, cha mẹ khi còn khỏe mạnh, minh mẫn nên có buổi họp mặt đông đủ các con và phân chia những tài sản có giá trị trên nguyên tắc công bằng, trai gái như nhau. Đối với những người con có công chăm sóc cha mẹ hoặc phụ trách việc thờ cúng sau này thì có thể chia cho phần hơn. Đặc biệt, trong quá trình phân chia tài sản cho con, cha mẹ không nên chia tất cả tài sản, mà nên giữ lại nhà ở và một phần tiết kiệm để dưỡng già. Những tài sản để lại này cần lập di chúc phân chia theo chủ ý mong muốn của người làm di chúc. Khi làm di chúc nên có ít nhất 2 người làm chứng hoặc chứng nhận của UBND xã, phường nơi cư trú.

“Tài sản cha mẹ chia cho dù ít hay nhiều cũng nên biết ơn và xem đó là lộc cha mẹ để lại. Không nên vì tài sản mà anh em bất hòa, gia đình xáo trộn và gây mất an ninh trật tự xã hội” - luật sư Ngô Văn Định chia sẻ.

Phương Liễu

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202405/phan-chia-di-san-thua-ke-cho-de-mat-tinh-than-fa65ff9/