Phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát

Trưởng ban Dân chủ - pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, phân cấp luôn gắn liền với phân quyền, chức năng, nhiệm vụ đến đâu thì thẩm quyền giải quyết phải được quy định phù hợp. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, giám sát luôn có vai trò quan trọng đối với hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước.

Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi):

Cán bộ bộ phận “Một cửa” phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội trả kết quả giải quyết TTHC cho công dân. Ảnh: Công Phương

Phân cấp, phân quyền luôn đòi hỏi tính khoa học

Góp ý vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ - pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, phân cấp luôn gắn liền với phân quyền, chức năng, nhiệm vụ đến đâu thì thẩm quyền giải quyết phải được quy định phù hợp. Đây là vấn đề dễ thống nhất về nguyên tắc, xong cũng thường vướng mắc tổ chức thực hiện. Khi nhiệm vụ được giao không tương xứng với thẩm quyền giải quyết, dẫn đến hiệu quả công việc thấp, không sử dụng hết, thậm chí lãng phí nguồn lực.

Ngược lại, thẩm quyền không phù hợp với nhiệm vụ, dẫn đến chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm, lạm quyền hoặc “lợi ích nhóm” xuất hiện. Do đó, phân cấp, phân quyền luôn đòi hỏi tính khoa học, tính thực tiễn cao, là một nội dung quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền. Kết quả thực hiện phân cấp, phân quyền còn phụ thuộc vào quá trình tổ chức thực hiện, mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương, cấp trên và cấp dưới, chất lượng đội ngũ cán bộ...

Vì thế, làm tốt công tác được chế định và giới hạn một cách rõ ràng, bằng Hiến pháp và pháp luật; quyền lực Nhà nước là thống nhất, mối phân cấp, phân quyền chính là xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi cấp, hạn chế sự can thiệp không đúng, hoặc thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ.

Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát luôn có vai trò quan trọng, cấp trên có thể kiểm tra, thanh tra cấp dưới theo quy định của pháp luật và ngược lại, cấp dưới căn cứ theo quy định của pháp luật cũng có biện pháp phù hợp để bảo vệ lợi ích của mình khi cấp trên can thiệp không đúng. Bên cạnh đó, quá trình thực thi công vụ nói chung và phân cấp, phân quyền nói riêng còn chịu sự giám sát của các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan truyền thông, báo chí và cả người dân.

Cấp trên kiểm tra, thanh tra việc chấp hành của cấp dưới trong phạm vi chuyên môn, nghiệp vụ và theo phân cấp hành chính được quy định của pháp luật, đảm bảo tính thống nhất của cả hệ thống và hiệu quả thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước.

Kiểm soát phân cấp phân quyền bằng thanh tra, kiểm tra

Theo bà Nguyễn Quỳnh Liên, HĐND, các cơ quan công quyền cùng cấp vừa có tính độc lập tương đối, vừa có trách nhiệm giám sát quá trình tổ chức thực hiện, đảm bảo đồng bộ trong quản lý Nhà nước và chất lượng dịch vụ công. Người dân tham gia giám sát là thể hiện tính dân chủ, sự tham gia trực tiếp của người dân vào những quyết định của cơ quan Nhà nước, thể hiện sự đánh giá, mức độ hài lòng của người dân đối với hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước.

Tổ chức và hoạt động của Nhà nước pháp quyền luôn đòi hỏi phải thượng tôn pháp luật, Nhà nước xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp, nhưng trong hoạt động phải luôn tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, qua đó vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền; mặt khác, bảo đảm sự công bằng, yêu cầu quản lý tập trung, thống nhất và thông suốt; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phục vụ tốt nhu cầu, lợi ích của Nhân dân.

Trên cơ sở đó, thúc đẩy sự phát triển dân chủ thông qua việc cung cấp những cơ hội tốt hơn, để người dân tích cực và trực tiếp tham gia vào các quyết định của các cơ quan Nhà nước, thực sự giám sát trực tiếp, có hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, thúc đẩy tự quản của cơ sở; tăng cường sự chủ động, minh bạch, trách nhiệm giải trình, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công.

Bà Nguyễn Quỳnh Liên cho rằng, phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát là một vấn đề quan trọng trong nhận thức của Đảng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đây là một quá trình, có tính kế thừa đã có bước phát triển mới. Hiện nay, được đặt ra với những yêu cầu mới, cũng là những vấn đề quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

Theo đó, đòi hỏi trách nhiệm giải trình của các cơ quan Nhà nước, các quan chức trong bộ máy công quyền trên nền tảng của hệ thống pháp luật công khai, minh bạch, khả thi, thống nhất, đồng bộ và ổn định. Việc phân cấp, phân quyền giữa Trung ương, địa phương được thực hiện rõ ràng, bằng luật định, phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, từng bước thực hiện nguyên tắc tự quản địa phương.

“Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể hiện tương đối rõ nét các thiết chế để kiểm soát như kiểm soát bằng việc phân quyền, phân cấp chặt chẽ, kiểm soát bằng cơ chế thanh tra, kiểm tra tính hợp pháp trong thực thi các nhiệm vụ được phân quyền, phân cấp. Kiểm soát bằng cơ chế giám sát xã hội, vai trò của các tổ chức chính trị đoàn thể, Nhân dân. Tuy nhiên, để kiểm soát hiệu quả hơn nữa, các quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi) ở từng chế định phải là rõ nét hơn; giám sát của Nhân dân cũng cần phải tăng cường hơn” - bà Nguyễn Quỳnh Liên nhấn mạnh.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/phan-cap-phan-quyen-di-doi-voi-kiem-tra-giam-sat-357494.html