Phản bội Ðảng, họ đã phản bội chính mình!

Tình cờ đọc bài viết của tác giả Phạm Trần trên trang Dân làm báo với tiêu đề rất... bất ngờ: 'Trí thức chán Đảng đến mang tai'. Dù vậy, tôi vẫn cố đọc xem tác giả lập luận thế nào, viết những gì mà dài thế. Hóa ra, Phạm Trần dành phần lớn dung lượng bài viết để kể lại tình huống ra khỏi Đảng của một số vị từng là trí thức, từng giữ các cương vị lãnh đạo chủ chốt tại một số cơ quan văn hóa, nghiên cứu khoa học hay trong bộ máy của Đảng, Nhà nước như: Chu Hảo, Nguyễn Đình Cống, Mạc Văn Trang, Tương Lai, Nguyên Ngọc, Đặng Xương Hùng - đều là những người mắc bệnh vĩ cuồng, công thần mà cứ tưởng mình là cứu tinh của xã hội.

Những ai quan tâm đến tình hình chính trị trong nước, nhất là trào lưu “phản biện” của những người tự xưng là nhà hoạt động dân chủ, hẳn không lạ gì những tên tuổi mà tác giả Phạm Trần đã nêu trong bài. Trong số họ, có người được kết nạp Đảng ngay tại chiến trường hoặc phải phấn đấu bền bỉ, từng có nhiều chiến công. Trước cờ Đảng, họ từng giơ cao nắm tay đọc lời tuyên thệ “Tuyệt đối trung thành với Đảng”. Vậy mà sống giữa thời bình, họ lại “đổi màu”, nói, viết, làm ngược lại những điều suốt một thời gian dài phấn đấu và từng tuyên thệ. Đáng nói là hầu hết trong số họ chỉ phản bội lời thề, quay lưng với Đảng khi đã nghỉ hưu - nghĩa là khi không còn giữ những chức vụ quan trọng nữa.

Trước hết nói về nhân vật Chu Hảo, sinh năm 1940. Ông Hảo bị kỷ luật, khai trừ khỏi Đảng do hàng loạt vi phạm nguyên tắc của Đảng. Thời gian làm Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, do thiếu trách nhiệm trong quản lý, dẫn đến hỏa hoạn thiêu trụi toàn bộ máy móc sản xuất, tài liệu công trình nghiên cứu sản xuất máy tính nội địa đầu tiên ở Việt Nam, trị giá hàng triệu USD. Khi làm Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức, ông Chu Hảo đã ký giấy phép xuất bản những ấn phẩm có nội dung đi ngược lại đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và kết nối với những người tự xưng “nhà dân chủ” thường xuyên có những hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước. Quá trình xem xét thi hành kỷ luật đối với ông Chu Hảo, tập thể Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẵn sàng lắng nghe kiểm điểm và tâm tư, nguyện vọng của ông một cách khách quan. Điều đó thể hiện sự dân chủ, nhân văn của Đảng. Thế nhưng, ông Chu Hảo không đến dự kiểm điểm và tự loan tin “rời bỏ Đảng”. Như vậy, chính ông đã tự tước đi quyền “tự bào chữa” cho mình. Và khi bị khai trừ khỏi Đảng, bản thân ông cùng những người nhân danh “dân chủ” lại kêu ầm lên là “Đảng mất dân chủ”!

Tiếp đến ông Nguyễn Đình Cống (SN 1937), nguyên PGS-TS giảng dạy tại Trường đại học Xây dựng cũng có những diễn biến tâm lý tương tự. Ông Cống từng được Đảng, Nhà nước cử đi đào tạo tại Liên Xô. Về nước, ông trở thành người có trình độ cao về khoa học vật liệu xây dựng bê tông cốt thép tại Trường đại học Xây dựng. Nhưng do những bất đồng chính kiến, bất mãn cá nhân nên ông thường xuyên đưa ra những quan điểm sai trái, xuyên tạc, chống đối Đảng, chống đối chế độ. Đỉnh điểm của những hành vi chống phá, xuyên tạc là đúng vào dịp Đảng ta kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập (3-2-2016), ông Nguyễn Đình Cống đã lên mạng xã hội để “thông báo từ bỏ Đảng” và liên tục lên các trang truyền thông chống cộng phỉ báng Đảng, Nhà nước, nói xấu chế độ. Hành vi của ông không chỉ thể hiện sự vong ơn bội nghĩa mà còn trên cả sự tha hóa. Nó hoàn toàn trái với đạo lý, truyền thống tốt đẹp “ăn quả nhớ người trồng cây” của người Việt Nam. Còn nhân vật Đặng Xương Hùng (SN 1961), cựu Lãnh sự Việt Nam tại Geneve (Thụy Sỹ), vì sự tha hóa trong nhận thức và lối sống đã từ bỏ cương vị Lãnh sự quán để xin tị nạn chính trị tại Thụy Sỹ. Nhưng để được tị nạn chính trị thì phải chứng minh mình là nạn nhân của chính quyền, chế độ; bị đàn áp, hành hạ… Thế là Đặng Xương Hùng xin ra khỏi Đảng rồi lên mạng chửi Đảng Cộng sản Việt Nam, chửi Chủ tịch Hồ Chí Minh để thể hiện sự “bất đồng chính kiến”!

Đó chỉ là 3 trong số 7 nhân vật mà tác giả Phạm Trần đã nhắc tới như là những trí thức dân chủ “ngán Đảng đến mang tai”. Không chỉ có thế, Phạm Trần còn lộng ngôn với nhận xét: Trong chế độ Cộng sản Việt Nam, có hai thành phần trí thức: Trí thức sáng suốt và trí thức u mê. Và tác giả này cho rằng những trí thức đang ngày đêm dùng chất xám để cùng nhân dân dựng xây, phát triển đất nước là “loại trí thức u mê”, là “công bộc, Đảng bảo đâu đánh đó, nhiều khi không cần tiêu chuẩn luân thường đạo lý”. Còn những kẻ từ bỏ Đảng như Chu Hảo, Nguyễn Đình Cống, Đặng Xương Hùng... là “loại trí thức sáng suốt”, có bản lĩnh, có lập trường rõ ràng, biết đặt quyền lợi chung lên trên lợi ích cá nhân… Quả thực, tôi không biết Phạm Trần có phải là một người mắc chứng loạn óc; cũng không hiểu vì sao một bài viết với lập luận phản logic, phản khoa học như thế lại được trang Dân làm báo đăng tải!?

Chuyện ra - vào một tổ chức, đoàn thể, không riêng gì ở Việt Nam, cũng không riêng gì với tổ chức đảng mà mọi tổ chức trên toàn thế giới đều có vào, có ra, có kết nạp, có khai trừ hoặc tự nguyện xin ra khỏi tổ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện tham gia, hoặc thấy bản thân không xứng đáng, không phù hợp với các quy định của tổ chức đó.

Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam quy định: “Công dân Việt Nam thừa nhận và tự nguyện thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng; qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm, đều có thể được xét để kết nạp vào Đảng”. Như vậy, việc xin vào hay xin ra khỏi Đảng là quyền của mọi đảng viên. Tính đến đầu năm 2023, cả nước có hơn 5,3 triệu đảng viên thì việc hàng trăm, thậm chí hàng ngàn đảng viên tự nguyện ra hoặc bị lọc ra khỏi bộ máy của Đảng là bình thường. Một nhóm đảng viên bất mãn và trượt dài trên con đường phản bội Đảng, phản bội Tổ quốc, nhân dân - cũng là phản bội chính mình thì có gì đáng nói mà Phạm Trần phải làm ầm ĩ như thế chứ!.

Thảo Linh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/542/153317/phan-boi-dang-ho-da-phan-boi-chinh-minh