Phân biệt rõ nghĩa vụ

(TBKTSG) - Nhân đọc bài Phải biết tự bảo vệ mình trên TBKTSG ngày 9-1-2014 về việc khách hàng nên cẩn trọng như thế nào khi gửi tiền ở ngân hàng, tôi có ý kiến như sau:

Nguyễn Đức Toàn

(TBKTSG) - Nhân đọc bài Phải biết tự bảo vệ mình trên TBKTSG ngày 9-1-2014 về việc khách hàng nên cẩn trọng như thế nào khi gửi tiền ở ngân hàng, tôi có ý kiến như sau:

Khi ngân hàng cho khách hàng vay, khách hàng phải có nghĩa vụ trả nợ. Khách hàng cá nhân không thể từ chối trả nợ vì lý do kiểu như người thân đã rút số tiền đó sử dụng mà khách hàng không biết; khách hàng là doanh nghiệp không thể biện minh kế toán trưởng, giám đốc rút tiền chi tiêu cá nhân, doanh nghiệp không sử dụng vốn vay đó nên không có trách nhiệm trả nợ...

Tương tự, khi khách hàng đến ngân hàng gửi tiền tiết kiệm, điều đó có nghĩa là ngân hàng đang vay tiền của khách hàng làm nguồn vốn kinh doanh cho ngân hàng. Như vậy, ngân hàng đang vay tiền thì có nghĩa vụ trả nợ, không thể đổ lỗi cho nhân viên của mình. Sổ tiết kiệm là giao dịch giữa khách hàng và ngân hàng, nhân viên ngân hàng chỉ là người đại diện. Như vậy, ngân hàng mới là người có nghĩa vụ trực tiếp. Việc quy trách nhiệm cho nhân viên không làm đúng quy trình, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để mưu lợi cá nhân là chuyện xử lý nội bộ của ngân hàng, nhân viên lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Điều quan tâm của người gửi tiền là khách hàng đã gửi tiền cho ngân hàng thì ngân hàng phải có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền đó, nhân viên vi phạm đương nhiên phải chịu trách nhiệm nhưng trách nhiệm của nhân viên là đối với ngân hàng chứ không phải đối với người gửi tiền. Chỉ khi khách hàng không đến địa điểm kinh doanh của ngân hàng để gửi tiền mà ở nhà hay ở nơi nào khác để nhân viên ngân hàng đến lấy tiền và đưa sổ tiết kiệm, khi xảy ra tình trạng làm giả sổ tiết kiệm, nhân viên thực hiện hành vi lừa đảo thì khách hàng mới phải chịu rủi ro này. Còn khi người gửi tiền đến địa điểm kinh doanh của ngân hàng như chi nhánh, phòng giao dịch thì giao dịch đó đương nhiên là với ngân hàng vì vậy, phải được pháp luật bảo vệ. Lúc này mà yêu cầu người gửi tiền phải xem nhân viên có phải là nhân viên đủ thẩm quyền thực hiện giao dịch không chẳng khác nào đánh đố khách hàng.

Từ vụ án của bà Huỳnh Thị Huyền Như, chưa biết kết luận cuối cùng của tòa án về việc Ngân hàng Vietinbank có trách nhiệm hoàn trả số tiền cho người gửi hay không. Rất cần phải phân biệt rõ trách nhiệm để bảo vệ người gửi tiền, bởi nếu họ không còn niềm tin vào ngân hàng nữa, thì lấy ai gửi tiền cho ngân hàng có vốn mà luân chuyển nền kinh tế?

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/diendan/bandocviet/108913/