Phân biệt co thắt thực quản lan tỏa với đau thắt ngực do tim mạch

Ở một số người khi thấy có biểu hiện đau ngực không rõ nguyên nhân hoặc có thể đau ngực khi nuốt thức ăn, đau tăng lên khi căng thẳng, khi thay đổi một số tư thế nhất định… rất lo sợ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, trên thực tế rất có thể bệnh nhân bị đau thắt ngực do co thắt lan tỏa.

Co thắt thực quản lan tỏa là bệnh gì?

Co thắt thực quản lan tỏa – DES là tình trạng rối loạn vận động của cơ trơn thực quản với đặc điểm là co thắt không đồng đều, có nhiều co tự phát và co do nuốt gây ra, đồng thời lúc bắt đầu, biên độ lớn, dài lâu và xảy ra lặp lại.

Các nhà nghiên cứu cho rằng co thắt thực quản lan tỏa chưa rõ ràng có thể do sự rối loạn phức hợp hệ thống thần kinh, cụ thể là khiếm khuyết của sự ức chế dẫn truyền đám rối thần kinh ruột, điều này làm cho hệ thống cơ của thực quản hoạt động không đồng bộ.

Ngoài ra, công việc căng thẳng, làm việc quá sức cùng một số bệnh lý đường tiêu hóa được xem là yếu tố thuận lợi làm tăng khả năng bị co thắt thực quản lan tỏa. Các biến thể của co thắt thực quản lan tỏa: co nhu động nhưng có biên độ lớn hoặc co đồng thời nhưng có biên độ bình thường, thường xảy ra như bệnh tiên phát hoặc kết hợp với một số bệnh khác cũng như stress và tuổi già.

Ở một số bệnh lý cũng có thể liên quan đến tình trạng này, trong đó có thể liên quan đến bệnh thần kinh trong đái tháo đường, viêm thực quản hồi lưu, viêm thực quản do tia xạ, tắc thực quản và các thuốc tiết cholin hay kháng tiết cholin đều có thể gây nên co thắt thực quản lan tỏa.

Nuốt nghẹn, ợ nóng là biểu hiện của bệnh.

Nhận biết co thắt thực quản lan tỏa và phân biệt cơn đau thắt ngực do tim mạch

Khi mắc co thắt thực quản lan tỏa người bệnh sẽ có các biểu hiện đau ngực không rõ nguyên nhân. Bệnh nhân bị co thắt thực quản lan tỏa thường lo lắng và phàn nàn đau ngực xảy ra mỗi khi nuốt thức ăn, làm việc quá sức và một thay đổi một số tư thế nhất định.

Bệnh thường được mô tả như có một vật đè nặng lên vùng sau xương ức, cường độ thay đổi tùy lúc và cơn đau này lan tỏa từ vùng dưới hàm xuống cánh tay hoặc là đau lan ra vùng sau xương bả vai. Những triệu chứng thường tăng lên những lúc căng thẳng, nhưng giảm khi tập thể dục.

Các biểu hiện bao gồm: nuốt nghẹn, ợ nóng và đau ngực không liên quan đến tim mạch. Dấu hiệu tắc thực quản thường không xảy ra. Một số bệnh nhân có biểu hiện trào ngược nước bọt từ trong lòng thực quản.

Triệu chứng của co thắt thực quản lan tỏa có thể tăng lên khi ăn thức ăn và nước uống lạnh và có thể gây trào ngược dạ dày – thực quản. Trong tiền sử bệnh nhân có thể bị hội chứng ruột kích thích, co thắt tâm vị, hoặc rối loạn một số chức năng dạ dày – ruột khác.

Còn đối với cơn đau thắt ngực do tim mạch sẽ có biểu hiện cơn đau ngực xuất hiện khi gắng sức (đi bộ, chạy, leo cầu thang,…), ở ngực trái và sau xương ức, như đè nặng, thắt chặt và bóp nghẹt lồng ngực, có thể lan lên cổ, đến xương hàm dưới, ra sau lưng, dọc mặt trong cánh tay trái, cảm giác lo lắng, khó thở… Đau thường dịu đi sau khi dừng gắng sức và dùng thuốc giãn động mạch vành nitrates (Natispray, Nitromint…) đây là triệu chứng điển hình của cơn đau thắt ngực ổn định.

Khi cơn đau ngực xuất hiện đột ngột, tăng tần suất, cường độ, kéo dài, ngay cả khi nghỉ ngơi, gọi là cơn đau thắt ngực không ổn định - một thể của hội chứng vành cấp, và diễn biến nặng hơn là nhồi máu cơ tim với nhiều biến chứng nguy hiểm nếu động mạch vành bị tắc đột ngột.

Phân biệt co thắt thực quản lan tỏa với đau thắt ngực do tim mạch.

Cần làm gì nếu nghi ngờ co thắt thực quản lan tỏa?

Khi thấy có biểu hiện cơn đau thắt ngực hoặc nghi ngờ không quá lo lắng nhưng cũng không nên chủ quan mà hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cụ thể.

Để chẩn đoán cơn đau thắt ngực do co thắt thực quản lan tỏa ngoài các biểu hiện lâm sàng các bác sĩ sẽ chỉ định chụp thực quản có Barite; Đo áp lực thực quản hoặc nội soi ống mềm có thể được chỉ định để loại trừ một số bệnh u thực quản xâm lấn, xơ hóa thực quản, hoặc viêm thực quản, đây cũng là các nguyên nhân gây hẹp đoạn dưới thực quản.

Để chẩn đoán co thắt thực quản lan tỏa tốt nhất là chụp thực quản có cản quang và đo áp lực thực quản được tiến hành ở những bệnh nhân không có triệu chứng.

Tóm lại: Khi xuất hiện cơn đau thắt ngực cũng chưa hẳn là do bệnh lý liên quan tim mạch người bệnh cũng không quá lo lắng hoặc tự điều trị mà cần đến cơ sở y tế để được thăm khám xác định nguyên nhân. Để từ đó bác sĩ sẽ cho chỉ định điều trị hợp lý nhất.

BS. Nguyễn Văn Bàng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phan-biet-co-that-thuc-quan-lan-toa-voi-dau-that-nguc-do-tim-mach-16924022213100204.htm