Phạm vi bị sạt lở thuộc đất bán ngập hồ Dầu Tiếng

Liên quan đến vụ tàu không số hiệu khai thác cát trái phép gần rừng phòng hộ Dầu Tiếng mà Báo Tây Ninh có bài phản ánh, ngày 5.4, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có Công văn số 1976 báo cáo UBND tỉnh.

Theo đó, Sở TN&MT báo cáo cụ thể việc xử lý kiến nghị của UBND huyện Tân Châu về tình hình khai thác cát trên địa bàn xã Tân Hòa; đồng thời tham mưu đề xuất UBND tỉnh hướng xử lý.

Ông Vũ Tiến Dũng- Phó trưởng Phòng Quản lý tài nguyên nước và khoáng sản (Sở TN&MT) đo đạc độ sâu tại khu vực Ùn Cầu Sập.

Quá trình hoạt động khai thác cát

Theo Công văn số 1976, ngày 29.3.2024, Sở TN&MT chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng, Sở Công Thương, UBND huyện Tân Châu, UBND xã Tân Hòa, Ban Quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam, Công ty TNHH Xây dựng và Đo đạc Văn Minh – Chi nhánh Tây Ninh đến khảo sát, đo đạc phạm vi khu vực khai thác cát gây sạt lở tại địa bàn ấp Suối Bà Chiêm, xã Tân Hòa. Trên cơ sở kết quả đo đạc, tổng hợp các tài liệu liên quan, Sở TN&MT báo cáo UBND tỉnh.

Báo cáo đề cập đến quá trình cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản tại đoạn sông Sài Gòn qua địa phận xã Tân Hòa, huyện Tân Châu. Theo nội dung chính, ngày 10.8.2010, UBND tỉnh Tây Ninh có Công văn số 1968 về việc thỏa thuận quản lý, cấp giấy phép khai thác cát xây dựng thượng nguồn sông Sài Gòn, đoạn giáp ranh giữa hai tỉnh Tây Ninh và Bình Phước: “Thống nhất để UBND tỉnh Bình Phước cấp giấy phép khai thác suốt tuyến sông Sài Gòn dài 16km, đoạn giáp ranh giữa hai tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và quản lý khu vực này; tỉnh Tây Ninh chỉ phối hợp quản lý khi cần thiết”.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Bình Phước cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 50 ngày 7.10.2010 cho Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Thái Thịnh, loại khoáng sản được phép khai thác là cát xây dựng tại thượng nguồn sông Sài Gòn, chiều dài 16km thuộc địa phận các xã Minh Đức, Đồng Nơ, Tân Hiệp, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước và xã Tân Hòa, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, thời gian khai thác 10 năm, trữ lượng khai thác 914.206 m3, công suất khai thác 30.000 m3/năm.

Đến ngày 1.12.2017, UBND tỉnh Bình Phước cấp giấy phép chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản số 71 từ DNTN Thái Thịnh cho Công ty TNHH MTV SX TM Phú Thọ (Công ty Phú Thọ) tại thượng nguồn sông Sài Gòn, chiều dài 16 km thuộc địa phận các xã Minh Đức, Đồng Nơ, Tân Hiệp, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước và xã Tân Hòa, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, thời gian khai thác đến ngày 7.10.2020, trữ lượng khai thác 895.240 m3, công suất khai thác 30.000 m3/năm.

Ngày 29.12.2020, UBND tỉnh Bình Phước cấp giấy phép khai thác khoáng sản cát xây dựng (gia hạn) số 113 cho Công ty Phú Thọ khai thác bằng phương pháp bơm phút tại thượng nguồn sông Sài Gòn thuộc địa phận các xã và huyện như trên, chiều dài, trữ lượng khai thác, công suất cũng tương tự và thời hạn được phép khai thác thêm 2 năm. Đến ngày 19.12.2022, UBND tỉnh Bình Phước cấp giấy phép khai thác khoáng sản (gia hạn) số 105 cho Công ty Phú Thọ để tiếp tục khai thác trữ lượng còn lại theo giấy phép khai thác khoáng sản số 71 nêu trên, thời gian gia hạn thêm 2 năm kể từ ngày 29.12.2022.

Về quá trình kiểm tra và giám sát hoạt động khai thác cát, năm 2015, theo phản ánh của cử tri xã Tân Hòa trước kỳ họp thứ 13 của HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016, DNTN Thái Thịnh khai thác khoáng sản gây sạt lở sông Sài Gòn nghiêm trọng bên phía địa phận tỉnh Tây Ninh. Ngày 10.4.2015, Sở TN&MT phối hợp Phòng TN&MT huyện Tân Châu, UBND xã Tân Hòa kiểm tra khu vực này.

Nhân viên kỹ thuật của Công ty TNHH Xây dựng và Đo đạc Văn Minh chi nhánh Tây Ninh khảo sát và đo đạc tại Ùn Cầu Sập.

Kết quả theo nội dung báo cáo trong Công văn số 1976 của Sở TN&MT thì tại đoạn Cầu Sập (người dân địa phương thường gọi là Ùn Cầu Sập- P.V) thuộc khu vực ấp Suối Bà Chiêm, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh và xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, đoàn kiểm tra thấy 1 ghe đang bơm cát lên bãi thuộc địa phận xã Tân Hiệp và 1 ghe đang chuẩn bị khai thác cát. Trong quá trình khai thác, DNTN Thái Thịnh không thả phao, biển báo khu vực khai thác để người dân biết và giám sát; đồng thời gây sạt lở 2 đoạn với chiều dài khoảng 150m thuộc địa phận xã Tân Hòa, huyện Tân Châu.

Ngày 21.4.2015, Sở TN&MT tỉnh Tây Ninh có Công văn số 1619 về việc kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản gửi UBND tỉnh Bình Phước, Sở TN&MT tỉnh Bình Phước tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản tại vị trí nêu trên. Đến ngày 6.11.2021, Báo Tây Ninh có bài viết “Người dân lo ngại việc khai thác cát gần bờ sông Sài Gòn gây sạt lở”, phản ánh hoạt động khai thác cát gần bờ đất bán ngập, rừng phòng hộ gây sạt lở tại đoạn sông Sài Gòn tiếp giáp giữa ấp Suối Bà Chiêm, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh và xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước.

Ngày 7.11.2021, Sở TN&MT tỉnh Tây Ninh chủ trì, phối hợp Phòng TN&MT huyện Tân Châu, UBND xã Tân Hòa đến khảo sát đoạn sông Sài Gòn tại vị trí tiếp giáp nêu trên. Đến ngày 11.11.2021, Sở TN&MT tỉnh Tây Ninh có Công văn số 7190 gửi Sở TN&MT tỉnh Bình Phước đề nghị phối hợp kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh của người dân và Báo Tây Ninh về hoạt động khai thác cát tại đoạn sông này.

Ngày 12.11.2021, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực khai thác khoáng sản đối với 5 tàu vỏ sắt có số liệu LĐ-0121, ĐN-0825, TN 0146, NĐ-2852 và tàu hút cát không có số hiệu, màu sơn xanh tại đoạn ngã ba suối Bà Chiêm, hồ Dầu Tiếng thuộc xã Tân Hòa, huyện Tân Châu. Đến ngày 22.11.2021, Sở TN&MT Tây Ninh có Công văn số 7459 về việc xác định tọa độ khai thác cát của các tàu gửi Phòng Cảnh sát môi trường xem xét, xử lý theo quy định.

Công văn số 7459 xác định, vị trí 5 tàu nêu trên khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng thuộc địa bàn tỉnh Tây Ninh, nằm trong đoạn sông Sài Gòn đã được UBND tỉnh ủy quyền cho UBND tỉnh Bình Phước cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 113 ngày 29.12.2020 cho Công ty Phú Thọ. Tuy nhiên, Công ty Phú Thọ đã khai thác nằm ngoài ranh giới khai trường khai thác về phía Tây của mỏ.

Cụ thể, tàu LĐ-0121 cách khai trường 226m, tàu ĐN-0825 cách khai trường 234m, tàu TN-0146 cách khai trường 183m, tàu NĐ-2852 cách khai trường 182m, tàu không có số hiệu cách khai trường 190m. Trong đó, có 2 tàu khai thác khoáng sản số LĐ-0121 và ĐN-0825 khai thác trong vùng cấm thủy lợi đã được UBND tỉnh Tây Ninh ban hành tại Quyết định số 1599 ngày 26.6.2018 về việc phê duyệt khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Kết quả đo đạc vào ngày 29.3.2024

Ngày 29.3.2024, đoàn kiểm tra do Sở TN&MT tỉnh Tây Ninh chủ trì đã dùng thiết bị đo hồi âm để xác định độ sâu khu vực bị sạt lở tại Ùn Cầu Sập mà Báo Tây Ninh đã có bài phản ánh vào ngày 10.3.2024.

Theo Sở TN&MT, cao trình mực nước tại thời điểm khảo sát, đo đạc là +21,2m; độ chênh cao giữa mặt đất tự nhiện so với mặt nước dao động từ 1m đến 3m; độ sâu từ mặt nước xuống dưới đáy dao động từ 1,1m đến 3,7m (có kèm theo bảng Hệ tọa độ VN 2000 KTT 105o30’, múi chiếu 3o); độ sâu sâu nhất từ bề mặt tự nhiên xuống dưới đáy là 6,7 m, cạn nhất 2,1 m.

Về diện tích khu vực Báo phản ánh, theo kết quả đo đạc của Công ty TNHH Xây dựng và Đo đạc Văn Minh chi nhánh Tây Ninh xác định, ngoài thực địa phạm vi ranh giới khu vực bị sạt lở; Sở TN&MT tiến hành đối chiếu với Bản đồ Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường và than bùn tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3172 ngày 26.12.2018 bằng phần mềm mapinfo; kết quả cho thấy chiều dài khu vực khai thác bị sạt lở khoảng 328 m, chiều rộng khu vực sạt lở khoảng từ 20 đến 104 m, diện tích khu vực sạt lở khoảng 1,92 ha, cao trình khu vực sạt lở chủ yếu dao động từ +17,4 đến +24 m.

Cận cảnh một đoạn cây rừng mọc tự nhiên đã rớt xuống dòng nước do đất đai sạt lở.

Từ cơ sở đó, Sở TN&MT xác định độ sâu nhất từ bề mặt tự nhiên xuống dưới đáy là 6,7 m, cạn nhất là 2,1 m, diện tích khu vực sạt lở khoảng 1,92 ha. Cao trình khu vực sạt lở chủ yếu dao động từ +17,4 đến +24 m nên thuộc vùng đất bán ngập do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam quản lý- theo Quyết định số 2812 ngày 9.12.2014 của UBND tỉnh Tây Ninh về việc giao đất từ cao trình +24,4 m trở xuống khu vực lòng hồ Dầu Tiếng đối với địa phận tỉnh Tây Ninh cho Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa (nay là Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam) quản lý. Phạm vi vùng đất bị sạt lở theo phản ánh của Báo Tây Ninh vào ngày 10.3.2024 nằm ngoài ranh giới đất lâm nghiệp do Ban Quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng quản lý như theo Báo cáo số 115 ngày 20.3.2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Qua kết quả rà soát hồ sơ, đo đạc thực tế khu vực bị sạt lở, Sở TN&MT đề xuất UBND tỉnh một số nội dung sau: các sở, ngành, UBND huyện có liên quan tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khai thác cát theo các Công văn số 3619 ngày 26.10.2022 và Công văn số 986 ngày 3.4.2024 của UBND tỉnh về việc chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản cát xây dựng trong khu vực lòng hồ Dầu Tiếng.

Giao Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Phước kiểm tra hoạt động khai thác cát trên sông Sài Gòn. Cụ thể là tại đoạn tiếp giáp giữa xã Tân Hòa, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh và xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Trong đó, có nội dung xem xét không tiếp tục gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản cát xây dựng cho Công ty Phú Thọ tại vị trí nêu trên.

Sở TN&MT cũng đề nghị UBND huyện Tân Châu, UBND xã Tân Hòa thường xuyên kiểm tra, không để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép theo Điều 31 Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24.2.2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.

Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh giao Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam kiểm tra, xác định trách nhiệm quản lý thuộc về tổ chức, cá nhân nào; biện pháp xử lý vụ việc để xảy ra sai sót nêu trên, báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 29.4.2024.

Trường Lộ

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/pham-vi-bi-sat-lo-thuoc-dat-ban-ngap-ho-dau-tieng-a171171.html