Phạm Uyên Nguyên: Ngồi lại bên đời với 'bàn tay vô hình'

Cho tới giờ, cái máu kỹ sư nông nghiệp của Phạm Uyên Nguyên chưa bao giờ dừng sôi trào, có chăng là anh có thêm công cụ tài chính và hiểu biết về thị trường để làm một ông kỹ sư nông nghiệp hiệu quả hơn.

Là “thần tượng” của nhiều người trẻ từ hơn 20 năm trước với các thành tựu rực rỡ cùng khúc nhạc Ngồi lại bên nhau lừng lẫy, Phạm Uyên Nguyên sau này có phần kín tiếng hơn. Vô tình gặp anh ở một quán cóc lề đường quận 1, TP.HCM, thấy người đàn ông với học bổng Lý Quang Diệu đình đám ngày nào giờ… bụi bặm hơn. Điểm duy nhất là cái lửa bùng cháy trong mắt anh không giấu được khi nói về kinh doanh, về đầu tư và về cuộc đời…

Đời của Phạm Uyên Nguyên

Áo linen màu vàng có chút nhàu nhĩ nổi bật trên nền quần cũng linen màu hồng, Phạm Uyên Nguyên say sưa ngồi hát một nhạc phẩm "hơi hơi" mới của mình: “Đời vốn nhiều bất công/ Xin đừng có làm rối thêm… Giàu sang hay nghèo khó/ Cùng chung với nhau ông trời… Đời nương nhau mà sống/ Dại khôn biết đâu cho vừa…”. Anh hát không có nhạc đệm, chỉ có tiếng vỗ bàn khe khẽ của người bạn thân, nghe có chút buồn. Nhiều người ngoái nhìn, anh mặc kệ, vẫn say sưa hát, giọng hát có lẽ chất chứa nhiều suy niệm của một người đi qua nhiều bão giông.

Bài hát Đời của Phạm Uyên Nguyên

Chính cái sự mặc kệ thiên hạ này làm tôi nhớ lại hình ảnh Phạm Uyên Nguyên 27 tuổi được học bổng đi du học thạc sĩ (MBA) ở Singapore và Mỹ. “Vì việc anh dám gõ cửa nhà Thủ tướng Lý Quang Diệu mà Bung và rất nhiều bạn bè thuở đó mê mẩn. Bung còn dành dụm để xách ba lô sang Sing tìm đến nhà ông thủ tướng đặc biệt này và… đâu có thể gõ cửa nhà một cách đơn giản được anh?” - tôi nhắc lại.

“Chuyện dài hơn như vậy. Lúc đó, tôi có lẽ là sinh viên thạc sĩ người Việt đầu tiên được nhận vào đại học NTU (Singapore). Nhưng thú thật là khi ấy tiếng Anh tôi chưa ổn nên đi học có chỗ hiểu, có chỗ không hiểu gì cả. Nếu thi không qua môn thì có nguy cơ bị cho về nước. Vậy nên tâm niệm rằng nếu xui lắm mình nghỉ học thì việc quan trọng nhất khi đến Singapore là được gặp ông Lý Quang Diệu để bày tỏ sự khâm phục của mình. Tôi nhờ một người bạn học chở đến, phải đậu xe từ xa để đi bộ tới. Gặp cảnh vệ đứng trước cửa, tôi trình bày mình từ Việt Nam sang và muốn gặp để bày tỏ lòng kính trọng đối với ông Thủ tướng. Cảnh vệ hỏi có hẹn trước không, nếu không thì về đi. Và người ta xua tay đuổi tôi đi…”, Phạm Uyên Nguyên nhớ lại.

“Người nương nhau mà sống/ Dại khôn biết đâu cho vừa…” - câu hát này như dựng lại cảnh Phạm Uyên Nguyên đứng thẳng người trước cái xua tay, nhìn như thôi miên người cảnh vệ và nói rất chậm, từng chữ một: “Tôi-là-một-sinh-viên-từ-Việt-Nam-sang-muốn-gặp-ông-Lý-Quang-Diệu.Nếu-ông-Lý-Quang-Diệu-đuổi-thì-tôi-sẽ-đi-chứ-anh-không-được-đuổi-tôi”. Và có lẽ cái sự quả quyết đó làm cho người cảnh vệ báo cáo vào bên trong, cho tới khi ông Lý Quang Diệu xuất hiện, vẫy tay kêu anh đi xuyên qua cái sân rất rộng để vào, kèm theo một lời chào: “Tôi rất quý người Việt Nam”.

Câu chuyện này kéo anh trôi ngược về quá khứ, về cái thời vừa nghèo, vừa ít chữ nên nung nấu quyết tâm phải giỏi, phải giàu. Hơn một phần tư thế kỷ trôi qua, Phạm Uyên Nguyên giờ làm chủ tịch một vài công ty dược phẩm, cổ đông lớn của vài công ty khác, đầu tư nhiều ở lĩnh vực phân phối thuốc chữa bệnh, du lịch khách sạn... chắc cũng đủ gọi là giàu theo nghĩa nào đó, nhưng cái đau đáu tạo ra sự thay đổi trong anh, dù bọc trong vẻ bất cần đời, là không lẫn vào đâu được…

Từ con ốc bươu vàng đến thảo dược bản địa

Nhiều người biết Phạm Uyên Nguyên ở vai trò giám đốc công ty chứng khoán đầu tiên ở Việt Nam hay các thương vụ đầu tư mua bán doanh nghiệp đình đám, ít ai nhớ ra anh chính là chàng kỹ sư đã bỏ nhiều thời gian để nghiên cứu, so sánh, đi thực nghiệm ở nhiều nơi để chứng minh con ốc bươu vàng là một loài có thể gây tác động xấu đến nền nông nghiệp Việt Nam trong lúc nhiều người dân đang cổ vũ việc nhập và nuôi loài động vật không phải bản địa này. Mà đúng như khái niệm “trường đại học đầu tiên chính là người mẹ nuôi dưỡng mỗi con người”, cho tới giờ, cái máu kỹ sư nông nghiệp của Phạm Uyên Nguyên chưa bao giờ dừng sôi trào, có chăng là anh có thêm công cụ tài chính và hiểu biết về thị trường để làm một ông kỹ sư nông nghiệp hiệu quả hơn.

Doanh nhân Phạm Uyên Nguyên.

“Tại sao ai cũng biết dược liệu Đông y bản địa của Việt Nam là rất tốt, rất quý, mà trong danh mục thuốc ở các bệnh viện chỉ có vài phần trăm nhỏ nhoi là Đông dược? Tại sao có tình trạng những người mạo danh bán Đông dược nhưng lại trộn hóa chất Tây dược vô để hiệu quả nhanh hơn và giá rẻ hơn? Tại sao nhà sản xuất Đông dược vừa trồng, vừa chăm sóc dược liệu, vừa nghiên cứu công thức, vừa đầu tư nhà máy sản xuất mà chỉ được hưởng chưa đến 30% giá bán lẻ, trong khi kênh phân phối lấy hết 70%? Có cách nào người mua thuốc biết được họ đang phải trả quá đắt cho khâu phân phối tiếp thị không? Tại sao có những loài cây có thể tạo ra chất kháng sâu bệnh vô cùng hiệu quả một cách tự nhiên lại bị bỏ phí? Tại sao bây giờ người bệnh vẫn phải uống thuốc tăng canxi như cái thời không có sữa, thiếu ăn đến mức phải chịu tác dụng phụ?...” - anh quăng ra giữa đời một núi câu hỏi làm người nghe thêm hoang mang. Xong anh tự trả lời, cho mình, mà cũng là cho mấy bạn trẻ đang ngồi cùng: “Nếu mình có thể giải hết những câu hỏi này, có phải là mình vừa kiếm được thiệt là nhiều tiền, mà cùng lúc làm được chuyện có ích cho đời không?”.

“Hình như 15 năm trước anh cũng từng… hỏi như vậy rồi mà?”. “À, sau đó tôi có tham gia một câu chuyện khác: chương trình truyền hình Tại sao không?. Và sau đó cũng bắt tay vô làm từng chút một. Tôi tham gia đầu tư và quản trị một số công ty dược phẩm, từ An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp cho đến Ninh Thuận, kết nối đến tận Gia Lai và đang hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp 9X ở tập đoàn BuyMed/ Thuốc Sỉ. Tôi thích cái ý mà Bung vừa chia sẻ về triết lý con chim ruồi trong phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc: Con chim ruồi có thể không cứu được khu rừng đang cháy khi chỉ mang những hạt nước rất nhỏ về chữa cháy, cũng giống như mình có khi không đủ sức giải đến cùng những bài toán khó của kinh doanh thảo dược bản địa, nhưng tại sao không bắt tay vô làm?”. Phạm Uyên Nguyên ánh lên những tia sáng trong mắt, nhíu lại một chút như đang hình thành một chiến lược gì đó mới trong đầu anh.

“Bàn tay vô hình” của một nhà đầu tư

“Bàn tay vô hình” (tiếng Anh: invisible hand) là khái niệm, một phép ẩn dụ, một tư tưởng kinh tế do Adam Smith đề xuất vào thế kỷ XVIII, để mô tả sức mạnh của thị trường tự do, khi xã hội vô tình được lợi vì các hành vi phục vụ mục đích cá nhân. Trong tác phẩm Bàn về tài sản quốc gia (Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations), Adam Smith đã nhận ra rằng trong nền kinh tế thị trường tự do, mỗi cá nhân theo đuổi một mối quan tâm và xu hướng lợi ích riêng cho cá nhân mình, chính các hành động của những cá nhân này lại có xu hướng thúc đẩy nhiều hơn và củng cố lợi ích cho toàn cộng đồng thông qua một "bàn tay vô hình". Ông biện luận rằng mỗi một cá nhân đều muốn thu lợi lớn nhất cho mình sẽ làm tối đa lợi ích của cả cộng đồng.

Từ phải: ông Phạm Uyên Nguyên, ông Nguyễn Hữu Minh Hoàng (CEO BuyMed/ Thuốc Sỉ) và mẹ con bà Lê Thị Giàu (chủ thương hiệu dầu Nhị Thiên Đường). Ảnh: Phú Trần

Từ khi ra riêng đầu tư cho cá nhân mình, không bị áp lực bởi chính sách của tổ chức, tự do hơn, một cách tự nhiên như bị điều khiển bởi “Bàn tay vô hình”, những đầu tư của cá nhân Phạm Uyên Nguyên dần dần tập trung hơn vào những gì mà anh tin có mang lại lợi ích cho cộng đồng, bên cạnh điều kiện cần phải có để tồn tại vững bền là... lợi nhuận. Gần đây anh dành nhiều nguồn lực để đầu tư và tham gia điều hành Công ty phân phối Dược phẩm BuyMed/ Thuốc Sỉ. Các bạn trẻ tuổi 9X sáng lập BuyMed có niềm tin vào sứ mệnh “phát triển ngành dược Việt Nam” thông qua việc ứng dụng công nghệ 4.0 để làm giảm chi phí trung gian của khâu phân phối, cố gắng đem lại “Thuốc tốt giá rẻ” cho cộng đồng.

“Chuyện đó nói thì dễ nhưng làm thì khó như... lên trời trong tình hình thị trường dược phẩm Việt Nam hiện nay. Nhưng mình cứ là “con chim ruồi” cố gắng hết sức mình phải không Bung, vậy là vui rồi...”, Phạm Uyên Nguyên chia sẻ.

Bung Trần

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/pham-uyen-nguyen-ngoi-lai-ben-doi-voi-ban-tay-vo-hinh-42848.html