Phạm Đức Tài - người khơi dậy khát vọng làm giàu cho nông dân Mê Linh

Là nông dân thời hội nhập có tư duy dám nghĩ, dám làm, anh Phạm Đức Tài (sinh năm 1970) đã tiên phong chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả tại huyện Mê Linh, góp phần thúc đẩy nông nghiệp Thủ đô phát triển toàn diện và bền vững.

Sinh ra và lớn lên tại thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội), năm 1991, anh Tài đã mạnh dạn cải tạo gần 1ha đất trồng hoa cắt cành sang gây giống hồng bonsai mang lại kinh tế cao.

Được thực mục sở thị khu vườn của anh Tài, chúng tôi không khỏi “choáng ngợp” bởi quy mô, sự chỉn chu từ khâu quy hoạch đến lựa chọn các loại giống hoa hồng.

Anh Phạm Đức Tài, tấm gương trong phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi".

Nông dân đổi đời - Nông thôn đổi mới

Anh Tài chia sẻ, khi mới bắt tay vào lập nghiệp đã gặp vô vàn khó khăn như thiếu vốn, kinh nghiệm và cả diện tích đất gieo trồng. Với số tiền vốn vài chục triệu đồng, anh đã thuê một mảnh đất hơn 300m2 để trồng giống hoa hồng cắt cành.

“Khó nhất của trồng hoa hồng cắt cành là kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa. Gần đến ngày thu hoạch lại tất bật với việc bao hoa, để hoa nở tự nhiên sẽ không đều dẫn đến mẫu mã không đẹp, mất giá… vụ hoa đó coi như đổ sông đổ bể”, anh Tài nói.

Một số mẫu hoa hồng bonsai tại vườn của anh Tài.

Nhận thấy việc trồng hoa cắt cành chỉ “lấy công làm lãi”, giá trị kinh tế mang lại không hiệu quả, lượng đầu ra phải cạnh tranh rất nhiều với các thương hiệu hoa hồng cắt cành của địa phương khác, chưa kể mất mùa, sâu bệnh…, anh Tài đã chủ động “đi tắt, đón đầu” trong việc lai tạo, nhân giống hoa hồng bonsai từ các loài quý hiếm như hồng cổ, hồng ngoại, hồng bụi… và trở thành một nông dân thời hội nhập chính hiệu.

Có được thành công này, anh Tài đã “khăn gói” đi dọc Bắc - Nam suốt nhiều năm, hễ vùng nào nổi tiếng trồng hoa hồng anh lại tới để xin học hỏi kinh nghiệm. Bằng sự nhiệt huyết, hăng say và ấp ủ ước mơ có được 1 vườn hoa hồng bonsai đón đầu xu hướng, trở thành động lực giúp anh Tài vượt qua khó khăn mang tinh túy nghề hoa về với Mê Linh.

Hiện nay, khu vườn của anh Tài có hơn 4.000 gốc hồng bonsai ngoại, 500 gốc hồng cao từ 2,5m trở lên, 3.000 gốc hồng thân gỗ, 2.000 gốc hồng bụi… Trung bình mỗi năm, nhà vườn của anh xuất ra thị trường khoảng 15.000 chậu hồng các loại, mang lại thu nhập hơn 1 tỷ đồng và tạo công ăn việc làm cho 13 lao động thường xuyên, 25 lao động thời vụ tại địa phương.

Anh Tài quy hoạch cả khu vườn một cách khoa học, hợp lý, cơ giới hóa việc tưới tiêu.

Được sự nhất trí, ủng hộ của UBND xã Mê Linh và UBND huyện Mê Linh, anh Tài đã thành lập Tổ Hợp tác hoa hồng thế với 25 thành viên, Tổ Hợp tác hoa lan với 54 thành viên. Các hội viên đều được anh Tài giúp đỡ về kỹ thuật trồng cũng như quảng bá thương hiệu hoa Mê Linh. Hơn 80 hộ khó khăn của các huyện, tỉnh lân cận cũng được anh Tài hướng dẫn, vươn lên đổi đời từ việc trồng hoa.

Trồng hoa hồng bonsai- tưởng đơn giản nhưng không hề dễ dàng

Trồng hoa cắt cành đã khó, tạo dáng cho hoa hồng bonsai còn vất vả hơn rất nhiều, đòi hỏi người thợ phải thực sự công phu, tỉ mỉ không thể nóng vội hay đốt cháy giai đoạn.

Lý thuyết trên sách vở là vậy, nhưng khi vào thực hành, anh Tài cũng không thể tránh khỏi những vấp ngã. Anh cũng không nhớ nổi mình đã ghép sai, ghép lỗi và làm hỏng bao nhiêu mắt ghép hoa hồng.

Anh Tài kể, dù là người mới hay người đã có kinh nghiệm, mỗi khi đụng dao kéo vào cây không khác gì một “sinh mệnh”, sự chính xác yêu cầu tuyệt đối. Người làm nghề phải lấy vỏ bào của thân ghép sao cho độ dày vừa chạm thân gỗ, không được nông hoặc sâu quá. Sau đó, chọn mắt ghép thật đẹp tạo nên thành phẩm hoàn hảo, giúp cây phát triển. Mọi sai sót đều phải trả giá bằng việc cây ghép thất bại…

Theo anh Tài, trong vườn có nhiều hoa nhận diện thương hiệu, có những giống hoa chỉ ở nhà vườn anh mới có.

Ngoài ra, khi bắt tay vào thực hiện phải quan tâm đến yếu tố điều kiện thời tiết cũng vô cùng quan trọng. Để hoa hồng bonsai ngoại có thể phát triển ở môi trường nắng nóng ở miền Bắc là cả một quá trình dày công nghiên cứu.

Sau những lần thất bại, anh Tài nhận ra rằng, việc mình làm không đơn giản chỉ là mang giống hoa hồng về trồng, tạo hình bonsai. Đó chính là phải thuần hóa giống cây để thích nghi với mọi điều kiện, mọi môi trường. Do đó, anh đã thử nghiệm với nhiều công thức đất trồng, điều tiết nước tưới, nghiên cứu đặc tính cẩn thận, tỉ mỉ…

Vượt qua mọi khó khăn về giống cây, vấn đề quy hoạch cũng khiến anh Tài phải đau đầu không kém. Quy hoạch từ đường đi, lối lại, phân bổ khu sản xuất. Anh đã san phẳng toàn bộ diện tích khu vườn rồi chia thành các ô, ở giữa có lối đi bằng bê tông sáng đèn.

“Vườn hoa hồng bonsai của tôi giống như một thư mực trên máy tính, chỉ cần đứng tại một vị trí tôi có thể nắm được mọi thông tin của vườn. Nhờ đó, tôi có thể điều chỉnh, quản lý đầu ra - vào một cách hợp lý, thuận tiện và nhanh chóng”, anh Tài nhấn mạnh.

Anh Tài cũng là người dẫn dắt và quản lý của Tổ Hợp tác hoa lan với 54 thành viên.

Để hiện đại hóa hoạt động của vườn, anh Tài cơ giới hóa hệ thống tưới tiêu tự động. Đây được ví như một bảo bối giúp anh duy trì độ ẩm, cung cấp nước cho hoa ở trạng thái tốt nhất ở từng thời điểm trong ngày.

Ở bài toán đầu ra của sản phẩm, anh Tài không thụ động chờ khách hàng tìm mình mà chủ động đưa sản phẩm tới mọi nền tảng mạng xã hội, tiếp cận các tệp khách hàng có nhu cầu. Trung bình mỗi tuần, anh dành 3-4 tiếng để sáng tạo ra các video quảng bá cũng như hướng dẫn chăm sóc hoa. Bằng sự mộc mạc, giản dị nhanh chóng thu hút người xem và mang về rất nhiều đơn hàng.

Có thể thấy, việc làm của anh Tài đã tạo nền móng, cùng nhiều nông dân tiêu biểu của huyện Mê Linh phủ kín một nền kinh tế nông thôn sản xuất mới, có giá trị cao. Không còn là manh mún, nhỏ lẻ mà nền sản xuất nông nghiệp của huyện Mê Linh đã chuyển sang tập trung, chuyên sâu, giá trị tăng cao. Nhờ đó, lợi nhuận mang về cho người nông dân ngày một lớn hơn, cuộc sống của họ vì thế đầy đủ, sung túc hơn. Với những thành tích trong phát kinh tế và tham gia công tác xã hội, tháng 5-2023 vừa qua, anh Tài được Hội Nông dân thành phố Hà Nội trình Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho hộ nông dân có mô hình kinh tế hiệu quả và đã được thông qua.

Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên tham quan mô hình của anh Tài.

Cùng với đó là rất nhiều bằng khen, giấy khen ghi nhận sự nỗ lực cố gắng như: Đạt thành tích trong 5 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp năm 2018; thi đua sản xuất và kinh doanh giỏi giai đoạn 2015-2019; mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, ổn định, giúp đỡ tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2022…

Nhắc về tấm gương nông dân tiêu biểu Phạm Đức Tài, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Mê Linh Đào Thúy Phượng bày tỏ, mô hình sản xuất nông nghiệp có tính chuyên môn và chất lượng cao của anh Tài thật sự là niềm tự hào của huyện Mê Linh và tổ chức Hội. Kết quả đó đều xuất phát từ sự nỗ lực không ngừng, đam mê gắn bó với nghề truyền thống của địa phương; mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nghiên cứu, tìm tòi, đột phá trong ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất kinh tế nông nghiệp.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/pham-duc-tai-nguoi-khoi-day-khat-vong-lam-giau-cho-nong-dan-me-linh-744131