Phải nghiêm khắc hơn với doanh nghiệp nhà nước

(VOV) - Các DNNN đang sử dụng vốn và đất đai nhiều hơn rất nhiều so với doanh nghiệp tư nhân, nhưng hiệu quả và độ an toàn về tài chính khá thấp.

Cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang là một nội dung quan trọng của cải cách kinh tế ở Việt Nam. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về cảm nhận của người dân về DNNN tại Việt Nam đưa ra nhiều chỉ số đáng bàn.

Chỉ số niềm tin vào DNNN thấp

Theo kết quả khảo sát của VCCI, 69% người được hỏi cho rằng sở hữu tư nhân của các doanh nghiệp ưu việt nhất, 13% người được hỏi cho rằng sở hữu nhà nước của các doanh nghiệp là ưu việt và 19% đánh giá rằng hình thức sở hữu là không quan trọng.

Hầu hết các DNNN được cổ phần hóa đều có quy mô vừa và nhỏ

Kết quả khảo sát của VCCI cũng chỉ ra, khoảng 31% người trả lời đồng ý với nhận định rằng sở hữu nhà nước đang là hình thức chủ đạo trong khu vực doanh nghiệp của Việt Nam. Ngược lại, bình quân 19% người trả lời đánh giá rằng sở hữu tư nhân đang là hình thức chủ đạo trong khu vực doanh nghiệp của Việt Nam.

TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, đánh giá: “Đa số người trả lời còn phân vân, chưa thể đánh giá được thực trạng, vai trò và vị trí của sở hữu tư nhân và sở hữu nhà nước trong nền kinh tế hiện tại”.

Những năm qua, đổi mới kinh tế ở Việt Nam gắn liền với quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế do sở hữu nhà nước chi phối sang nền kinh tế đa thành phần, trong đó khu vực tư nhân phát triển rất mạnh mẽ. Theo VCCI, số lượng DNNN đã giảm rất nhiều từ hơn 12.000 doanh nghiệp trong những năm 1990 xuống còn hơn 3.000 doanh nghiệp vào cuối năm 2011.

Tuy vậy, cho đến nay, hầu hết các DNNN được cổ phần hóa đều có quy mô vừa và nhỏ; trong đó, có không ít doanh nghiệp thua lỗ, kinh doanh kém hiệu quả. Về tổng thể, nhà nước vẫn nắm một tỷ lệ cổ phần khá lớn (trên 50%) trong các doanh nghiệp đã cổ phần.

Cảm nhận của người Việt Nam về mức độ đóng góp chung của DNNN lớn (tập đoàn, tổng công ty) cho nền kinh tế Việt Nam thể hiện rõ sự không hài lòng của đa số người trả lời, với tỷ lệ tổng cộng 70% đánh giá chỉ ở mức độ trung bình và tiêu cực.

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, chỉ số niềm tin của người dân đối với DNNN ở mức độ thấp nhất có thể do tác động từ những thông tin và thảo luận rộng rãi trong mấy năm gần đây về những yếu kém kéo dài trong quản lý của DNNN, kể cả những sai phạm gây tổn thất lớn, mà phần lớn đều rất chậm được phát hiện, điều tra và không được xử lý nghiêm minh.

Hiệu quả thấp, cổ phần hóa chậm…

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, tốc độ cổ phần hóa và số DNNN được cổ phần hóa trong những năm qua có xu hướng giảm dần một cách rõ nét so với giai đoạn trước.

TS Cung phân tích: Lý do để duy trì khu vực kinh tế Nhà nước quy mô lớn như hiện nay vì khu vực DNNN luôn được coi là nền tảng vật chất quan trọng của kinh tế thị trường định hướng XHCN; DNNN có vai trò chính, chi phối trong việc phát triển các ngành công nghiệp quan trọng của đất nước;

Nhà nước vẫn nắm giữ mức độ sở hữu rất lớn trong khu vực doanh nghiệp, và hệ quả tất yếu là sở hữu của tư nhân bị hạn chế, việc tiếp cận các nguồn lực của khu vực tư nhân gặp nhiều khó khăn

DNNN là công cụ thực hiện chính sách công nghiệp theo những định hướng mà Đảng, Chính phủ đề ra; là công cụ để điều tiết và ổn định kinh tế vĩ mô và đáp ứng các mục tiêu xã hội. Bằng việc tập trung nguồn lực, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước được kỳ vọng là trụ cột cạnh tranh của nền kinh tế, có thể cạnh tranh bình đẳng và sòng phẳng với các doanh nghiệp lớn nước ngoài.

Thực tế đến nay, các DNNN đang chiếm tỷ trọng lớn, chi phối trong những ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, như năng lượng (than, điện, xăng dầu…), vận tải, tài chính, bảo hiểm, viễn thông; đang nắm giữa, sử dụng đến 39% vốn của nền kinh tế, 45% tổng tài sản cố định, 27% nguồn vốn tín dụng ngân hàng”…

Hơn nữa, các DNNN đang sử dụng số vốn và đất đai nhiều hơn rất nhiều so với doanh nghiệp tư nhân. Đáng lo ngại là khu vực này sử dụng vốn nhiều hơn gấp nhiều lần để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm so với mức trung bình của ngành; tốc độ gia tăng năng suất lao động của khu vực này chậm so với các doanh nghiệp công nghiệp khác; hiệu quả sử dụng tài sản cố định thấp, hệ số đòn bẩy tài chính rất cao và độ an toàn về tài chính khá thấp.

Theo TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, DNNN vẫn là chủ đạo, chưa kiểm soát được độc quyền, nhà nước can thiệp hành chính về nhiều mặt vào hoạt động kinh doanh… Cho nên tỷ lệ không nhỏ (28%- theo VCCI) đánh giá chính xác về tốc độ chuyển đổi sang kinh tế thị trường mấy năm gần đây là chậm và rất chậm là “hoàn toàn phù hợp với xu thế tăng nhanh các quyết định của Thủ tướng Chính và của Chính phủ vào hoạt động kinh tế, tốc độ cổ phần hóa và cải cách DNNN chậm lại, nhất là đối với các tập đoàn đã gặp những thất bại lớn”.

Hơn thế, sự đánh giá tốc độ chuyển đổi, cổ phần hóa DNNN đang là trung bình (tức là không nhanh cũng không chậm), với tỷ lệ cao nhất của 2 nhóm đến từ cơ quan Quốc hội và cơ quan Đảng ở Trung ương.

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, điều này dễ hiểu, vì có thể 2 nhóm có vai trò quan trọng này trong thúc đẩy quá trình chuyển đổi đã hài lòng mà không thấy cần đẩy nhanh quá trình này.

Đặc biệt, Nhà nước vẫn nắm giữ mức độ sở hữu rất lớn trong khu vực doanh nghiệp, và hệ quả tất yếu là sở hữu của tư nhân bị hạn chế, việc tiếp cận các nguồn lực của khu vực tư nhân gặp nhiều khó khăn, do đó sự phát triển của khu vực này chắc chắn không thể đạt được như mong muốn.

TS Cung bình luận: “Đây là điều rất đáng tiếc khi mà ở Việt Nam đã có sự thừa nhận rộng rãi, kể cả trong khu vực nhà nước, về tính ưu việt của sở hữu tư nhân so với sở hữu nhà nước”

Do đó TS Cung nhấn mạnh thêm: "Chính những cơ quan hoạch định chính sách có vai trò rất lớn trong việc đưa ra, giám sát và thực thi các chính sách về đầu tư và quản lý nhà nước đối với DNNN cũng như tài sản của nhà nước mà các doanh nghiệp này đang nắm giữ và sử dụng. Nếu các cơ quan này không đánh giá đúng mức hoặc đòi hỏi cao hơn, nghiêm khắc hơn về đóng góp của các DNNN cho nền kinh tế, thì việc cải thiện điều này sẽ hoàn toàn không dễ dàng, và hệ quả là nền kinh tế Việt Nam sẽ khó cải thiện tính hiệu quả và năng lực cạnh tranh./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/home/phai-nghiem-khac-hon-voi-doanh-nghiep-nha-nuoc/20124/206702.vov