Phải lòng bông súng quê hương

Mùa này những cơn mưa bắt đầu ồ ạt kéo tới. Sông, kênh, rạch nước dâng lên một màu trắng xóa. Giữa mênh mông sóng nước ấy là nhưng cây bông súng mọc lên tủa tủa. Đâu đâu cũng thấy bạt ngàn sắc trắng. Mọi người vẫn thường gọi cây bông súng là cây mọc hoang. Vì chẳng ai trồng, cũng chẳng ai chăm. Đến mùa bông súng lại mọc.

Nước dâng cao, bông súng thân càng mập và lá càng to. Cây bông súng quá gần gũi, thân thiết đối với người dân quê tôi. Dù có đi xa, cũng không thể nào quên được cây bông súng thánh thiện rất đỗi tinh khôi này. Bởi nó đã ngấm vào từng mạch máu, thớ thịt của người xóm Cồn quê tôi.

Tôi có một tuổi thơ cùng đám bạn đi nhổ bông súng vào những ngày mưa về. Chúng tôi - những đứa trẻ tóc vàng hoe, tay cắp rổ, nhảy lên xuồng chèo ra bãi đi nhổ bông súng. Tôi nhớ tiếng í ới gọi nhau, tiếng cười đùa khanh khách vừa nhổ bông súng vừa té nước vào nhau của lũ bạn. Xế chiều, cả xuồng trắng muốt những bông súng non tơ. Chán chèo xuồng, có đứa quần xắn tận đầu gối, bì bõm lội từng bước một trong bùn, nách cắp rổ để lần lên bờ, trông chúng tôi như đang đi hội.

Hoa súng (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Cả mùa nước nổi, bữa ăn của gia đình đều hiện diện bông súng non. Mẹ tôi khéo chế biến thành nhiều món ngon từ cọng bông súng: khi thì canh chua nấu bông súng với cá lóc, bông súng luộc chấm mắm kho, nộm bông súng…

Đầu tiên là món nộm bông súng. Cọng bông súng được tước nhẹ lớp vỏ bên ngoài, ngâm nước một lát rồi cắt thành từng khúc vừa ăn. Cọng bông súng có thể để nguyên hoặc chẻ ra làm hai, rồi cho vào tô khi đã ráo nước. Vắt nửa quả chanh, muối, đường và nước mắm cốt vào. Để tạo sự đậm đà và dậy mùi món nộm truyền thống thì không thể thiếu đậu phộng rang và rau thơm đi kèm. Nhất là húng láng và húng bạc hà. Tùy từng khẩu vị mỗi người mà có thể cho thêm ớt hoặc không.

Món nộm này có thể ăn với cơm nóng hoặc để các ông và ba lai lai vài ly rượu đế. Ăn một đũa, chỉ muốn gắp thêm đũa thứ hai. Bông súng tuy ít chất dinh dưỡng, nhưng giòn, dễ ăn, không sợ bị đầy bụng hay dị ứng. Hôm nào mẹ tôi làm món nộm bông súng là mấy anh em tôi ăn đến “cành hông”.

Ngoài làm nộm, bông súng muối làm dưa, kho với thịt cá, ăn rất ngon. Tôi cảm nhận được nơi đầu lưỡi vị chua thanh mát, giòn giòn, dai dai. Mẹ tôi bảo với món dưa bông súng này thì lúc ăn phải thật chậm mới cảm nhận hết độ ngon, độ mặn của nó. Chậm rãi ăn từng cọng bông súng mới biết được sự chắt chiu làm nên bông súng đấy là vị phù sa sông nước quyện cùng nắng gió khắc nghiệt! Thầm cảm ơn tạo hóa đã ban tặng và yêu hơn quê hương mình!

Với bông súng, đó còn là ân nhân của những đứa trẻ nhà nghèo. Tôi nhói lòng khi thấy bạn mình cơ cực. Cả trăm ngày như một. Một buổi tới trường, buổi còn lại lội nước đi nhổ bông súng. Không có bông súng, bạn tôi và cả gia đình bạn ấy nữa phải chịu cảnh đói túng. Bông súng được nhổ về, rửa sạch và mang ra chợ bán đổi lấy gạo, cá mọn. Vô tình nắm tay bạn, tôi như sững lại bởi những vết chai ụ to, sần sùi vì ngày ngày nhổ bông súng. Vì nghĩa tình tương thân tương ái, những đứa trẻ quê đã biết cùng chung tay góp sức giúp bạn vượt qua khó khăn. Những lúc rảnh rỗi, chúng tôi tập trung nhổ bông giúp bạn. Cảm ơn bông súng, đã gắn kết tình thương, tình bạn bè của chúng tôi lại với nhau!

Bây giờ hầu như tất cả các món đồng quê đều có trong thực đơn của các nhà hàng sang trọng. Tôi lớn lên, được đi đây đi đó nhiều nơi, cũng có dịp thưởng thức một vài món làm từ cọng bông súng. Nhưng không hiểu sao ăn vẫn không thấy ngon, đậm đà như ngày xưa ăn ở quê. Có lẽ vì hoài niệm, phải lòng bông súng từ xa xưa rồi chăng? Mỗi lần mùa mưa lũ, tôi lại nhớ cồn cào nơi xóm Cồn tôi đã sinh ra và lớn lên cùng những đứa bạn và cọng bông súng đồng quê dân giã.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/que-nha/phai-long-bong-sung-que-huong-483595.html