Phải khẩn trương nếu không sẽ gây hệ lụy lớn

Đàm phán thu hồi, đổi đất cho nhà đầu tư, giải tỏa dãy nhà hàng ven biển là góp ý của các chuyên gia nhằm giúp trả lại không gian biển công cộng cho người dân Đà Nẵng.

Trước thực trạng hàng chục dự án xây dựng sát biển, chắn ngang bờ biển Đà Nẵng, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn về hệ lụy và những giải pháp để trả lại không gian biển cho người dân.

Ông Sơn khẳng định: “Quan trọng là ý chí của lãnh đạo TP. Việc để cho tư nhân chiếm bãi biển sở hữu tư đã là sai nguyên tắc. Nhà nước phải mở đường ra biển, không chỉ vậy còn phải mở rộng quỹ đất hai bên đường ra biển”.

Lối ra biển nhỏ hẹp xuyên qua các resort chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT

Bốn hệ lụy lớn

. Phóng viên: Thưa ông, hàng chục dự án resort, nhà hàng, quán bar… xây dựng sát mép biển, bít đường xuống biển đang gây ra những hệ lụy nào cho bờ biển Đà Nẵng?

+ Ông Ngô Viết Nam Sơn: Có bốn hệ lụy lớn đang hiển hiện khi Đà Nẵng cho phép hình thành dãy “tường rào” chắn hết bờ biển. Đầu tiên là không có đường ra biển cho người dân vì Đà Nẵng đã sai lầm khi cấp phép làm resort nối đuôi nhau. Thứ hai là toàn bộ dải đất ở phía tây của đường ven biển không phát triển được bởi nhìn thấy biển mà đi ra không được. Vì vậy, hàng chục ngàn hecta đất phía tây đường ven biển ở quận Ngũ Hành Sơn không thu hút đầu tư. Điều này gây thiệt hại rất lớn cho Nhà nước vì quỹ đất chỉ dùng một nửa.

Thứ ba là những resort ven biển mặc nhiên chiếm không gian biển làm của riêng. Theo quy định thì từ 50 m đến 200 m tính từ mép biển vào thuộc sở hữu công, các resort được dùng chứ không được chiếm làm của riêng, không có quyền cấm người dân tắm hay cấm đi ngang. Thứ tư là ngoài việc những công trình này chiếm hết bờ biển thì việc xây những tòa nhà cao tầng như một bức tường cũng chắn hết gió biển, chắn hết tầm nhìn của những dãy nhà phía sau khiến những dãy nhà phía sau càng không phát triển được.

. Đà Nẵng cần làm gì để thiết kế một không gian biển hài hòa, phát triển bền vững, thưa ông?

+ Có những nguyên tắc bất di bất dịch trong thiết kế không gian biển mà bất cứ đô thị biển nào cũng phải tuân thủ để phát triển bền vững, hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Nguyên tắc đầu tiên là khoảng cách tối đa 800 m theo đường ven biển phải có một lối ra biển. Vì 800 m tương đương 10 phút đi bộ. Một người dân mất 10 phút đi bộ ra đường ven biển và thêm 10 phút nữa là ra được bãi biển, tổng cộng là 20 phút. Đây là khoảng cách vừa phải, không quá xa. Muốn như vậy thì không được để tình trạng hàng dài cây số không có lối ra biển. Các resort phải trả lại một đường ra biển công cộng, không được làm cổng rào để ai muốn ra biển thì ra.

Nguyên tắc thứ hai là không gian dọc theo bờ biển. Những resort có bãi biển ngay trước mặt có thể khai thác nhưng không có quyền cấm người dân tắm hay đi lại. Resort có thể thu tiền dù, ghế ngồi… nhưng không có quyền cấm người dân tới tắm vì đó là đất công cộng. Phải để bãi biển hoàn toàn là không gian công cộng, tối thiểu 50 m trở vào tính từ mép nước biển phải là không gian công cộng.

Một nguyên tắc nữa là dọc theo bãi biển nên quy hoạch những tuyến đường đi bộ, đi xe đạp hay thậm chí là tuyến đường xe điện công cộng. Về lâu dài làm như vậy sẽ khuyến khích người dân sinh hoạt ven biển. Những tuyến đường ra biển cắt ngang với đường ven biển nối sâu vào phía tây giúp cho khu vực này phát triển. Hướng đó là phát triển bền vững cho Đà Nẵng, cân đối hết chỗ nào cũng phát triển được.

Quy hoạch thấy sai thì phải sửa

. Quá nhiều dự án sát biển đã được cấp phép xây dựng, hoạt động ổn định nhiều năm qua, theo ông thì cách nào để Đà Nẵng vừa lấy lại không gian biển, vừa hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp?

+ Nếu chờ hết thời hạn hợp đồng thuê đất 50 năm mới xử lý thì quá lâu, khi đó người dân đã bị thiệt hại quá nhiều. Theo tôi, Đà Nẵng không nên chờ hết hợp đồng mà quy hoạch thấy sai là phải sửa, điều chỉnh lại.

Bây giờ điều cần làm là Đà Nẵng nên thương lượng với các nhà đầu tư để thu hồi thêm mỗi bên lối xuống biển 50 m để tạo thành khu dịch vụ thương mại hai bên tuyến và quỹ đất này là của Nhà nước. Nhà nước đấu giá cho thuê dịch vụ kinh doanh ăn uống, buôn bán. Trong tương lai, người dân đi tắm biển có dịch vụ thương mại và quan trọng là tạo thêm nguồn thu cho ngân sách. Điều này cũng giúp sinh hoạt trong khu resort hấp dẫn hơn.

Dù Đà Nẵng phải trả tiền thu hồi giá cao cho nhà đầu tư nhưng khi phát triển các dự án thương mại dịch vụ hai bên lối xuống biển vẫn giúp cho chính quyền thu lại nhiều hơn. Tức là Đà Nẵng phải mở thêm nhiều lối ra biển, phát triển quỹ đất hai bên sẽ có lợi cho người dân ở phía sau, lợi cho khách du lịch và lợi cho cả resort, nhà hàng.

. Xin cảm ơn ông.•

Ông NGUYỄN CỬU LOAN, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng:

Hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp

Đà Nẵng dứt khoát phải lấy lại đất dãy nhà hàng cho thuê để hình thành giao thông tĩnh, không gian công cộng, người dân có quyền được hưởng thụ điều này. Nhiều chuyên gia cũng ủng hộ việc này để Đà Nẵng định hình không gian kiến trúc ven biển, hài hòa lợi ích giữa người dân, du khách và doanh nghiệp trong cùng một không gian đô thị.

Ông BÙI VĂN TIẾNG, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Đà Nẵng:

Nên trả lại không gian biển công cộng

Về lâu dài, Đà Nẵng nên trả lại không gian biển công cộng, không để che khuất tầm nhìn ra biển. Ví dụ Công viên APEC của Đà Nẵng cũng là một cách làm. TP đã đàm phán thu hồi, đổi đất cho nhà đầu tư để mở rộng Công viên APEC và bố trí khu đất khác cho họ. Còn với những dự án “treo” thì thu hồi theo đúng quy định của pháp luật, dự án hết hạn thuê đất thì không gia hạn.

TẤN VIỆT thực hiện

Nguồn PLO: https://plo.vn/phai-khan-truong-neu-khong-se-gay-he-luy-lon-post744138.html