Phải có kết quả kiểm tra, xác minh từng nội dung

Là một trong những nội dung được quy định tại 4 quy trình thanh tra an toàn thực phẩm (ATTP) được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ký ban hành Quyết định số 4988/QĐ-BYT ban hành.

văn bản kết luận thanh tra sau 15 ngày nhận được báo cáo

Về xây dựng dự thảo kết luận thanh tra, theo quy trình, sau khi nhận được báo cáo kết quả thanh tra và báo cáo bổ sung (nếu có) của đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra chỉ đạo trưởng đoàn thanh tra chủ trì xây dựng dự thảo kết luận thanh tra trình người ra quyết định thanh tra.

Nội dung dự thảo kết luận thanh tra chuyên ngành thực hiện theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP, cụ thể căn cứ báo cáo kết quả thanh tra, nội dung giải trình của đối tượng thanh tra (nếu có), chậm nhất 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải ra văn bản kết luận thanh tra; trừ trường hợp nội dung kết luận thanh tra phải chờ kết luận về chuyên môn của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Kết luận thanh tra phải có kết quả kiểm tra, xác minh về từng nội dung thanh tra; kết luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, chuyên môn - kỹ thuật, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra thuộc nội dung thanh tra (nội dung cụ thể như nêu tại Điểm c, mục 2.2 bước 3 kết thúc thanh tra trên đây); xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm (nếu có); kiến nghị các biện pháp xử lý vi phạm pháp luật; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định cho phù hợp với yêu cầu quản lý hoặc hủy bỏ quy định trái pháp luật phát hiện qua thanh tra (nếu có).

Người ra quyết định thanh tra xem xét hoặc giao cho cơ quan, đơn vị chuyên môn nghiên cứu dự thảo kết luận thanh tra để tham mưu, đề xuất cho mình chỉ đạo hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra. Ý kiến tham mưu, đề xuất của cơ quan, đơn vị chuyên môn với người ra quyết định thanh tra được thể hiện bằng văn bản và được lưu trong hồ sơ thanh tra.

Trong quá trình xây dựng dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có quyền yêu cầu trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra báo cáo, yêu cầu đối tượng thanh tra giải trình để làm rõ thêm những vấn đề dự kiến kết luận về nội dung thanh tra.

Trường hợp cần thiết, để bảo đảm cho việc nhận xét, đánh giá, kết luận, kiến nghị xử lý được chính xác, khách quan, người ra quyết định thanh tra quyết định tiến hành thanh tra bổ sung, trưng cầu giám định, tham khảo ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trường hợp gửi dự thảo kết luận thanh tra để đối tượng thanh tra giải trình thì việc giải trình của đối tượng thanh tra phải thực hiện bằng văn bản kèm theo các thông tin, tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho nội dung giải trình.

Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất với người ra quyết định thanh tra xử lý nội dung giải trình của đối tượng thanh tra để hoàn thiện và gửi đơn vị thẩm định dự thảo kết luận thanh tra.

Nội dung tiếp thu ý kiến giải trình của đối tượng thanh tra, ý kiến tham gia của đơn vị thẩm định, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan quy định tại mục 4.4 trên đây (nếu có) phải được trưởng đoàn thanh tra báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định thanh tra và được lưu trong hồ sơ thanh tra.

Kết luận được gửi cho đối tượng thanh tra

Người ra quyết định thanh tra xem xét, xử lý báo cáo của trưởng đoàn thanh tra, chỉ đạo trưởng đoàn thanh tra tiếp tục hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra trình người ra quyết định thanh tra ký ban hành. Kết luận thanh tra chuyên ngành ATTP được gửi cho đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định tại khoản 4 Điều 27 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP và quy định khác có liên quan.

Đối với cuộc thanh tra do Thanh tra Bộ Y tế tiến hành thì kết luận thanh tra phải gửi Bộ trưởng Bộ Y tế, Tổng Thanh tra Chính phủ, đối tượng thanh tra, thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của đối tượng thanh tra (nếu có) và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đối với cuộc thanh tra do Cục ATTP tiến hành thì kết luận thanh tra phải gửi Thanh tra Bộ Y tế, đối tượng thanh tra, thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của đối tượng thanh tra (nếu có) và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đối với cuộc thanh tra do Thanh tra Sở Y tế tiến hành thì kết luận thanh tra phải gửi Giám đốc Sở Y tế, đối tượng thanh tra, thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của đối tượng thanh tra (nếu có) và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đối với cuộc thanh tra do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tiến hành thì kết luận thanh tra phải gửi Thanh tra Sở Y tế, đối tượng thanh tra, thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của đối tượng thanh tra (nếu có) và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đối với cuộc thanh tra UBND cấp quận của TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được giao thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP thì kết luận thanh tra phải gửi Giám đốc Sở Y tế, đối tượng thanh tra, thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của đối tượng thanh tra (nếu có) và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đối với cuộc thanh tra UBND cấp phường của TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được giao thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP thì kết luận thanh tra phải gửi Chủ tịch UBND cấp quận, đối tượng thanh tra, thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của đối tượng thanh tra (nếu có) và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

B.B.Đ

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/hoan-thien-the-che/phai-co-ket-qua-kiem-tra-xac-minh-tung-noi-dung_t114c1160n112188