'Phải có chính sách hỗ trợ ngành hàng không từ ngân sách nhà nước, địa phương''

Với các đường bay không mang lại lợi nhuận nhưng vẫn phải duy trì vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thì phải có chính sách bù lỗ từ ngân sách nhà nước hoặc địa phương.

Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh (Chủ tịch Công ty TNHH Le & Brothers/ Le Bros) cho rằng, với các đường bay không mang lại lợi nhuận nhưng vẫn cần duy trì vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thì phải có chính sách bù lỗ cho hãng hàng không, từ ngân sách nhà nước hoặc địa phương. Đó cần được coi là khoản đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

- Thưa ông, từ việc hãng hàng không Bamboo Airways phải ngừng bay tuyến Hà Nội - Côn Đảo trong tháng 4/2024 này vì “thu không đủ bù chi” kéo dài, ông nhìn nhận đánh giá thế nào về sự kiện trên?

Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh: Vấn đề áp trần giá vé máy bay vẫn là một bài toán nan giải của các hãng hàng không Việt Nam lâu nay. Quả thật là, không riêng gì Bamboo Airways, nhiều đường bay khác của các hãng hàng không Việt Nam phải chịu lỗ vì không thể tăng giá vé lên được.

Theo chuyên gia, phải có chính sách hỗ trợ hàng không từ ngân sách nhà nước hoặc địa phương. Ảnh: Hoàng Hà

Việc ngừng bay tuyến Hà Nội - Côn Đảo, tôi nghĩ chắc có nhiều nguyên nhân khiến Bamboo Airways phải chịu lỗ, không chỉ là vấn đề giá vé máy bay. Tuy nhiên, việc áp “giá trần” khiến họ không có giải pháp bù lỗ nào khác.

Nhưng có một thực tế là, nếu giá vé máy bay quá cao thì cũng rất khó cho hành khách. Khiến cho vận tải hàng không Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với các phương tiện vận chuyển khác. Đó là thách thức chung của ngành hàng không.

- Vậy cần phải làm gì để có thể điều hòa, cân bằng được những mâu thuẫn trên?

Với các đường bay không mang lại lợi nhuận nhưng vẫn phải duy trì vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thì phải có chính sách bù lỗ từ ngân sách nhà nước hoặc địa phương. Nhiều nước cũng đã làm như vậy.

Đó được coi là khoản đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tôi không phải chuyên gia kinh tế nên không tính được các giải pháp về kinh tế. Nhưng thiết nghĩ, các cơ quan liên quan phải giải bài toán một cách tổng thể, tính toán đến lợi ích toàn cục từ mọi khía cạnh liên quan.

Ví dụ như Côn Đảo là một địa danh du lịch, tâm linh thì lợi ích từ việc thu hút khách đến Côn Đảo phải là tổng hòa doanh thu từ phương tiện vận chuyển, đến khách sạn, dịch vụ, giải trí và các nguồn thu khác. Muốn trợ giá cho đường bay thì phải phát triển các dịch vụ mặt đất, sản phẩm du lịch trên đảo…

- Trước kiến nghị bỏ quy định khung giá trần nội địa đối với dịch vụ vận tải hàng không của doanh nghiệp, trong công văn số 168/QLG-CNTD vào tháng 5/2023, Bộ Tài chính đã trả lời rằng, đây là việc do Bộ Giao thông Vận tải quyết định. Ông có những kiến nghị gì với các cơ quan quản lý nhà nước về chủ đề chúng ta đang bàn thảo?

Nếu có thể kiến nghị một điều gì đó thì tôi cho rằng chính sách áp trần giá vé máy bay cần phải linh hoạt. Những đường bay có nhu cầu cao, dễ khai thác thì có thể vẫn cần một quy định cứng. Nhưng với các đường bay khó khai thác, ít chuyến bay thì cần bãi bỏ “giá trần” hoặc phải nới rộng biên độ lợi nhuận hơn nữa, trước khi có một chính sách tổng thể bao quát mọi mặt về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Cảm ơn ông Lê Quốc Vinh!

Nguyễn Quốc (thực hiện)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/phai-co-chinh-sach-ho-tro-hang-khong-tu-ngan-sach-nha-nuoc-hoac-dia-phuong-2271098.html