Phải có chế tài trong việc áp dụng năng suất xanh trong doanh nghiệp

Năng suất xanh (GP) là chiến lược nhằm đồng thời nâng cao năng suất và hoạt động môi trường để phát triển kinh tế-xã hội nói chung nhằm cải thiện bền vững chất lượng cuộc sống của con người.

PGS.TS Phan Chí Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh (Trường Đại học Kinh tế-Đại học Quốc gia Hà Nội

Năng suất xanh bao gồm việc áp dụng các công cụ, kỹ thuật, công nghệ quản lý năng suất và môi trường thích hợp nhằm giảm tác động đến môi trường của các hoạt động, sản phẩm, dịch vụ, giúp nâng cao lợi nhuận và khả năng cạnh tranh. Theo đánh giá, đây là chiến lược năng động nhằm kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.

Kể từ năm 1998, Trung tâm Năng suất Việt Nam (nay là Viện Năng suất Việt Nam) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã thực hiện Chương trình điểm về năng suất xanh thông qua các dự án do Tổ chức Năng suất châu Á (APO) tài trợ.

Trong đó, nổi bật nhất là việc triển khai các mô hình về năng suất xanh tại cộng đồng ở 20 tỉnh, thành phố trên cả nước (chủ yếu là trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ) giúp người dân, doanh nghiệp hiểu về khái niệm, cách tiếp cận và biết cách dùng các công cụ phân tích đánh giá vấn đề, đưa ra lựa chọn ưu tiên...

Đây là cách làm sáng tạo của Việt Nam trong việc triển khai với các nhóm giải pháp, công cụ vốn dĩ mọi người nghĩ rằng chỉ triển khai được trong khu vực doanh nghiệp sản xuất, nhưng lần đầu tiên được triển khai và áp dụng thành công tại cộng đồng với kết quả được APO và các thành viên đánh giá cao.

Đánh giá về thực trạng năng suất xanh tại khu vực doanh nghiệp, theo PGS. TS Vũ Hoàng Nam, Trưởng phòng Quản lý khoa học (Trường Đại học Ngoại thương) chia sẻ, việc đáp ứng tiêu chí năng suất xanh tại doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Hiện đã có khá nhiều dự án, doanh nghiệp triển khai về năng suất xanh, nhưng chủ yếu tập trung ở những doanh nghiệp có quy mô tương đối lớn, trong khi phần lớn doanh nghiệp ở Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ. Đặc biệt, có nhiều doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ thì câu chuyện năng suất xanh chưa được triển khai, thực hiện nhiều. Thậm chí nhiều doanh nghiệp còn chưa hiểu rõ khái niệm về năng suất xanh là gì.

Năng suất xanh là chiến lược kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa

Do vậy, việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về năng suất xanh tại doanh nghiệp đang rất cần thiết hiện nay. Bởi nó đem lại lợi ích thiết thực, không chỉ giúp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp mà còn hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường và tăng trưởng bền vững.

Để thúc đẩy áp dụng năng suất xanh tại doanh nghiệp, PGS.TS Phan Chí Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh (Trường Đại học Kinh tế-Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cần có hệ thống quản trị hướng tới cải tiến năng suất, tức là đầu tư phải có hệ thống thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn như ISO 9000, ISO 14000... Hai là hệ thống phải hoạt động về năng suất xanh, ví dụ có những nhóm cải tiến, nhóm chất lượng; đồng thời để vận hành được phải có trong tay các công cụ, các phương pháp hoạt động năng suất xanh để dựa vào đó đánh giá đơn vị áp dụng.

Trên thực tế, tại Việt Nam, các tiêu chí pháp lý về năng suất xanh đã được xây dựng thành hệ thống quản lý, công cụ thường được áp dụng như hệ thống quản lý môi trường ISO 14000, hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001; các giải pháp nhằm quản lý chuỗi cung ứng xanh, mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt Global GAP; các công cụ trong thống kê, quản lý chất lượng như 5S, 3R... nhưng tất cả mới chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ, khuyến khích.

PGS.TS Phan Chí Anh cho rằng, đến thời điểm này, vai trò của Nhà nước phải cao hơn, phải tạo ra các “thách thức” cho doanh nghiệp hay nói cách khác cần phải tạo ra sức ép và phải có chế tài trong việc áp dụng năng suất xanh.

Phong Lâm

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/phai-co-che-tai-trong-viec-ap-dung-nang-suat-xanh-trong-doanh-nghiep-i317677/