Phác đồ điều trị bệnh suy tĩnh mạch chi dưới

Trong ngày 26/04/2017 vừa qua, Ths. BS Trần Phước Hòa (Trưởng khoa Ngoại Tim Mạch – Lồng Ngực, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long) đã tư vấn về bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới cho gần 100 người trong buổi tư vấn sức khỏe cho người dân được tổ chức định kỳ tại bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long.

I. ĐẠI CƯƠNG

Ở các nước tiên tiến như Châu Âu - Mỹ, bệnh lý tĩnh mạch có một ý nghĩa y tế - xã hội khá quan trọng vì bệnh rất thường gặp chiếm tỉ lệ bệnh lưu hành 25% trong dân số, trong đó có hơn 70% là nữ và khoảng 35% ở những người đang làm việc, 65% bệnh nhân trên 60 tuổi.

Ở Việt Nam chưa có những công trình nghiên cứu dịch tễ học bệnh tĩnh mạch, tuy nhiên lượng bệnh nhân đến khám các bệnh viện ngày càng tăng.

II. CHẨN ĐOÁN

1. Bệnh nhân đến khám bệnh vì các lí do:

- Tĩnh mạch giãn dạng mạng lưới dưới da.

- Biểu hiện các búi tĩnh mạch dãn ngoằn ngoèo.

- Phù chân, mỏi chân, nặng chân, dị cảm chân, vộp bẻ.

- Loét mặt trong cẳng chân, trên mắt cá chân.

Ths.BS Trần Phước Hòa (Trưởng Khoa Ngoại Tim Mạch – Lồng Ngực. BV Hoàn Mỹ Cửu Long) tư vấn bệnh suy giãn tim mạch cho người dân.

2. Khám lâm sàng:

- Thăm hỏi bệnh sử, tiền căn bệnh tĩnh mạch, nghề nghiệp…

- Tìm các dấu hiệu theo phân loại CEAP (bảng phân loại suy giãn tĩnh mạch).

3. Chẩn đoán cận lâm sàng:

- Siêu âm tĩnh mạch xác định:

- Dòng phụt ngược ở tĩnh mạch sâu, hiển lớn hay tĩnh mạch xuyên.

- Đo đường kính của tĩnh mạch đùi, tĩnh mạch hiển để chẩn đoán

4. Phân loại suy tĩnh mạch: phân loại CEAP

Theo Lâm Sàng

C0: bệnh nhân không có triệu chứng.

C1: Giãn mao mạch dưới da hoặc giãn tĩnh mạch dạng lưới kích thước tĩnh mạch giãn < 3mm.

C2: Giãn tĩnh mạch thành búi > 3mm.

C3: Phù chân.

C4: Thâm nhiễm thay đổi màu sắc da vùng trên mắc cá trong.

C5: Loét chân đã lành.

C6: Loét chân đang diễn tiến.

III. ĐIỀU TRỊ

1. Nguyên tắc hoặc mục đích điều trị:

a. Điều trị dòng máu phụt ngược trong lòng tĩnh mạch sâu, tĩnh mạch nông và tĩnh mạch xuyên.

b. Điều trị búi tĩnh mạch giãn tại chỗ.

c. Điều trị chăm sóc bệnh nhân loét tĩnh mạch.

2. Điều trị đặc hiệu

a. Điều trị bằng thuốc:

Diosmin và Hesperidin có hiệu quả đối với các triệu chứng vọp bẻ, tê, nặng chân…

Rutosides có hiệu quả đối với triệu chứng phù chân.

Pentoxifylline, Diosmin- Hesperidin, PGE – 1, Nitrate kẽm trong điều trị loét do tĩnh mạch.

b. Điều trị bằng băng ép áp lực

- Băng ép là phương pháp điều trị bệnh suy tĩnh mạch chi dưới chuẩn mực nhất.

- Băng ép giải quyết được các vấn đề bệnh suy tĩnh mạch: điều trị triệu chứng suy tĩnh mạch, phòng ngừa biến chứng sau phẫu thuật stripping, điều trị loét tĩnh mạch, dự phòng loét tái phát.

- Trong trường hợp bệnh nhân già, bệnh nhân béo phì, bệnh nhân có bệnh động mạch kèm theo thì băng ép không có hiệu quả.

- Băng ép sử dụng vớ y khoa hoặc băng thun.

c. Điều trị bằng phẫu thuật rút bỏ tĩnh mạch( phẫu thuật stripping, phlebectomy)

- Phẫu thuật stripping chỉ định cho mọi trường hợp cần bỏ đi tĩnh mạch hiển lớn hoặc tĩnh mạch hiển bé.

- Phẫu thuật stripping rút bỏ tĩnh mạch hiển lớn từ vị trí đổ vào tĩnh mạch đùi cho tới dưới gối. Cột các nhánh bên gần chỗ đổ vào tĩnh mạch đùi để giảm tái phát.

- Cắt bỏ các búi tĩnh mạch giãn tại những vị trí mà phẫu thuật stripping không lấy hết.

- Băng ép sau mổ để giảm biến chứng tụ máu vết mổ.

- Biến chứng thường gặp: chảy máu, tụ máu vết mổ, huyết khối tĩnh mạch sâu, nhiễm trùng vết mổ chiếm 1%, tổn thương thần kinh hiển chiếm tỉ lệ 5%.

d. Điều trị bằng nhiệt( RFA, Laser Therapy)

- RFA và laser nội mạch là 2 phương pháp sử dụng nhiệt để làm tắc tĩnh mạch loại bỏ dòng phụt ngược.

- Chỉ định cho những tĩnh mạch hiển giãn không ngoằn ngoèo, dễ luồn catheter.

- Các biến chứng có thể gặp: huyết khối tĩnh mạch sâu, phỏng da, nhiễm trùng, viêm tĩnh mạch, di cảm da. Các biến chứng ít gặp và nhẹ.

e. Điều trị bằng xơ hóa

- Xơ hóa là phương pháp chích chất gây xơ dưới dạng dung dịch hoặc dưới dạng bọt khí vào trong lòng tĩnh mạch gây phá hủy lớp tế bào nội mạc gây viêm dính trong lòng tĩnh mạch.

- Chỉ định cho những tĩnh mạch hiển giãn < 12mm.

- Chống chỉ định trong những trường hợp: di ứng thuốc tê, di ứng thuốc gây xơ, huyết khối tĩnh mạch sâu cấp tính, bệnh lý đông máu, bệnh động mạch ngoại biên ABI < 0,8, đang mang thai. Chống chỉ định tương đối: thông liên nhĩ, đau đầu migraines, hội chứng Klippel – Trenaunay.

IV. TÁI KHÁM VÀ THEO DÕI:

- Tái khám 1 tuần sau can thiệp.

- Tái khám mỗi tháng để điều trị thuốc trợ tĩnh mạch ít nhất 6 tháng.

- Hướng dẫn tập vận động, trách tư thế xấu ảnh hưởng đến tĩnh mạch.

V. TÀI LIỆU THAM KHẢO

a. Rutherford RB, et al. Revision of CEAP classification for chronic venous disorders: consensus statement. J Vasc Surg 2004; 40: 1248-52.

b. Almeida JI. RFA versus laser versus chemical schlerotherapy for endoablation of the saphenous vein. Vasc 2005; 13: S16.

c. Martinez MJ, et al. Phlebotonics for venous insufficiency. Cochrane Database of Syst Rev 2005; Issue 3, Art.No.: CD003229.

d. Beebe-Dimmer JL, et al. The epidermiology of chronic venous insufficiency and varicose veins. Ann Epidemiol 2005; 15: 175-84.

e. Dwerryhouse S, et al. Stripping the long saphenous vein reduces the rate of reoperation for current varicose veins: five year results. J Vasc Surg 1999; 29: 589-92.

Ths. BS. Trần Phước Hòa
(Trưởng khoa Ngoại Tim Mạch – Lồng Ngực. BV Hoàn Mỹ Cửu Long)
Thể thao & Văn hóa

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/ban-can-biet/phac-do-dieu-tri-benh-suy-tinh-mach-chi-duoi-n20170511112229264.htm