Phá thế độc đạo cho hạ tầng giao thông miền núi Quảng Trị. Bài 3: Giảm tải cho những tuyến đường kết nối huyết mạch

Hạ tầng giao thông miền núi Quảng Trị hiện có 4 tuyến quốc lộ, trong đó có Quốc lộ 9 và 15D. Ngoài những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng-an ninh của địa phương, 2 tuyến quốc lộ này còn có vai trò kết nối Việt Nam với các nước trong khu vực như Lào, Thái Lan, Myanmar. Tuy nhiên trong những năm qua, trên các tuyến đường này xảy ra nhiều vấn đề như ùn tắc, quá tải, bị chia cắt bởi thiên tai đòi hỏi phải có phương án đầu tư nâng cấp, sửa chữa, đồng thời xây dựng đường cao tốc nhằm phá thế độc đạo của tuyến đường huyết mạch này.

 Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo -Ảnh: H.N

Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo -Ảnh: H.N

Từ đường mòn, lối mở trở thành quốc lộ

Hơn 30 năm về trước, không ai nghĩ Quốc lộ (QL) 15 D (ban đầu là đường Tà Rụt - La Lay) dài 12,2 km, nối từ đường Hồ Chí Minh nhánh Tây (địa phận huyện Đakrông) đến Cửa khẩu quốc tế (CKQT) La Lay chỉ là một đường mòn, lối mở của người dân miền núi.

Không lâu sau khi thành lập, nhận thấy tầm quan trọng huyết mạch của tuyến đường này trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội và kết nối với hệ thống giao thông đường bộ của Lào và Thái Lan, Myanmar, tỉnh Quảng Trị đã có chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường này. Vào năm 1992, tỉnh lập đoàn khảo sát do một đồng chí phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn cùng lãnh đạo các ngành liên quan luồn rừng, lội suối đi thực địa, xác định hướng tuyến.

Ông Phan Thanh Đăng lúc đó mới ngoài 20 tuổi, là cán bộ thiết kế Công ty Cổ phần Tư vấn giao thông Quảng Trị tham gia đoàn khảo sát tuyến đường Tà Rụt - La Lay, nhớ lại: “Đoàn chúng tôi có 15 người, men theo đường mòn và luồn lách trong rừng để tìm phương án tuyến khả thi nhất. Công việc khảo sát tuyến kéo dài 1 năm. Cực khổ đã đành, chúng tôi còn đối mặt với sốt rét, một căn bệnh rất nguy hiểm vào thời kỳ đó”.

Khảo sát đã vất vả nhưng thi công còn khó hơn rất nhiều lần do điều kiện địa hình và thời tiết khu vực này quá khắc nghiệt. Ông Vũ Huy Kiệm là một trong những người giám sát công trình vào thời điểm đó, cho biết: Có khoảng 10 đơn vị cùng thi công tuyến đường này, trong đó có nhiều đơn vị ở miền Bắc vào. Các đơn vị thi công phải thuê người gùi dầu, lương thực lên các địa điểm thi công để tiếp nhiên liệu cho máy móc và đảm bảo đời sống cho công nhân. Thêm nữa, thời tiết vùng này chịu ảnh hưởng của cả Việt Nam và Lào, nhất là vào mùa mưa nên nhiều khi mặt đường vừa đổ cấp phối xong đã bị trôi hết bởi một trận mưa giông.

Sau 3 năm thi công trong điều kiện hết sức khó khăn, đường Tà Rụt - La Lay chính thức được thông xe vào tháng 6/1995 với tổng kinh phí đầu tư gần 30 tỉ đồng. Năm 1998, sau khi thi công giai đoạn 2, đường Tà Rụt - La Lay được nâng cấp thành tỉnh lộ với tên gọi ĐT.588 và đến năm 2013, nâng cấp thành QL 15D theo Quyết định số 2097/QĐ-BGTVT ngày 18/7/2013 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Từ một đường mòn, lối mở cho người đi bộ, QL 15D được xây dựng thành một con đường bằng phẳng với mặt đường rộng 5,5 m; từ quy mô kết cấu ban đầu là đá dăm tiêu chuẩn láng nhuộm, nay mặt đường được thảm bê tông nhựa nối dài từ cửa khẩu xuống vùng đồng bằng và rộng dài về cảng biển. Tuyến đường này kết nối với QL 15 A của Lào (được đưa vào sử dụng năm 2012) đã rút ngắn cự ly vận chuyển từ các tỉnh Nam Lào về miền Trung Việt Nam cả đi lẫn về 914 km.

Kết nối cảng biển với Hành lang kinh tế Đông - Tây

Quảng Trị là cửa ngõ của Hành lang kinh tế (HLKT) Đông - Tây (EWEC) và QL 9 là con đường xuyên Á kết nối ngắn nhất, thuận lợi nhất giữa Biển Đông, Việt Nam với các nước Lào, Thái Lan, Myanmar và khu vực. Việc đầu tư hạ tầng giao thông để kết nối các cảng biển của Quảng Trị với HLKT Đông - Tây trên hai tuyến QL 15D và QL 9 rất quan trọng.

Ngày 20/5/1995, công trình cảng Cửa Việt giai đoạn 1 (được xây dựng cho tàu có trọng tải 2.000 WDT ra vào với năng lực thông qua 200.000 tấn/năm) và tuyến đường từ Ngã Tư Sòng về cảng Cửa Việt được khởi công xây dựng. Từ tuyến tỉnh lộ, tỉnh Quảng Trị đã đề xuất trung ương nâng tuyến Ngã Tư Sòng - Cửa Việt dài 13,8 km trở thành QL 9 kéo dài từ thị trấn Lao Bảo về cảng Cửa Việt, nối thông CKQT Lao Bảo qua trục HLKT Đông - Tây với Biển Đông. Công trình này được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, sau khi nâng cấp, mở rộng, đường đạt tiêu chuẩn cấp II đồng bằng, mặt đường rộng 28 m. Hiện cảng biển Bắc Cửa Việt với 3 bến cảng có thể đón tàu có tải trọng 3.000 tấn, năng lực hàng hóa thông qua cảng khoảng 1,5 triệu tấn/năm. Bến cảng CFG Nam Cửa Việt cũng đang được đầu tư xây dựng với quy mô trên 18 ha, nằm đối diện với cảng biển Bắc Cửa Việt, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 5.000 tấn. Dự án này có 4 cầu cảng, tổng vốn đầu tư 640 tỉ đồng.

 Cảng Cửa Việt - Ảnh: H.N

Cảng Cửa Việt - Ảnh: H.N

Giám đốc Sở GTVT Trần Hữu Hùng cho biết: Để nâng cao năng lực vận tải, kết nối HLKT Đông - Tây, đáp ứng nhu cầu vận tải và phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Quảng Trị đã báo cáo và được Bộ GTVT chấp thuận trình Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư nâng cấp mở rộng QL 9 đoạn từ Cửa Việt đến QL 1 từ nguồn vốn dư Dự án VRAMP với tổng mức đầu tư khoảng 440 tỉ đồng. HĐND tỉnh Quảng Trị cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án với kinh phí dự kiến trên 75 tỉ đồng.

Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng QL 15D nối cảng biển nước sâu Mỹ Thủy Thủy (xã Hải An, huyện Hải Lăng thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị) với CKQT La Lay có tổng chiều dài khoảng 92 km cũng đang được tiến hành. Ngày 8/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận đưa tuyến đường bộ nối từ cảng biển nước sâu Mỹ Thủy đến CKQT La Lay vào Quy hoạch phát triển hệ thống giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2030 tại Văn bản số 2226/TTg-KTN. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã đề nghị Bộ GTVT quan tâm triển khai đầu tư xây dựng QL 15D trong giai đoạn 2021-2025.

Như vậy, nếu hình thành cảng biển nước sâu Mỹ Thủy, nối QL 15D lên CKQT La Lay cùng với QL 9-CKQT Lao Bảo, Quảng Trị sẽ có 2 tuyến vận tải quốc tế: EWEC (QL 9) và Hành lang QL 15D, có thể kết nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương qua Trung tâm vận chuyển quốc tế cảng trung chuyển nước sâu Mỹ Thủy. Với lợi thế đó, Quảng Trị có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, vận tải, thương mại, du lịch, dịch vụ và hợp tác đầu tư với các tỉnh, thành trong cả nước với các nước Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.

Phá thế độc đạo cho Quốc lộ 9

Tất cả các tuyến biên giới nối Việt Nam với Lào và Campuchia theo hướng Đông - Tây trên cả nước không có nơi nào thuận lợi như QL 15D và QL 9 của Quảng Trị. Nhất là trong điều kiện bão lũ xảy ra, nhiều nhà kinh doanh vận tải sẽ ưu tiên lựa chọn QL 9.

Tuy nhiên, QL 9 đoạn từ Cam Lộ đến CKQT Lao Bảo là tuyến đường duy nhất kết nối trung tâm TP. Đông Hà với các huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa và 2 CKQT Lao Bảo, La Lay. Việc phá thế độc đạo của tuyến đường này đặt ra cấp thiết nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, hàng quá cảnh; kết nối các trục dọc quốc gia với các CKQT và cảng biển khu vực; phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra thiên tai.

Dự báo trong giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030, các chỉ số hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, hàng quá cảnh qua QL 9 sẽ tăng cao. Riêng về mật độ phương tiện trên QL 9, đặc biệt các xe container vận chuyển hàng hóa sang Lào và ngược lại trong những năm qua đều tăng. Năm 2020, trong điều kiện dịch bệnh và thiên tai diễn biến phức tạp nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu qua 2 CKQT Lao Bảo và La Lay đạt 379 triệu USD, thông quan 151.600 lượt phương tiện vận tải xuất nhập cảnh (trên 90% là phương tiện chở hàng hóa), tương ứng với 1,28 triệu tấn hàng hóa. Bên cạnh đó còn có 17.262 lô hàng quá cảnh qua CKQT Lao Bảo có giá trị trên 8,9 tỉ USD với trọng lượng 1,5 triệu tấn. Điều này gây nên tình trạng quá tải, ùn tắc mất an toàn giao thông.

Được biết hiện nay, phía Lào đang mở rộng Nhà máy sản xuất giấy và xây dựng Nhà máy nhiệt điện nên lượng phương tiện lưu thông qua về cửa khẩu mỗi ngày từ 550-600 lượt, trong đó có khoảng 450-500 xe container. Năm 2020, khi bão lũ xảy ra, QL 9 đi qua khu vực các huyện Đakrông và Hướng Hóa bị sạt mái taluy dương, xói lở taluy âm; nhiều cầu, cống bị ngập nước gây chia cắt, cô lập và ách tắc giao thông khu vực phía Tây tỉnh Quảng Trị. Công tác cứu hộ, cứu nạn vì thế gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện các trục giao thông dọc của quốc gia như QL 1 đã hoàn thành đầu tư nâng cấp với quy mô 4 làn xe. Hệ thống đường bộ cao tốc phấn đấu đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000 km đưa vào khai thác và đến năm 2025, hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến: Toàn bộ khu vực miền Trung hiện không có hệ thống đường bộ cao tốc kết nối theo hướng Đông - Tây. Đây được xem là trục vận tải hàng hóa lớn kết nối các nước trên HLKT Đông - Tây, kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương cũng như hàng hóa của các nước trong khối ASEAN trên trục này, tìm đường ra Biển Đông để thâm nhập vào thị trường các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... mà không phải đi qua eo biển Malacca. Điều này sẽ mất cân đối trong đầu tư đồng bộ để phát huy tiềm năng thế mạnh về vị trí địa lý nhằm khai thác hiệu quả các nguồn hàng hóa bổ trợ cho nhau và phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư. “Do đó, UBND tỉnh cho rằng việc nghiên cứu đầu tư xây dựng và hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo trong giai đoạn 2026 - 2030 là rất cấp thiết để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, hàng quá cảnh; đồng thời, kết nối các trục dọc quốc gia với các CKQT và cảng biển khu vực. Đặc biệt là phá vỡ thế độc đạo của tuyến QL 9 để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra thiên tai”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến chia sẻ.

Phan Hoài Hương - Lâm Thanh

Bài 4: Những con đường mang đến ấm no

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=159060&title=pha-the-doc-dao-cho-ha-tang-giao-thong-mien-nui-quang-tri-bai-3-giam-tai-cho-nhung-tuyen-duong-ket-noi-huyet-mach