Pha đánh chặn tai tiếng của phòng không Israel

Dù được trang bị hệ thống phòng không tối tân hàng đầu thế giới nhưng Israel chắc chắn không muốn nhớ pha đánh chặn tai tiếng diễn ra ngày 17/7/2016.

Ngay khi phát hiện ra chiếc UAV từ phía Syria xâm nhập không phận Israel hôm 17/7, lực lượng phòng không và không quân nước này đã liên tiếp khai hỏa bằng những vũ khí tối ưu nhất hiện có.

Đầu tiên là tên lửa không đối không phóng từ tiêm kích F-16I, và sau đó là 2 tên lửa đất đối không của hệ thống Patriot PAC 3 được phóng đi nhưng tất cả đều trượt mục tiêu và chiếc UAV được thiết kế với nhiều cánh quạt đã bình an vô sự quay về phía Syria.

Vụ việc diễn ra ở khu vực trung tâm Cao nguyên Golan ở miền Bắc Israel.

Được biết, đây là vụ tai tiếng lớn nhất nhưng không phải là đầu tiên trong quân đội Israel liên quan đến khả năng đánh chặn của hệ thống phòng không Patriot tối tân do Mỹ sản xuất.

Hệ thống Patriot của Israel.

Sau vụ đánh chặn hụt UAV tại Cao nguyên Golan không lâu, phòng không Israel với nòng cốt là hệ thống Patriot còn chứng minh sự vô dụng của mình bằng một vụ đánh chặn thành công khác.

Cụ thể, Trung tướng David Perkins - chỉ huy đơn vị đào tạo quân đội TRADOC của Mỹ vừa cho biết trong một hội nghị chuyên đề quân sự, rằng một trong những nước đồng minh thân thiết của Mỹ đã bắn hạ trực thăng nhiều cánh quạt giá rẻ bằng tên lửa giá ba triệu USD.

Video trình bày cảnh ông Perkins đang phát biểu được đăng trên Youtube, trong khi đó lục quân Mỹ cũng đăng tải một đoạn video trên mạng xã hội với tiêu đề: "Họ đã tiêu diệt nó bằng tên lửa Patriot".

Theo lời Perkins để bắn hạ trực thăng không người lái có giá 200 USD, nước "đồng minh thân thiết" đã dùng tên lửa đánh chặn của hệ thống PAC 3 thuộc loại tối tân nhất của Mỹ, mỗi quả có giá hơn 3 triệu USD - hãng thông tấn BBC cho biết.

"Tên lửa làm việc được, họ đã bắn hạ chiếc trực thăng nhiều cánh quạt. Chiếc máy bay không người lái đó bán đầy rẫy trên Amazon.com với giá chỉ 200 USD. Nó không có cơ hội chống trả lại một quả Patriot", Tướng Perkins cho hay khi mô tả về vụ hạ gục máy bay bằng loại tên lửa đắt giá.

Tuy nhiên, tướng Perkins cũng không hài lòng về lợi ích kinh tế của các hành động như vậy, bởi loại tên lửa Patriot có thể bay nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Trong khi đó, một chiếc máy bay không người lái 4 cánh chỉ bay với tốc độ “siêu rùa” là 80 km/h.

Trực thăng nhiều cánh quạt là một thiết bị bay có từ 2 cánh quạt trở lên. Một lợi thế của nó là các động cơ cánh quạt rất đơn giản để kiểm soát chuyến bay. Công ty Amazon có dự án sử dụng trực thăng nhiều cánh quạt, 4 hay 8 cánh quạt, vào việc giao hàng tới tận nhà cho người mua hàng.

Vị tướng Mỹ nhấn mạnh rằng, "tôi không chắc đó là một sự đánh đổi thông minh. Nếu tôi là kẻ thù, tôi sẽ nghĩ ngay tới chuyện lên eBay, mua nhiều máy bay không người lái 4 cánh nhất trong khả năng túi tiền và tung nó tới chỗ có tên lửa Patriot”.

Tướng Perkins không nói chi tiết về vụ tấn công và tên quốc gia đồng minh của Mỹ mà chỉ cho hay có một quốc gia đã làm như vậy khi đương đầu với kẻ thù, chứ không phải là một vụ thử nghiệm. Tuy nhiên, sau đó nguồn tin quân sự Mỹ tiết lộ, quốc gia đồng minh vị Tướng Mỹ nói đến chính là Israel.

Sau khi biết câu chuyện này, trên mạng xã hội đã rộ lên trào lưu chế nhạo tên lửa Mỹ Patriot-3 có giá vài triệu USD mà chỉ bắn hạ được các loại trực thăng, máy bay không người lái có tốc độ “rùa bò”, trong khi đó hoàn toàn bất lực trước các loại tên lửa thực thụ.

Nếu đối phương tung vài chục, thậm chí vài trăm máy bay giá rẻ cùng với một vài tên lửa thực thụ vào không phận thì Mỹ sẽ tốn đến hàng tỷ USD cho những mục tiêu vô giá trị, còn tên lửa đối phương sẽ thản nhiên tấn công vào các mục tiêu quan trọng.

Clip hệ thống Patriot khai hỏa

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/pha-danh-chan-tai-tieng-cua-phong-khong-israel-3340616/