PGS.TS HOÀNG VĂN NGHĨA: TRAO ĐỔI, CHIA SẺ KINH NGHIỆM GIỮA VIỆT NAM VÀ LÀO TRONG HOẠT ĐỘNG LẬP PHÁP CẦN ĐẶT TRONG BỐI CẢNH DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH QUỐC TẾ

PGS.TS Hoàng Văn Nghĩa – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa Việt Nam và Lào trong xây dựng lập pháp cần bám sát, quán triệt những định hướng lớn hay những vấn đề hệ trọng khác của mỗi nước được đặt trong bối cảnh của khu vực và quốc tế...

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công tôi luyện qua nhiều thử thách

Từ ngày 19 - 22/7/2022, Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Lào do Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Sounthone Sayachak làm trưởng đoàn thăm, làm việc tại Việt Nam. Chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam và Lào, khi hàng loạt hoạt động trọng thể đã, đang và sẽ được tổ chức nhằm kỷ niệm 60 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962- 5/9/2022) và 45 năm ký kết Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác (18/7/1977- 18/7/2022). Ngoài ra, hoạt động động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu lập pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong năm nay khi hai nước cùng kỷ niệm chuỗi hoạt động trên tất cả các lĩnh vực, ở các cấp, các ngành.

Để hiểu rõ hơn về các nội dung trên, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội có cuộc trao đổi với PGS.TS Hoàng Văn Nghĩa – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chào đón Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sounthone Xayachak tại Nhà Quốc hội.

Phóng viên: Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Lào do Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Sounthone Sayachak làm trưởng đoàn thăm, làm việc tại Việt Nam (từ ngày 19 - 22/7/2022). Xin ông cho biết ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến thăm tới Việt Nam lần này của Đoàn đại biểu Quốc hội Lào?

PGS.TS Hoàng Văn Nghĩa: Chuyến thăm của Đoàn Lãnh đạo Quốc hội CHDCND Lào chắc chắn sẽ tiếp tục tăng cường thắt chặt tình hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước nói chung cũng như giữa hai Quốc hội nói riêng. Đặc biệt, trong bối cảnh Quốc hội hai nước tăng cường quán triệt triển khai và thể chế Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam với trọng tâm xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa và Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng Nhân dân cách mạng Lào với trọng tâm xây dựng và hoàn thiện nhà nước quản lý bằng pháp luật, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi sự phát triển nhanh, bền vững kinh tế-xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, thời kỳ hậu Covid-19 và trước những cơ hội và thách thức mới của tình hình khu vực và quốc tế hiện nay.

Chuyến thăm của lãnh đạo Quốc hội Lào tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa các cuộc gặp gỡ và hội đàm thắm tình đồng chí, anh em thân thiết của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước hai nước Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam, góp phần đưa 2 nước phát triển phồn vinh, thịnh vượng; đồng thời góp phần lan tỏa tình đoàn kết quốc tế, kiến tạo hòa bình, hợp tác, phát triển của cộng đồng ASEAN, khu vực và thế giới.

Phó giáo sư, tiến sĩ Hoàng Văn Nghĩa – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về quá trình trao đổi kinh nghiệm trong công tác xây dựng lập pháp giữa Việt Nam và Lào trong thời gian qua và có kỳ vọng về công tác này trong thời gian tới nhân chuyến thăm nước ta của Phó Chủ tịch Quốc hội Sounthone Sayachak?

PGS.TS Hoàng Văn Nghĩa: Cùng với các hoạt động hợp tác trao đổi song phương giữa hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Lào, Lào và Việt Nam nói chung, hoạt động hợp tác trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng lập pháp giữa Việt Nam và Lào luôn là trọng tâm ưu tiên và đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Chẳng hạn, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, tư vấn và tổ chức thực hiện quy trình xây dựng lập pháp, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, thẩm định và thông qua các dự án luật, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, của các đại biểu Quốc hội không ngừng được nâng cao và hoàn thiện.

Hai bên đã thường xuyên trao đổi Đoàn cấp cao của hai Quốc hội, đặc biệt Tòa nhà Quốc hội Lào tại Thủ đô Vientiane được khánh thành và đưa vào sử dụng thời gian qua, là biểu hiện sinh động của mối quan hệ giữa hai Quốc hội trong thời gian qua.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tặng quà lưu niệm cho Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sounthone Xayachak.

Phóng viên: Năm 2022 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam và Lào, khi hàng loạt hoạt động trọng thể đã, đang và sẽ được tổ chức nhằm kỷ niệm 60 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ký kết Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác. Ông nhìn nhận như thế nào về những sự kiện quan trọng này đóng góp vào mối quan hệ của hai nước trong thời gian tới cũng như thúc đẩy hợp tác giữa hai nước đối với vấn đề nghiên cứu, xây dựng pháp luật?

PGS.TS Hoàng Văn Nghĩa: Tôi cho rằng, việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động lập pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong năm nay khi hai nước cùng kỷ niệm chuỗi hoạt động trên tất cả các lĩnh vực, ở các cấp, các ngành, nhân dịp 60 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962- 5/9/2022) và 45 năm ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (18/7/1977- 18/7/2022).

Thứ nhất, hoạt động xây dựng lập pháp cần bám sát, quán triệt những định hướng lớn, chiến lược hợp tác toàn diện, hữu nghị đặc biệt của hai Đảng, cũng như sự lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội của hai nước Việt Nam và Lào trong bối cảnh mới.

Thứ hai, chú trọng, ưu tiên việc tăng cường trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về thực tiễn xây dựng lập pháp của mỗi nước thông qua các hoạt động nghiên cứu tham mưu chiến lược, năng lực và kỹ năng lập pháp cho các đại biểu Quốc hội.

Thứ ba, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quan tham mưu của hai Quốc hội, góp phần không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động xây dựng pháp luật, giám sát tối cao và quyết định, thích ứng linh hoạt để thực hiện hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống hiệu quả Covid-19” vừa “phát triển nhanh, bền vững kinh tế-xã hội” hay những vấn đề hệ trọng khác của mỗi nước trong bối cảnh khu vực và quốc tế diễn biến hết sức nhanh chóng, nhạy cảm và phức tạp hiện nay.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=66776