PGS.TS ĐẶNG VĂN THANH: CẦN CÓ MỘT ĐIỀU QUY ĐỊNH VỀ QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI NGHỀ NGHIỆP THAM GIA BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIỀU DÙNG

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), PGS.TS Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam nêu quan điểm: Cần có một điều quy định về quyền và trách nhiệm của các tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia bảo vệ quyền lợi người tiều dùng…

CẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ HƠN VỀ VIỆC TẠO ĐIỀU KIỆN CHO CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI THAM GIA BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

Theo chương trình Phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) để trình Quốc hội đóng góp ý kiến, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5 tới.

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật, PGS.TS Đặng Văn Thanh- Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam nhấn mạnh: Bảo vệ Người tiêu dùng đang trở thành một vấn đề ngày càng được cả cộng đồng xã hội quan tâm, là một tác nhân kinh tế ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế. Quốc hội Khóa XII đã thông qua Luật số 59/2010 về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây là sự thể hiện việc Đảng và Nhà nước luôn coi trọng công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

PGS.TS Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam.

PGS.TS Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam.

Sau khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được ban hành, Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện và triển khai tích cực. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới của nền kinh tế, nhiều quy định đã không còn phù hợp, nhiều nội dung mới cần được bổ sung. Vì vậy, việc sửa đổi và bổ sung Luật là cần thiết, đáp ứng yêu cầu mới của nền kinh tế thị trường mở cửa và hội nhập.

Về tổng quan, Luật có 7 chương, 79 điều đã được biên tập chỉnh sửa nhiều lần trên cơ sở có tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, của các ngành, các tổ chức và các chuyên gia. Sau khi nghiên cứu, PGS.TS Đặng Văn Thanh đồng ý với nhiều nội dung đã chỉnh sửa, bổ sung.

PGS.TS Đặng Văn Thanh đồng ý với phương án cần quy định theo hướng bao gồm cả “tổ chức” cùng với cá nhân là những "người tiêu dùng". Quy định này cần được trình bày lại: Người tiêu dùng là người mua hàng hóa, dịch vụ, lao vụ sử dụng cho nhu cầu của tổ chức, cá nhân và không vì mục đích kinh doanh. Quy định như vậy của dự án Luật thì người tiêu dùng bao gồm các đối tượng không chỉ là cá nhân tiêu dùng riêng lẻ mà còn là tổ chức (như doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành nghề, tổ chức xã hội, đoàn thể...) tiến hành mua hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho nhu cầu hoạt động sinh hoạt của cá nhân, gia đình hoặc tổ chức, không sử dụng để kinh doanh.

Người tiêu dùng cần được quan tâm bảo vệ về quyền lợi khi mua sắm sản phẩm, hàng hóa (ảnh minh họa).

Người tiêu dùng cần được quan tâm bảo vệ về quyền lợi khi mua sắm sản phẩm, hàng hóa (ảnh minh họa).

Nói cách khác, các đối tượng này thực hiện việc mua hàng hóa, sử dụng các dịch vụ lao vụ cho hoạt động của cá nhân, tổ chức chứ không nhằm mục đích để kinh doanh tìm kiếm lợi ích kinh tế, tìm kiếm lợi nhuận. Những đối tượng mua hàng hóa, dịch vụ để bán lại hoặc sử dụng làm nguyên liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh được bảo vệ bởi các văn bản quy phạm pháp luật khác như Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Bộ luật Hình sự...

Trong mục này, không nên quy định sản phẩm, hàng hóa, mà chỉ quy định hàng hóa là đủ vì sản phẩm đã lưu hành trên thị trường, đã đem trao đổi và sử dụng thì là hàng hóa. Nếu quy định dịch vụ đi liền cùng hàng hóa thì phải quy định thêm cả lao vụ nữa. Về bản chất dịch vụ, lao vụ cũng là một loại hàng hóa.

Về quyền (Điều 4) và trách nhiệm của người tiêu dùng (Điều 5), PGS.TS Đặng Văn Thanh cho rằng, cần có sự sắp xếp lại cho rõ và hợp lý hơn về quyền và nghĩa vụ. Ví dụ: Quyền hay nghĩa vụ kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; Quyền hay nghĩa vụ, hoặc cả quyền và nghĩa vụ tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, quyền hay nghĩa vụ góp ý với tổ chức cá nhân kinh doanh... Vì vậy, nên trình bày lại một số quy định trong điều 4 và 5.

PGS.TS Đặng Văn Thanh cũng cho rằng, chính sách Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Điều 7) bao gồm 8 khoản là hơi dài, cần trình bày gọn lại. Một số quy định không phải chính sách mà là trách nhiệm quản lý Nhà nước. Ví dụ khoản 4: Triển khai các biện pháp tư vấn, hỗ trợ, khảo sát, đánh giá, thử nghiệm, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, quản lý, giám sát... Khoản 7: Nâng cao đạo đức kinh doanh...

Toàn bộ Chương II về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng. Đây là toàn bộ trách nhiệm của nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ trực tiếp, bên thứ ba được ủy quyền cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ. Tuy nhiên, cần rà soát lại một số quy định để có tính khả thi cao hơn, sát thực tế hơn, hạn chế nững quy định mang tính chung chung có thể gây ra cách hiểu không thống nhất.

Về quy định Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Chương IV), PGS.TS Đặng Văn Thanh nêu quan điểm nên quy định hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội nghề nghiệp, chứ không chỉ tổ chức xã hội. Theo đó, cần có quy định riêng về quyền và nghĩa vụ của Tổ chức xã hội tham gia vào bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong phạm vi những hàng hóa, dịch vụ liên quan nghề nghiệp của tổ chức xã hội nghề nghiệp, ngoài các tổ chức xã hội nghề nghiệp có tôn chỉ mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Điều 48).

Theo PGS.TS Đặng Văn Thanh, cần có một điều quy định về quyền và trách nhiệm của các tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia bảo vệ quyền lợi người tiều dùng với các quy định cụ thể sau:

Thứ nhất: Tổ chức xã hội nghề nghiệp thành lập theo quy định của pháp luật và hoạt động theo điều lệ được tham gia hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thược phạm vi nghề nghiệp của tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Thứ hai: Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội nghề nghiệp phải theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan."

Thứ ba: Nội dung tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội nghề nghiệp bằng các hoạt động sau đây: Hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn người tiêu dùng hàng hóa dịch vụ thuộc nghề nghiệp của tổ chức xã hội nghề nghiệp; Tổ chức thương lượng, hòa giải các tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc nghề nghiệp theo quy định tại Luật này khi có yêu cầu; Thực hiện khảo sát, thử nghiệm; công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm - chất lượng hàng hóa, dịch vụ thuộc nghề nghiệp; Tham gia xây dựng pháp luật, chủ trương, chính sách, phương hướng, kế hoạch, chương trình, dự án và biện pháp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Tham gia các hoạt động kiểm tra liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=73038