PCT Phùng Quốc Hiển: 'Đề nghị thảo luận hết ý kiến, kể cả tới 23h'

Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Phùng Quốc Hiển đề nghị, khi còn ĐBQH đăng ký, QH còn thảo luận, kể cả là bố trí ăn nhẹ sau 17h để thảo luận đến 23h đêm.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTV QH), chiều 6/10, trình bày bản tổng hợp ý kiến, dự kiến tiếp thu nội dung chương trình kỳ họp thứ 2, QH khóa XIV, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, thời gian tiến hành kỳ họp là 24 ngày làm việc. QH làm việc từ 20/10 - 19/11/2016, trong đó có 2 ngày thứ bảy.

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển tại phiên họp thứ 4 của UBTV QH. (Ảnh: Quochoi.vn).

Thảo luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển cơ bản đồng tình với báo cáo và nhấn mạnh: “QH không phải chỉ là tham luận, thảo luận mà là QH tranh luận”. Do đó, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đề nghị Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nghiên cứu có phiếu riêng cho mỗi đại biểu (ĐB) QH để khi muốn có ý kiến, ĐB có thể viết phiếu chuyển về ban thư ký và đoàn chủ tịch biết. Như vậy sẽ làm cho hoạt động QH sinh động, hiệu quả hơn vì hiện nay, gọi thảo luận theo bảng điện tử chỉ theo thứ tự ưu tiên.

Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị có một số thay đổi trong hoạt động thảo luận tại hội trường. Bởi, ở các kỳ họp trước, nhiều vấn đề thảo luận được ĐB đặc biệt quan tâm, khi hết thời gian làm việc vẫn còn hàng chục ý kiến. Do vậy, nên chăng có thể học tập nhiều QH nước khác, làm việc đến khi nào hết ý kiến rồi mới về. “Cần thiết, có thể bố trí một bữa ăn nhẹ, ăn nhanh vào cuối ngày để thảo luận tiếp, có thể đến 23h đêm, khi nào hết ý kiến thì thôi. Tôi cho rằng, với khối lượng công việc dự kiến, kỳ họp thứ 2 tới, các ĐB phải làm việc rất vất vả mới đảm bảo hiệu quả”, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đồng ý với Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, đề nghị: “Riêng về công tác tư pháp, nên chăng có thêm một buổi thảo luận".

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, đề nghị thảo luận hết ý kiến mới về của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cũng là một góp ý, nhưng cần xin ý kiến các ĐBQH. Bởi, bên cạnh thời gian làm việc tại hội trường, các ĐBQH phải đọc, chuẩn bị tài liệu ngoài giờ làm việc mất rất nhiều thời gian. Do đó, nhiều ĐBQH dù chỉ quá thời gian 5 phút là đã muốn về. So với thời gian làm việc 8 tiếng một ngày như trong Luật Lao động thì ĐBQH thường phải làm việc nhiều hơn rất nhiều.

Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ cũng cho rằng, không nên thảo luận đến hết ý kiến thì thôi vì “đến bao giờ mới hết”. Do vậy, vẫn cần phải có thời gian theo quy định. “Bởi, khi hết thời gian thảo luận trên hội trường, các ĐB vẫn có thể gửi ý kiến bằng đường văn bản. Các ý kiến bằng văn bản gửi lên có giá trị như ý kiến phát biểu tại hội trường nên không lo việc các ĐB bị mất quyền phát biểu”, ĐB Đỗ Bá Tỵ nói và nhấn mạnh: “ĐBQH không có thời gian rỗi nếu phát huy hết tinh thần trách nhiệm, bởi ngoài thời gian trên hội trường thì chủ yếu ĐB phải dành thời gian nghiên cứu ngoài giờ".

Trưởng ban Công tác Đại biểu Trần Văn Túy cũng cho rằng, công việc của ĐBQH rất nhiều, nhất là trong mỗi kỳ họp. Do đó, vị này không đồng tình với đề xuất thảo luận tại hội trường đến hết ý kiến mới thôi.

Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu đưa ý kiến, chương trình kỳ họp không nên bố trí vào ngày thứ bảy vì đó là ngày hoạt động của các ủy ban. Những ngày này, các ủy ban rất nhiều việc như: Phải tổng hợp ý kiến, báo cáo...

Riêng về chất vấn, nhiều ĐB đề nghị tăng thời gian thảo luận tại hội trường và chất vấn lên, bớt thời gian thảo luận tổ để bất cứ ĐB nào có ý kiến đều được chất vấn.

Dương Thu (ghi)

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/pct-phung-quoc-hien-de-nghi-thao-luan-het-y-kien-ke-ca-toi-23h-a301656.html