PAK DP – 'Thợ săn cáo' tương lai của Không quân Nga

Máy bay tiêm kích đánh chặn hạng nặng Mig-31 Foxhound (Thợ săn cáo) của Liên Xô và Nga đã tạo ấn tượng mạnh mẽ về dòng máy bay đánh chặn hạng nặng, tốc độ siêu âm, tầm bắn lớn chuyên dụng để ngăn chặn các đơn vị máy bay ném bom chiến lược và máy bay cảnh báo tầm xa của đối phương.

Sau nhiều thập kỷ phục vụ, Nga đang phát triển người kế nhiệm của máy bay Mig-31 với tên gọi PAK DP hay Mig-41. Nó được kỳ vọng sẽ đáp ứng yêu cầu về dòng máy bay tiêm kích đánh chặn mới đối trọng với các dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 và 6 trong tương lai. Hiện tại, PAK DP vẫn đang trong giai đoạn phác thảo thiết kế, nhưng nhiều thông tin liên quan về dòng máy bay tiêm kích hạng nặng này đã được tiết lộ.

Máy bay tiêm kích đánh chặn tàng hình

Một trong những điểm tạo ra sự khác biệt của PAK DP so với máy bay tiêm kích Su-57 là việc nó được chuyên biệt cho nhiệm vụ đánh chặn tầm xa thay vì đa nhiệm như sản phẩm của Sukhoi. Máy bay tiêm kích tương lai của Nga vẫn được phát triển theo tư duy của người tiền nhiệm Mig-31 với khả năng bay với vận tốc siêu âm, radar hàng không lớn và các loại tên lửa không đối không tầm xa đáp ứng khả năng tác chiến ngoài tầm nhìn.

Theo đánh giá của chuyên gia quân sự Nga Anatoly Kvochur, PAK DP với nguyên lý thiết kế khí động học mới và áp dụng vật liệu mới trong chế tạo có thể đạt vận tốc bay tối đa lên tới Mach 4 (gấp 4 lần tốc độ âm thanh). Đây là ngưỡng tốc độ không thể với các máy bay tiêm kích đánh chặn hiện nay. Chính với những yêu cầu cao như vậy, quá trình thiết kế PAK DP gần như phải thực hiện từ con số 0 và không có nhiều sự tương đồng về hình dáng với các dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 phổ biến hiện nay như: Su-57, F-22 hay F-35.

 Hình ảnh phác thảo về máy bay PAK DP. Ảnh: TASS.

Hình ảnh phác thảo về máy bay PAK DP. Ảnh: TASS.

 Tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn R-37 (RVV-BD), vũ khí tầm xa tương lai của Su-57 và PAK DP. Ảnh: RIAN.

Tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn R-37 (RVV-BD), vũ khí tầm xa tương lai của Su-57 và PAK DP. Ảnh: RIAN.

“Về cơ bản, PAK DP được trang bị vũ khí hàng không mới, áp dụng sâu công nghệ tàng hình để đảm bảo có bán kính chiến đấu lớn hơn nhiều lần so với máy bay Mig-31 hiện nay”, Giám đốc điều hành hãng chế tạo MiG, Ilya Tarasenko cho biết.

Với những yêu cầu kỹ thuật cao, nguyên mẫu của máy bay đánh chặn mới sẽ chỉ xuất hiện vào cuối những năm 2020. Thực tế, hãng chế tạo MiG bắt đầu phát triển PAK DP từ năm 2018 và đã thiết lập hàng loạt yêu cầu kỹ-chiến thuật cho dòng máy bay tiêm kích đánh chặn mới.

Giới chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá, bên cạnh phương án phát triển hoàn toàn mới, để loại trừ các rủi ro kỹ thuật, Nga có thể phát triển PAK DP dựa trên cơ sở máy bay Mig-31. Điều này được tiến hành tương tự như gói nâng cấp F-15SE Silent Eagle của Mỹ. Gói nâng cấp này đã biến máy bay F-15 thông thường thành máy bay chiến đấu tàng hình với những thay đổi thiết kế gốc của máy bay. Cụ thể, thiết kế cánh đuôi của F-15SE được đặt nghiêng để giảm phát xạ tín hiệu radar; vũ khí được đặt trong khoang chiến đấu kín và sơn phủ tàng hình. Đây có thể coi là phương án “máy bay tàng hình dành cho nhà nghèo” khi các quốc gia đang sở hữu máy bay F-15 đều có thể cân nhắc nâng cấp lên phiên bản F-15SE với chi phí hợp lý hơn việc mua máy bay thế hệ mới.

Xét về mặt logic, hướng phát triển PAK DP dựa trên nâng cấp Mig-31 phù hợp về chi phí và công nghệ đối với Nga hiện nay. Lĩnh vực máy bay tiêm kích đánh chặn hạng nặng rất hẹp và chỉ phù hợp với những quốc gia có đường biên giới dài. Việc tìm kiếm đối tác cùng phát triển để giảm chi phí là rất khó khăn.

 Phiên bản nâng cấp F-15SE Silent Eagle. Ảnh: Defense News.

Phiên bản nâng cấp F-15SE Silent Eagle. Ảnh: Defense News.

PAK DP liệu có cần thiết?

Chuyên gia Anatoly Kvochur đánh giá, quá trình phát triển PAK DP sẽ tiêu tốn một khoản tài chính rất lớn. Có thể so sánh, việc phát triển máy bay F-22 Raptor tiêu tốn của Mỹ tới 60 tỷ USD, còn máy bay F-35 (riêng phần đóng góp của Mỹ) là hơn 50 tỷ USD. Dù không được công bố, nhưng quá trình phát triển chương trình Su-57 cũng tiêu tốn hàng chục tỷ rúp. Đối với máy bay chiến đấu thế hệ 5+ và tiệm cận thế hệ 6 như PAK DP, con số này sẽ còn cao hơn nhiều.

Chính vì hàng loạt rào cản kỹ thuật cần phải vượt qua trong quá trình phát triển máy bay PAK DP đã khiến giới chuyên gia quân sự phương Tây nghi ngờ về sự khả thi của dự án. Chuyên gia hàng không Justin Bronk thuộc Viện nghiên cứu Quốc phòng Hoàng gia Anh đánh giá, kỹ thuật càng phức tạp, càng cần nhiều thời gian để phát triển và hoàn thiện. Nga cũng mất nhiều năm để hoàn thiện máy bay Su-57 và điều này cũng đang diễn ra với xe tăng thế hệ thứ 4 T-14 Armata. Đối với dự án tham vọng như PAK DP, con số này phải kéo dài hàng thập kỷ với sự đầu tư rất lớn.

 PAK DP có thể là bước phát triển hoàn thiện công nghệ chuẩn bị cho các dòng máy bay chiến đấu tương lai của Nga. Ảnh: RIAN.

PAK DP có thể là bước phát triển hoàn thiện công nghệ chuẩn bị cho các dòng máy bay chiến đấu tương lai của Nga. Ảnh: RIAN.

Như vậy, nhiều khả năng PAK DP có thể là bước phát triển tiếp theo của máy bay thế hệ thứ 5 Su-57 với vai trò là thử nghiệm và hoàn thiện công nghệ trong tương lai. Trong phát triển vũ khí quân sự, ngay khi một sản phẩm hoàn thiện đưa vào trang bị (máy bay Su-57), thì quá trình phát triển sản phẩm thế hệ kế tiếp phải được khởi động và điều này có thể đúng với PAK DP.

Trong khi Mỹ và phương Tây bắt đầu khởi động các chương trình máy bay chiến đấu tương lai như F/A-XX và New Generation Fighter, Nga cũng cần một chương trình phát triển vũ khí mới tương ứng. Nó có thể chưa đóng vai trò quan trọng ở thời điểm hiện tại, nhưng mọi việc có thể thay đổi trong vài thập niên tới với sự phát triển của khoa học, công nghệ.

Chuyên gia Anatoly Kvochur nhận định, PAK DP nhiều khả năng sẽ vượt xa người tiền nhiệm Mig-31 và có nhiều điểm giống với máy bay Su-57 hơn. Nó là sự kết hợp giữa công nghệ tàng hình, khả năng đạt tốc độ bay siêu vượt âm và vũ khí tấn công tầm siêu xa (trên 300km) để đáp ứng khả năng tác chiến đa nhiệm... Tuy nhiên, câu trả lời chính xác nhất cho vấn đề này sẽ được trả lời khi nguyên mẫu của PAK DP được giới thiệu chính thức.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/pak-dp-tho-san-cao-tuong-lai-cua-khong-quan-nga-642744