Pacific Airlines dừng bay, giá cổ phiếu công ty mẹ vẫn tăng

Vietnam Airlines là công ty mẹ với việc sở hữu 99% cổ phần của Pacific Airlines. Hiện Pacific Airlines đã chính thức ngưng khai thác đội bay sau nhiều năm lỗ liên tiếp. Vietnam Airlines nhiều năm qua cũng lỗ và hiện cổ phiếu của Vietnam Airlines thuộc diện hạn chế giao dịch.

Ảnh minh họa: Minh Anh

Công ty mẹ và công ty con cùng lỗ "chồng" lỗ

Từ ngày 18/3, hãng hàng không Pacific Airlines đã chính thức tạm ngưng khai thác đội bay của hãng. Trước đó, từ 15/3, nhiều khách hàng liên hệ đặt vé máy bay cho các chuyến bay mùa hè năm nay đã không còn thấy chuyến bay của hãng hàng không này nữa. Tại các trang web bán vé trực tiếp cũng không còn thông tin của Pacific Airlines.

Nguyên nhân bởi hãng này hoàn tất việc thanh toán và trả nợ cho chủ tàu bay. Áp lực các khoản nợ từ giai đoạn trước, thậm chí càng căng thẳng hơn trong thời điểm dịch bệnh khiến doanh thu không đủ bù chi.

Với khoản nợ quá lớn, đe dọa khả năng thanh toán nên Vietnam Airlines cùng các cổ đông đã quyết định trả hết toàn bộ đội tàu bay của Pacific Airlines để xóa nợ.

Pacific Airlines ra đời nào năm 1991, là hãng hàng không giá rẻ đầu tiên tại Việt Nam.

Năm 2007, Qantas Group của Úc đầu tư vào Pacific Airlines với tên mới là Jestar. Dù vậy, tình hình kinh doanh vẫn liên tiếp lỗ. Tháng 10/2020, Qantas Group rút khỏi hãng hàng không này và chuyển giao 30% cổ phần cho Vietnam Airlines.

Đến quý 1/2022, thương vụ này đã hoàn tất, Vietnam Airlines nắm giữ gần 99% cổ phần tại Pacific Airlines từ đó đến nay.

Pacific Airlines cho biết, đây là biện pháp ngắn hạn, tái cơ cấu toàn diện để gia tăng hiệu quả, tối ưu chi phí, còn thông tin hãng phá sản chưa có căn cứ. Hãng vẫn đang nỗ lực tái cơ cấu, tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng và sẽ cất cánh trở lại sớm nhất.

Báo cáo thường niên của Vietnam Airlines cho thấy, năm 2022 Pacific Airlines ghi nhận tổng doanh thu gần 3.487 tỷ đồng, lỗ trước thuế 2.096 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2009 - 2021, Pacific chỉ lãi được 3 năm, còn lại 9 năm thua lỗ. Ba năm gần nhất từ 2020 đến nay, năm nào hãng cũng lỗ hơn 2.000 tỷ đồng. Ước tính đến cuối 2022, vốn chủ sở hữu của Pacific Airlines là âm 6.700 tỷ đồng.

Cùng lúc tình hình kinh doanh không mấy khả quan tại Pacific Airlines, công ty mẹ - Vietnam Airlines (HVN, HOSE) cũng ghi nhận nhiều năm liên tiếp lỗ với vốn chủ sở hữu âm.

Trong quý 4/2023, doanh thu thuần tại HVN đạt 23.831 tỷ đồng, tăng 23,5%. Lũy kế cả năm 2023, Vietnam Airlines đạt doanh thu thuần là 91.459 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận có cải thiện so với năm ngoái, doanh thu tăng mạnh vào quý cuối năm nhưng vẫn không đủ để hãng hàng không quốc gia thoát lỗ tại âm 2.065 tỷ đồng. Cả năm 2023, HVN lỗ 5.517 tỷ đồng, đánh dấu 4 năm liên tiếp lỗ của hãng hàng không này.

Quan sát báo cáo tài chính, nguyên nhân có lẽ đến từ loạt chi phí tăng mạnh, cụ thể: chi phí bán hàng tăng 36,7%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 18,4%. Đặc biệt, chi phí khác tăng vọt từ 37.881 tỷ đồng lên 93.875 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Diễn biến doanh thu và lợi nhuận tại Vietnam Airlines những năm qua

Nguồn: Tổng hợp BCTC

Theo doanh nghiệp lý giải, trong năm 2023, thị trường vận chuyển quốc tế chưa có sự hồi phục hoàn toàn, hoạt động vận tải hành khách trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn do suy giảm nhu cầu, tình trạng thừa tải và cạnh tranh cao. Ngoài ra, thị trường hàng không gặp nhiều yếu tố tiêu cực như giá nhiên liệu tăng cao, xung đột địa chính trị và các rủi ro tỷ giá.

Ngoài ra, tình hình tài chính của hãng hàng không quốc gia cũng trong tình trạng đáng báo động. Năm 2023, Vietnam Airlines tiếp tục "gánh" những khoản nợ lớn, tại 74.562 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với thời điểm đầu năm 2023, trong đó, chủ yếu là nợ ngắn hạn, chiếm tới 81,3%.

Vốn chủ sở hữu duy trì ở ngưỡng âm liên tục tại âm 16.945 tỷ đồng. Tổng tài sản HVN là 57.617 tỷ đồng.

Liên tục thua lỗ, cổ phiếu HVN vẫn trụ lại được sàn HOSE

Tình hình kinh doanh liên tục "đi lùi", lỗ ròng 4 năm liên tiếp, vốn chủ sở hữu ở mức âm. Điều này khiến cổ phiếu HVN vi phạm các quy định của HOSE và đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết tại sàn.

Song, HVN vẫn sẽ được ở lại sàn nếu dự thảo sửa đổi và bổ sung Luật Chứng khoán được thông qua và Chính phủ muốn HVN ở lại sàn.

Theo đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 155/2020/NĐ-CP một số điều của Luật Chứng khoán, khoản mục hủy niêm yết bắt buộc đã được bổ sung điều Khoản 7, quy định "Trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết do Chính phủ xem xét, quyết định".

Điều này được xem là "phao cứu sinh" của HVN để được duy trì niêm yết tại sàn HOSE.

Diễn biến cổ phiếu HVN từ năm 2023 đến nay (Nguồn: SSI iBoard)

Trước đó, cổ phiếu HVN bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 25/4/2023, đến ngày 12/5/2023 tiếp tục chuyển sang diện kiểm soát do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá thời hạn quy định.

Ngày 12/7/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) quyết định đưa HVN từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch, chỉ được giao dịch trong phiên chiều.

Cuối năm 2023, HOSE đã đưa HVN ra khỏi diện cảnh báo do doanh nghiệp đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 vào 16/12/2023, khắc phục được nguyên nhân dẫn đến cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo.

Kết thúc phiên hôm nay (19/3), sau khi thông tin Pacific Airlines tạm ngưng hoạt động, cổ phiếu HVN vẫn tăng nhẹ 1,14%, đạt thị giá 13.350 đồng/cp. Mức cao nhất lịch sử của HVN từng đạt vào năm 2018, gần 42.000 đồng/cp.

Minh Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/pacific-airlines-dung-bay-co-phieu-cua-vietnam-airlines-tang-nhe-20240319194938005.htm