Ôtô Thái lắp ráp rộng đường đổ bộ: Người Việt hài lòng

Người tiêu dùng Việt rất chuộng ô tô Thái Lan, tương lai hàng Thái Lan ngập tràn thị trường Việt là rất lớn.

Cùng với những thương vụ sát nhập lĩnh vực bán lẻ có giá trị giao dịch cao nhất của nhà đầu tư Thái Lan, thị trường ô tô Việt Nam đón "cuộc đổ bộ" của các dòng xe Thái Lan lắp ráp một cách ồ ạt.

Điều đáng nói là người tiêu dùng hoàn toàn cảm thấy hài lòng về "cuộc tấn công" này.

Anh Hoàng Linh (Láng Hạ, Đống Đa, HN) cho Đất Việt biết, anh có dự định mua xe ô tô nhưng chỉ quan tâm tới các xe được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan.

Giải thích về lựa chọn này, anh nói: "Nhiều người đã từng đi và đánh giá chung, xe được Thái Lan lắp ráp có độ bền tương đối ổn, giá thành rẻ hơn xe nhập từ Đức, các nước châu Âu hay Nhật Bản lại không quá 'mỏng manh dễ vỡ" như hàng sản xuất tại Việt Nam. Các option (lựa chọn - PV) của xe cũng vừa phải. Nếu đã có tiền mua ô tô thì thà rằng, chọn mua một chiếc đời cũ nhưng hàng chuẩn Thái Lan vẫn hơn".

Người Việt chuộng ô tô lắp ráp Thái Lan.

Cùng chung lựa chọn này, anh Nguyễn Hiếu (Trường Chinh, Đống Đa, HN) cho hay, xe Thái Lan đã trở thành một thương hiệu "ăn chắc mặc bền" ở Việt Nam.

"Nếu một người khi được hỏi tư vấn xem mua xe gì thì tùy giá tiền, mình đều muốn hướng họ chọn tới xe Thái Lan. Vòng đi vòng lại lựa chọn vẫn là xe nhập khẩu từ Thái Lan. Họ bắt được tâm lý người tiêu dùng mình nên từ lâu đã có tiếng ở Việt Nam rồi. Các hệ thống sửa chữa, linh kiện máy móc của họ cũng ngập đường Việt Nam. Khi mua xe cũng dễ sửa chữa"- anh nói.

Theo đánh giá của chị Thùy (nhân viên tại Toyota Mỹ Đình), khách hàng Việt mua xe ô tô luôn yêu thích xe nhập khẩu chứ không tin tưởng vào hàng trong nước.

"Người tiêu dùng không hoàn toàn tin tưởng vào nhà sản xuất ô tô Việt Nam. Khách hàng có tâm lý sợ ô tô Việt lắp ráp nhập linh kiện, thiết bị từ Trung Quốc để giảm chi phí thay vì nhập khẩu máy móc và linh kiện chính hãng từ nhà sản xuất. Khả năng chống ồn ở xe Thái Lan cũng khá hơn xe lắp ráp ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, một phần cũng là tâm lý khi mua hàng của người tiêu dùng: thích dùng xe ngoại, mua rẻ nhưng hàng xịn. Nếu là người mua xe ô tô, họ có xu hướng chọn xe Nhật, Hàn, Thái Lan hơn xe Việt Nam, còn chọn xe nhập Thái là bởi giá cả hợp lý hơn, đồ cũng phổ biến và dễ sửa chữa hơn" - chị Thùy nói.

Có thể thấy, không những hàng tiêu dùng mà máy móc, thiết bị điện tử và ô tô từ Thái Lan từ lâu đã tạo thành thương hiệu mà mỗi gia đình người Việt mong muốn được sở hữu.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2016, tổng lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu đạt 82.743 chiếc, với kim ngạch xấp xỉ 1,8 tỷ USD. Trong đó, có tới 26.790 chiếc được nhập từ Thái Lan, với kim ngạch 499,6 triệu USD. Như vậy, cứ 3 xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu thì có 1 chiếc xe đến từ Thái Lan.

Trong khi đó, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN cho phép thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN đã giảm từ 50% về 40%, năm 2017 giảm về 30% và đến năm 2018 về 0%. Với thực tế này, các quốc gia có ngành công nghiệp ô tô phát triển như Thái Lan, Indonesia đang trực tiếp được hưởng lợi nhờ thuế nhập khẩu bắt đầu giảm. Nhiều dự báo cho rằng, xe Thái Lan sẽ ồ ạt tràn vào Việt Nam khi thuế nhập khẩu về 0% vào năm 2018, áp dụng chung cho khu vực ASEAN.

Với thực tế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc và linh kiện từ Thái Lan đang tăng nhanh chóng kể từ năm 2014 trở lại đây, cơ hội biếu không thị trường nội địa béo bở, đầy tiềm năng, cũng như tạo công ăn việc làm cho người lao động trong ngành ô tô của nước nhà cho nước láng giềng ngày càng rõ hơn.

Xe ô tô Việt Nam lắp ráp không được người tiêu dùng tin tưởng.

Cùng xuất phát điểm về kinh tế song Thái Lan đi trước phát triển công nghiệp ôtô từ năm 1960 với khẩu hiệu trở thành Detroit của châu Á. Detroit là thủ phủ công nghiệp ôtô của Mỹ. Bắt đầu từ sửa chữa, lắp ráp đến nội địa hóa, người Thái không có thương hiệu xe ô tô nào của riêng mình song đến nay ngành ô tô đã góp 12% vào GDP cả nước, tạo ra 1 triệu việc làm.

Các thương hiệu xe lớn bậc nhất thế giới như Toyota, Honda, Mitsubishi, Ford…đều có nhà máy đặt tại đây và xuất khẩu đi khắp thế giới.

Chưa kể, các doanh nghiệp, tỷ phú Thái đang dồn đầu tư vào công ty sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam để tận dụng thị phần sẵn có. Ví dụ, Công ty Chairatchakarn (Bangkok) đang sở hữu khoảng 24,56% cổ phần của Công ty cổ phần Kỹ thuật và ô tô Trường Long. Doanh nghiệp này chủ yếu sản xuất và lắp ráp nhiều loại xe tải, xe Hino với doanh thu hơn 1.700 tỷ năm 2015.

Bên cạnh thành công của xe ô tô Thái Lan nhập khẩu, chị Thùy (Toyota Mỹ Đình) nhắc tới "giấc mơ ô tô Việt Nam" khó thành hiện thực.

"Thái Lan cũng chưa có một chiếc xe nào của riêng họ sản xuất nhưng họ đã lắp ráp thành công. Việt Nam cho tới nay chưa có được một phần thành công đó", chị Thùy nhận xét.

Quế Chi

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/oto-thai-lap-rap-rong-duong-do-bo-nguoi-viet-hai-long-3323519/