Trầm cảm - nguyên nhân của những cái chết đau lòng

Tìm đến cái chết là hậu quả khủng khiếp của chứng bệnh trầm cảm. Chỉ trong hơn nửa tháng trở lại đây đã có tới 2 vụ việc đau lòng liên quan đến trầm cảm mà tự sát.

Ngày 9/11, nhiều người dân sinh sống tại chung cư Hoàng Anh Thanh Bình (Quận 7, TPHCM) không khỏi hoảng hốt khi phát hiện một phụ nữ tử vong, đầu lìa khỏi cơ thể. Cơ quan công an xác định người phụ nữ này 33 tuổi, có tiền sử bệnh trầm cảm.

Làm việc với cơ quan công an, chị N.T.T. (em ruột nạn nhân, cùng sống chung với nạn nhân ở chung cư Hoàng Anh Thanh Bình) cho biết chị gái mình mắc bệnh trầm cảm từ năm 2013 đến nay. Nạn nhân đã đi khám và điều trị tại nhiều bệnh viện tâm thần, gần đây có nhiều biểu hiện bệnh tâm thần nặng hơn và đã có ý định tự tử. Cũng theo Công an TP.HCM, vào ngày 7/11, nạn nhân có biểu hiện bất bình thường, chị N.T.T. đã thông báo cho chị L. (chị ruột) để đến hỗ trợ chăm sóc.

Chưa đầy 1 tuần sau đó, tại chung cư Sunview Town (Quận Thủ Đức, TP.HCM), 1 nữ luật sư rơi từ tầng 18 xuống đất, tử vong tại chỗ. Cơ quan điều tra phát hiện trên bàn làm việc của người này có nhiều giấy tờ cùng sổ khám bệnh, thuốc men ở bệnh viện tâm thần.

Theo các chuyên gia điều trị tâm thần, trầm cảm là một rối loạn khí sắc thường hay gặp trong các rối loạn về tâm thần. Nó là một tình trạng buồn bã, chán nản, giảm hứng thú quá mức và thường kéo dài, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động trong cuộc sống như gia đình, học tập, công việc.

Đã là con người, ai cũng đều thấy buồn vào một lúc nào đó trong cuộc đời mình. Thực tế, con người cảm thấy buồn bã hay chán nản là điều hoàn toàn bình thường, đặc biệt là vào những thời điểm khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, những ai không thể thoát ra khỏi những cảm xúc này trong khoảng thời gian 2 tuần hoặc hơn thế thì có thể bị trầm cảm.

Trầm cảm ngày nay là một vấn đề sức khỏe tâm thần của thời đại.

Chuyên gia tâm lý học Hồng Thái cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, từ nội sinh cho đến các tác động từ phía bên ngoài, phổ biến là về trầm cảm sau sinh (đối với phụ nữ), sau biến cố, cú sốc lớn vì áp lực của cuộc sống. Những người ở thành thị với gánh nặng về kinh tế, gia đình, môi trường sống tiêu cực thì nguy cơ càng cao bị trầm cảm.

“Họ mắc bệnh trầm cảm sau những thất bại về công việc kinh doanh, áp lực học hành, thi cử hay có những cú sốc lớn trong cuộc đời. Thường những bệnh nhân trầm cảm lại không hề biết mình mắc bệnh, càng gây nguy hại đến sức khỏe hay tính mạng con người nếu họ đang muốn tìm đến cái chết.”

“Các bệnh nhân khi mắc bệnh trầm cảm cần được phát hiện kịp thời, và đặc biệt là phải có sự quan tâm, chăm sóc từ gia đình, người thân hay những người xung quanh để tránh khỏi những rủi ro không đáng có do căn bệnh này gây ra.”

Cũng theo các chuyên gia điều trị tâm thần, trầm cảm là 1 trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc tự sát của con người. Nhưng đây là rối loạn tâm thần có thể điều trị được nếu điều trị một cách đúng quy trình, được phát hiện để điều trị sớm, điều trị đúng phác đồ và trong 1 thời gian nhất định.

Theo các chuyên gia sức khỏe tâm thần, trầm cảm ngày nay là một vấn đề sức khỏe tâm thần của thời đại. Số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy cứ 40 giây có 1 người tự tử, hơn 2.000 ca mỗi ngày, hay 804.000 người tự tử mỗi năm. Cũng theo dự báo của tổ chức này, trầm cảm sẽ là căn bệnh đứng thứ 2 trong số những căn bệnh phổ biến nhất trên toàn cầu đến năm 2021 .

Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 6 triệu người mắc căn bệnh này (với nhiều lý do mắc bệnh khác nhau), chiếm khoảng 4% dân số. Nếu không có những biện pháp ngăn chặn những nguyên nhân gốc rễ dẫn đến căn bệnh này thì chắc chắn tỉ lệ người bị bệnh ở Việt Nam sẽ không dừng lại ở con số đó.

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/tram-cam-nguyen-nhan-cua-nhung-cai-chet-dau-long-175096.html