Opera tái hiện mối lương duyên Việt - Nhật

Vở opera 'Công nữ Anio' sẽ được công diễn đến khán giả Việt Nam từ 22 – 24/9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Các suất diễn vở opera 'Công nữ Anio' tại Hà Nội được bán vé thành công. Ảnh: BTC.

Vở opera “Công nữ Anio” sẽ được công diễn đến khán giả Việt Nam từ 22 – 24/9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Vở diễn tái hiện mối lương duyên diễm lệ cách đây 400 năm của thương nhân Nhật Bản cùng người con gái Việt Nam…

Kính trọng – giao hòa

“Công nữ Anio” là vở opera được viết nên từ mối tình giữa nàng Ngọc Hoa xứ Đàng Trong (con gái nuôi chúa Nguyễn Phúc Nguyên) và thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro, vào khoảng cuối thế kỷ 16 - đầu thế kỷ 17. Câu chuyện này vẫn được lưu truyền ở cả hai nước.

Nếu ở Nhật Bản có lễ hội “Nagasaki Kunchi” (Nagasaki) tái hiện rước kiệu đón Công nữ Anio (Ngọc Hoa) trong phân cảnh “châu Ấn thuyền” thì Hội An (Việt Nam) có đường phố mang tên Công nữ Ngọc Hoa.

Từ chi tiết trong lịch sử và qua ngôn ngữ opera, ê-kíp sáng tạo đã tái hiện buổi đầu gặp gỡ của hai người con Nhật – Việt đầy tình cờ mà thi vị. Đó là mối duyên giữa biển khơi mênh mông khi thương gia Araki Sotaro từ Nagasaki (Nhật Bản) vừa vượt qua sự cuồng nộ của cơn bão để hướng thuyền vượt biển đến Quảng Nam (Việt Nam) thì phát hiện và cứu được nhóm thiếu niên trên một con thuyền gặp nạn, trong đó có Công nữ Ngọc Hoa.

Sau những sợ hãi, Ngọc Hoa đã nhớ được tên của Sotaro. Để tỏ lòng biết ơn, nàng nhờ ân nhân dạy cho mình từ “ARIGATO” (Cảm ơn) và đó cũng là chìa khóa của nhân duyên sau 10 năm gặp lại để họ kết mối lương duyên.

Tất nhiên, để đi đến bến bờ hạnh phúc, thương gia Sotaro và Công nữ Ngọc Hoa còn gặp biết bao sóng gió như từ phía gia đình (chúa Nguyễn không đồng ý) cho đến bối cảnh chính trị xã hội lúc bấy giờ (thực hiện lệnh bế quan tỏa cảng)…

Những nút thắt ấy được đạo diễn đặc biệt khai thác để tăng thêm tính gay cấn qua đó thể hiện nhiều thông điệp giá trị không chỉ của hôm xưa mà dành cho cả hôm nay.

Chẳng hạn, trước sự lo lắng không muốn gả con gái lấy chồng xa của chúa Nguyễn, Công nữ Ngọc Hoa đã dám bày tỏ nỗi lòng để được ở mãi bên người mình yêu.

Nhất là lời của chính phi nói với nàng trong lễ yến tiệc hôn lễ: “Dù rằng, con đi đến bất kỳ đâu đi nữa, con hãy nghe theo con tim của mình, hãy tận hưởng một cuộc sống đích thực và cuộc đời tuyệt đẹp con nhé!” - thật ấm áp và là điểm tựa cho những trái tim thơ trẻ tựa vào và tung cánh bay cao, bay xa…

Gương soi kiểu phương Tây của Công nữ Ngọc Hoa lưu tại Bảo tàng Lịch sử văn hóa Nagasaki. Ảnh: BTC.

Hoặc như, gặp lúc bị bế quan tỏa cảng, họ rơi vào những cảm xúc buồn đau khi không thể thực hiện việc giao thương giữa hai nước và công nữ khó có dịp trở về thăm mẹ cha, quê hương.

Vậy nhưng, vượt lên trên tất cả là trái tim mang nặng tình yêu biển cả, lứa đôi của những người con Việt – Nhật với nhịp đập đầy kính trọng - giao hòa để cùng vượt qua và vươn tới tương lai…

Cùng với đó, vở diễn còn khắc họa nổi bật hình ảnh nàng Công nữ Ngọc Hoa khi về làm dâu xứ người, luôn được người dân Nagasaki yêu mến, quý trọng và gọi là Công nữ Anio.

Nàng chính là nhịp cầu quan trọng nối và giữ sự bền vững trong việc giao thương giữa vùng đất này với quê hương mình. Cùng với đó, nàng không chỉ là người vợ, người mẹ đảm đang vun vén việc gia đình, mà còn tích cực lan tỏa những nét đẹp văn hóa của người Việt đến với người dân nơi đây.

Trong vở opera có lớp diễn Công nữ Anio hát khúc aria “Đàn bầu” khi được người dân Nagasaki thỉnh cầu. Khúc hát này thấm đượm tiếng lòng của người con xa xứ hòa cùng những thanh âm bổng trầm, da diết: “Ngày nao, bến sông xưa hoàng hôn, khói lam bay từ trong thôn, tiếng ai hò khoan. Nhành mai, cánh mong manh vàng bay, bến sông gió nhẹ lay lay, gió mang câu đàn. Tịch tang, đàn tấu lên tịch tang, đàn cất nỗi lòng đa đoan, nhìn hoa trôi sao càng nhớ…”.

Không chỉ thế, nàng còn nhờ những người dân nơi đây dạy cho mình bài hát ru của Nhật Bản để hát ru đứa con gái bé bỏng Yasu, là kết tinh của tình yêu xuyên biên giới.

Cứ thế, qua những bản aria, tứ ca, song tấu, đại hợp xướng như: “Khúc hát ru của người Nhật Bản”, “Phép màu”, “Chúc mừng”, “Cuộc gặp gỡ”, “Hồi ức Công nữ Anio”, “Nỗi tuyệt vọng”, “Xung đột”, “ARIGATO”… văn hóa Việt – Nhật quyện hòa làm nên một bức tranh tuyệt đẹp vừa mang màu sắc lãng mạn của tình yêu đôi lứa vừa là minh chứng cho lịch sử giao lưu và hữu nghị giữa hai quốc gia được xây dựng từ thời xa xưa.

Niềm vinh hạnh đặc biệt

“Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn khi may mắn có được cơ hội tham gia sản xuất vở opera mang mô típ từ sự kiện lịch sử tuyệt vời đã có từ 400 năm trước và được hai quốc gia Nhật – Việt cùng hợp tác sản xuất nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao 2 nước.

Vì vậy, cùng với các thành viên khác trong dự án, chúng tôi sẽ nỗ lực để tạo nên một tác phẩm được lưu truyền trong tương lai, suốt 50 năm hay 100 năm về sau.

Hy vọng vở opera này sẽ đóng góp vào sự phát triển của nền âm nhạc hai quốc gia và thúc đẩy tình hữu nghị song phương. Tôi mong rằng dự án sẽ được nhiều người biết đến và nhận được sự đón nhận nồng nhiệt” - Nhạc trưởng Honna Tetsuji, Giám đốc Âm nhạc kiêm Chỉ huy chính của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Tổng Đạo diễn vở opera “Công nữ Anio”

Vở opera “Công nữ Anio” được Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam phối hợp với Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP Hồ Chí Minh lên kế hoạch sản xuất và thực hiện trong suốt 3 năm qua, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản.

Vở diễn này không chỉ được tổ chức biểu diễn ở Hà Nội, mà còn công diễn tại Hưng Yên (27/9) và đầu tháng 11 công diễn tại Nhật Bản. Bởi vậy, với mỗi nghệ sĩ khi được tham gia vào quá trình sáng tạo này là niềm vinh dự đặc biệt. Nhạc sĩ Honna Tetsuji, Giám đốc Âm nhạc kiêm Chỉ huy chính của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Tổng Đạo diễn, cho biết, trong quá trình xây dựng vở opera này, ê-kíp đều mong muốn tạo nên “một tác phẩm danh tiếng lưu truyền về sau”.

Để có thể đi đến mục tiêu đó, theo ông Tetsuji, đội ngũ sản xuất đã đặt nhiều tâm huyết vào việc nghiên cứu, tìm hiểu kỹ các chứng cứ và coi trọng sự thật lịch sử. “Chúng tôi đã liên hệ, nhờ đến sự hiểu biết của các chuyên gia cố vấn lịch sử từ hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản, hướng đến việc xây dựng nội dung câu chuyện một cách chính xác và chân thực nhất”, Tổng Đạo diễn Honna Tetsuji chia sẻ.

Với tác giả âm nhạc Trần Mạnh Hùng thì thật tình cờ khi ở tuổi 50 ông được viết nhạc cho sự kiện 50 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao Việt – Nhật. Theo ông Hùng, đây là niềm vinh dự vì “bất cứ nhà soạn nhạc nào cũng mơ ước có thể chinh phục được thể loại opera”.

Còn đạo diễn, tác giả kịch bản và soạn lời Nhật Oyama Daisuke thì mong “vở opera “Công nữ Anio” sẽ giúp khán giả có thể cảm nhận được rằng: Cho dù thời đại có thay đổi hay dù ở đâu đi chăng nữa thì con người vẫn luôn lạc quan, sống với trái tim cuồng nhiệt”…

Theo Ban tổ chức, tham gia biểu diễn vở opera “Công nữ Anio” có các nghệ sĩ Việt Nam và Nhật Bản như: Đào Tố Loan và Bùi Thị Trang (Công nữ Anio), Kobori Yusuke và Yamamoto Kohei (Araki Sotaro), Phạm Khánh Ngọc (thầy bói), Đào Mác (chúa Nguyễn), Nguyễn Thu Quỳnh (chính phi), Nguyễn Huy Đức (quan khám lý), Goto Kazumavà Saiki Kenji (Nagasaki Bugyo), Kawakoshi Miharu (Yasu), Nguyễn Trường Linh (thông dịch), Nguyễn Anh Vũ (cai cơ)...

Là một trong hai nghệ sĩ hóa thân thành Công nữ Anio, nghệ sĩ Đào Tố Loan không giấu được niềm vinh dự, hạnh phúc đồng thời bày tỏ sự khâm phục về khả năng hát tiếng Việt của các nghệ sĩ Nhật Bản. Theo chị, sự kết hợp biểu diễn của nghệ sĩ hai nước không hề bị chênh, phô mà luôn “hòa quyện, kết nối”.

Còn với nghệ sĩ Kobori Yusuke, người đảm nhiệm vai Araki Sotato thì chia sẻ về sự khó khăn ban đầu khi học nói tiếng Việt nhưng giờ anh đã chinh phục được phần nào và khám phá nhiều điểm thú vị của ngôn ngữ này. Bằng sự luyện tập tích cực, chăm chỉ, cả hai nghệ sĩ cùng hứa hẹn sẽ cùng với bạn diễn mang đến cho khán giả “những buổi biểu diễn đầy cảm xúc” và “chất lượng nghệ thuật cao”.

TP Hội An tổ chức lễ kỷ niệm 400 năm đám cưới của Công nữ Ngọc Hoa và thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro.

Thuyền châu Ấn được tái hiện tại Lễ hội Nagasaki Kunchi ở Nhật Bản. Ảnh: Tỉnh Nagasaki.

Gửi lời chúc mừng và niềm tin vào thành công khi dự án được công diễn, các cố vấn danh dự bày tỏ niềm hy vọng vở opera này sẽ trở thành một dấu ấn kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam, “giúp chúng ta hồi tưởng về quá khứ của Nhật Bản và Việt Nam, thắt chặt hơn nữa sự gắn kết của nhân dân hai nước trong tương lai”, ông Yamada Takio - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam nói.

Dẫn dắt yếu tố lịch sử của câu chuyện được kể trong vở opera, ông Phạm Quang Hiệu - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Nhật Bản, bày tỏ sự tin tưởng: “Với nội dung cốt truyện có ý nghĩa lịch sử sâu sắc, thông qua chất liệu âm nhạc hiện đại, hàn lâm; sự chuẩn bị chu đáo, chuyên nghiệp của Ban tổ chức, vở diễn opera “Công nữ Anio” sẽ là một tác phẩm nghệ thuật ghi dấu ấn mạnh mẽ trong đời sống âm nhạc hai nước.

Được chọn để công diễn vào năm nay, vở diễn sẽ là sự kiện văn hóa đối ngoại đặc biệt có ý nghĩa cộng hưởng, lưu truyền trong tương lai; là minh chứng sinh động cho tình hữu nghị, giao lưu nhân dân bền chặt giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản, vượt xa cột mốc 50 năm...”.

“Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam vinh dự và tự hào là một trong những thành viên tham gia vào việc xây dựng và biểu diễn vở opera mang dấu ấn lịch sử lâu đời về mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đã bắt nguồn từ hơn 400 năm trước. Chính vì vậy, chúng tôi đã, đang và sẽ nỗ lực hết sức để góp phần tạo nên một vở opera đặc sắc, sẽ góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa, nghệ thuật và là hoạt động có ý nghĩa trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập ngoại giao giữa hai nước” - NSƯT Trịnh Tùng Linh, Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam

Bình Thanh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/opera-tai-hien-moi-luong-duyen-viet-nhat-post654297.html