OPEC ở trong thế 'gọng kìm'?

Sản lượng dầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hiện đã chạm mức cao nhất trong bảy tháng qua, khi mà từng “bước đi” của giá dầu đều được thị trường và giới phân tích theo sát.

OPEC có những ràng buộc riêng của mình, và cam kết sản lượng của tổ chức này cũng là điều tối cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Các xu hướng “cản đường” OPEC

Mặc dù có quan điểm lâu dài về dầu mỏ, song dường như các nhà sản xuất dầu lớn của OPEC vẫn đang phải “tranh đấu” với các xu hướng ngắn hạn.

Theo chuyên gia về OPEC Wael Mahdi thuộc trang tin Arab News, một trong các thách thức trước mắt đối với OPEC là khả năng sản xuất dầu nhẹ từ đá phiến ở Bắc Mỹ. Thách thức này sẽ vẫn hiện hữu với OPEC ít nhất là cho đến năm 2020, vì các nguồn tài nguyên khai thác từ đá phiến, hiện đã được phát hiện, có nguy cơ cạn kiệt.

Tuy nhiên, như Sadad Al-Husseini, cựu Giám đốc điều hành cấp cao Tập đoàn Saudi Aramco, đã từng nói: “Công nghệ có thể cải thiện khả năng phát hiện tài nguyên và sản xuất nhưng không thể cải thiện địa chất”. Vì vậy, dù cho Chính quyền Mỹ ủng hộ sự phát triển dầu từ đá phiến nhiều đến mức nào đi chăng nữa thì địa chất cũng sẽ cản trở tham vọng này và dầu từ đá phiến chưa hẳn là thách thức lâu dài đối với OPEC.

OPEC cho biết thị trường thế giới sẽ cần 32,42 triệu thùng dầu/ngày từ các nước OPEC trong năm tới

Mặc dù vậy, nhiều nhà phân tích và nhà đầu tư trong ngành dầu đá phiến vẫn tin rằng sản lượng của loại dầu này sẽ đạt đỉnh vào năm 2020. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết trong báo cáo Triển vọng Năng lượng năm 2017 rằng sản lượng dầu thô của Mỹ có thể chững lại vào khoảng 10-11 triệu thùng/ngày và vào năm 2025 các giàn khoan dầu sẽ đi vào các vùng đất sét, khiến năng suất của giếng dầu giảm.

Thử thách thứ hai đối với tổ chức này chính là ô tô điện. Có một số thông báo đáng lo ngại trong những tuần gần đây về tương lai của nhiên liệu lỏng sau khi nước Anh và nước Pháp bày tỏ ý định cấm bán ô tô chạy bằng dầu diesel và xăng bắt đầu từ năm 2040 để thúc đẩy sự phát triển của ô tô điện. Có nhiều tranh luận về ô tô điện và một số nhà phân tích cho rằng việc sản xuất hàng loạt ô tô điện còn phải đối mặt với nhiều thách thức vì vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến việc sản xuất và hiệu quả của pin.

Một số nhà bình luận, như nhà nghiên cứu và nhà phân tích dầu mỏ Anas Al-Hajji, thậm chí còn cho rằng những chiếc ô tô này có thể không thực sự thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, thách thức từ ô tô điện sẽ không hiện hữu ngay lập tức. Phát triển ô tô điện là một quá trình lâu dài và thậm chí sau đó, nhu cầu về nhiên liệu lỏng sẽ vẫn tiếp tục tăng lên.

Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), năm 2016, doanh số bán ô tô điện đạt mức kỷ lục 2 triệu chiếc, nhưng vẫn chỉ chiếm khoảng 0,2% tổng số ô tô toàn cầu. Trong một báo cáo đặc biệt về ô tô điện, IEA cho biết con số này có thể lên đến 40-70 triệu chiếc trong thời gian tới.

/**/

Về phần mình, Bloomberg New Energy Finance (BNEF) cho rằng việc áp dụng các loại phương tiện không tạo ra khí phát thải sẽ diễn ra nhanh hơn dự đoán trước đó bởi chi phí phát triển ô tô đang giảm quá nhanh. Sự thay đổi quan trọng này sẽ giúp ô tô điện chiếm 1/3 tổng số ô tô toàn cầu vào năm 2040 và giảm tiêu thụ khoảng 8 triệu thùng dầu/ngày, hiện tại Saudi Arabia xuất khẩu khoảng 7 triệu thùng dầu/ngày.

Bất chấp sự thổi phồng hiện nay về ô tô điện, IEA cho rằng tương lai của dầu mỏ vẫn rất tốt. Tại Istanbul hồi tháng Bảy vừa qua, Giám đốc điều hành IEA, ông Fatih Birol, nhận định: "Một số người nghĩ rằng sự tham gia của ô tô điện sẽ đặt dấu chấm hết cho ngành khai thác dầu mỏ. Chúng tôi không đồng ý với điều này. Chúng tôi tin rằng nhu cầu dầu sẽ tiếp tục tăng. Điều đó sẽ phát triển chậm hơn một chút so với trước đây nhưng sẽ vẫn tiếp tục phát triển".

Câu hỏi bây giờ là liệu OPEC có nhận thức được tất cả những vấn đề phát sinh từ ô tô điện hay không và câu trả lời là có. OPEC dường như không coi ô tô điện là mối đe dọa trừ phi có một bước đột phá về công nghệ có thể đẩy nhu cầu ô tô điện lên cao hơn.

OPEC có đang “cản bước” thị trường?

Sản lượng dầu thô của các nước thành viên OPEC tăng trong tháng 7/2017, trong đó có Saudi Arabia, quốc gia đi đầu trong các nỗ lực kêu gọi các nước trong và ngoài OPEC “đóng băng” sản lượng khai thác để ngăn chặn tình trạng "vàng đen" rớt giá.

Theo báo cáo hàng tháng của OPEC công bố ngày 10/8, sản lượng của 14 quốc gia thành viên OPEC trong tháng 7/2017 tăng lên 32,87 triệu thùng/ngày, so với mức 32,69 triệu thùng/ngày trong tháng Sáu. Sản lượng tăng chủ yếu là ở các nước Libya, Nigeria (hai nước không tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ) và Saudi Arabia.

Lượng dầu thô của Saudi Arabia - quốc gia xuất khẩu dầu thô hàng đầu OPEC và cũng là nước ủng hộ việc tiếp tục hạn chế khai thác - trong tháng Bảy đạt 10,067 triệu thùng/ngày, tăng 32.000 thùng/ngày trong tháng trước đó, tức cao hơn mức trần đã cam kết.

OPEC cho biết các nhà sản xuất dầu mỏ, gồm cả các thành viên tổ chức này khẳng định tiếp tục giữ vững cam kết cắt giảm sản lượng, hy vọng mức độ tuân thủ sẽ cao hơn, khi IEA cho rằng các nước thành viên OPEC là Iraq và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) có mức độ tuân thủ tương đối thấp.

OPEC cho biết thị trường thế giới sẽ cần 32,42 triệu thùng dầu/ngày từ các nước OPEC trong năm tới, tăng 220.000 thùng/ngày so với mức dự đoán đưa ra trước đó. Bởi theo tổ chức này, tiêu thụ dầu của thế giới sẽ tăng thêm 1,28 triệu thùng/ngày trong năm 2018, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu sẽ đi lên.

Theo TBNH

Nguồn ANTT: http://antt.vn/opec-o-trong-the-gong-kim-205460.htm