Ông Trump muốn cải thiện quan hệ với Nga: Thách thức 1 chọi 100

Tổng thống đắc cử Donald Trump đang đứng trước tình thế 1 chọi 100 khi cả nền chính trị Mỹ cùng phản đối động thái bình thường hóa quan hệ với nhà lãnh đạo Nga Putin.

Sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống đắc cử Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin Nga khi vừa giành chiến thắng, các phương tiện truyền thông đều tin rằng, trong thời gian sớm nhất có thể, điện Kremlin và Nhà Trắng sẽ đưa ra những khuôn khổ cho việc "bình thường hóa quan hệ" Mỹ-Nga.

Muốn quan hệ với ông Putin, Donald Trump sẽ phải vượt qua sự phản đối của cả nền chính trị Mỹ.

Ông Trump có thể sẽ có chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Moscow trên cương vị người đứng đầu nước Mỹ, nối tiếp chuyến công du cuối cùng của ông Obama đã thực hiện từ 7 năm trước. Nhà tỷ phú không hề giấu giếm ý định sẽ có mối quan hệ cá nhân ấm áp hơn với ông Putin thay vì sự lạnh nhạt của người đương nhiệm Nhà Trắng đang thể hiện.

Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với hơn một chục quan chức và chuyên gia, tờ Politico nhận thấy mọi thứ đang không chiều lòng Donald Trump khi tất cả đều thể hiện sự phản đối kịch liệt đối với bất kỳ nỗ lực xoa dịu của nhà tỷ phú này dành cho ông Putin.

Giới phân tích cho rằng, điều này sẽ bị Quốc hội, đồng minh châu Âu, các quan chức an ninh quốc gia và thậm chí cả một số cố vấn chủ chốt của ông Trump không đồng tình. "Ông Trump không thể đơn phương làm điều này", Stephen Cohen, một học giả về quan hệ Nga-Mỹ cho biết.

Buổi thảo luận diễn ra vào một thời điểm tình hình hai nước đặc biệt căng thẳng, khi trước đó Moscow đã triển khai tên lửa hạt nhân đến Kaliningrad sát biên giới châu Âu, như một động thái đáp trả trước "mối đe dọa" từ NATO đang ngày một mở rộng. Ông Putin trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình Nga hồi cuối tháng 11 cũng thừa nhận "tình hình hiện tại đang rất nóng".

Donald Trump đã tuyên bố ông sẽ là người làm dịu đi tình hình này bằng việc hợp tác với Nga chống lại IS, cân nhắc việc chấm dứt lệnh trừng phạt mà Mỹ và EU áp đặt sau cuộc khủng hoảng Ukraine.

Nhiều nhà phân tích cho rằng ông Putin đồng ý hợp tác quân sự với Donald Trump chống lại IS không phải là mục đích mong muốn cho các hoạt động của Nga ở Syria. Mà thực tế, ông Putin sẽ tìm kiếm sự công nhận của phương Tây về việc sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga hồi năm 2014; chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế; và giảm bớt sự can thiệp quân sự và chính trị của Mỹ ở Đông Âu và Trung Á.

Nhưng vào lúc này, một thỏa thuận như vậy sẽ gây ra sự phẫn nỗ trên cả hai bờ Đại Tây Dương. "Quân đội, Bộ Ngoại giao, lực lượng tình báo, đảng Cộng hòa và tất cả các đồng minh của chúng tôi không muốn vào điều này", Ivo Daalder, cựu đại sứ Mỹ tại NATO dưới thời Obama và là Chủ tịch Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu cho biết

Trở ngại đầu tiên mà ông Trump gặp phải lại chính là một trong những nhân vật thân cận của mình. Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence từng nhận xét Putin trong một cuộc tranh luận hồi tháng 10 rằng ông là người "thích bắt nạt", và quả quyết mọi "hành động khiêu khích của Nga cần phải được đáp ứng bởi sức mạnh Mỹ".

Nội các của Donald Trump cũng là những nhân vật chống Nga kịch liệt.

Hay ngay cả tân giám đốc CIA - Mike Pompeo - người mà ông Trump vừa đề xuất cũng từng phàn nàn rằng Mỹ phản ứng "quá yếu" trước động thái của ông Putin ở Ukraine. Trong khi đó Michael Flynn - cố vấn an ninh quốc gia một mặt đồng ý Mỹ-Nga nên hợp tác chống khủng bố, nhưng mặt khác lại cho rằng ông Putin là không mang lại lợi ích cho nước Mỹ.

Sự lựa chọn cuối cùng cho vai trò Ngoại trưởng Mỹ sẽ là tín hiệu rõ ràng nhất về tương lai quan hệ Washington-Moscow. Trong số này, Mitt Romney đang là nhân vật có nhiều cơ hội nhất, nhưng ông lại tỏ ra là một người chống Nga kịch liệt, khi từng gọi Nga là "kẻ thù địa chính trị số 1 của Mỹ".

Không chỉ vậy, đến cả Quốc hội Mỹ cũng sẽ chống lại ý muốn của tổng thống đắc cử. Một khi ông Trump đơn phương chấm dứt một số biện pháp trừng phạt của Mỹ với Nga được áp đặt dưới thời Obama những người khác sẽ yêu cầu Quốc hội ngay lập tức hành động để can thiệp.

Trong khi đó, đa số Thượng viện cũng như chủ tịch Mitch McConnell đều đồng tình việc gửi vũ khí cho chính phủ Ukraine và mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Đông Âu.

Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện John McCain đã ban hành một tuyên bố ngay sau khi cuộc bầu cử kết thúc kèm lời cảnh báo ông Trump không tin tưởng ông Putin. Trên CNN hồi tháng trước, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Corker cũng khuyên tổng thống đắc cử không nên "tâng bốc" quá mức Putin, dễ gây ảnh hưởng đến phán đoán của mình.

Mỹ đã leo thang chi tiêu quân sự, hoạt động tình báo đối với Moscow trong những tháng gần đây, đặc biệt kể từ khi Nga bắt đầu tiến hành các cuộc không kích ở Syria vào mùa thu năm ngoái, hậu thuẫn cho chính phủ Assad, đối đầu với phiến quân đối lập do CIA chống lưng.

"Nó sẽ là ngày đen tối ở Lầu Năm Góc nếu Trump tìm cách kéo giãn sự đối đầu của quân đội đối với Moscow", Evelyn Farkas, người từng là quan chức hàng đầu của Bộ Quốc phòng dưới thời chính quyền Obama cho biết.

Lầu Năm Góc từng bị cáo buộc tự ý phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn ký với Nga ở Aleppo.

Mặc dù bị bắt buộc phải thực hiện theo lệnh của tổng thống, các quan chức quân sự và tình báo có thể lên tiếng phản đối trong nội bộ và cố tình làm chậm lại những chính sách mà bản thân họ không thích.

Điều này đã từng xảy ra hồi tháng 9, khi Ngoại trưởng John Kerry ký lệnh ngừng bắn với Moscow nhằm hướng tới hợp tác quân sự chống IS và mở hành lang nhân đạo ở Aleppo. Tuy nhiên Lầu Năm Góc đã tự phá vỡ thỏa thuận bằng việc tấn công vào quân chính phủ Syria.

Một số quan chức và chuyên gia về Nga đang hy vọng rằng ông Trump sẽ đánh giá lại việc hợp tác với Tổng thống Putin trong cuộc họp bí mật được diễn ra gần đây.

"Đây sẽ là thời điểm ông ấy nên thể hiện sự nghiêm túc", Michael McFaul, cựu đại sứ Mỹ ở Moscow dưới thời Obama nói.

Trump sẽ trở thành tổng thống Mỹ thứ ba liên tiếp làm việc với ông Putin kể từ khi nhà lãnh đạo Nga lên nắm quyền từ năm 2000 với quyết tâm khôi phục lại vị thế nước Nga.

Cả George W. Bush và ông Obama đều từng dang rộng bàn tay hợp tác với ông Putin trong thời gian đầu nhiệm kỳ tổng thống của họ trước khi lạnh nhạt như hiện nay, mặc dù cuộc chiến Georgia vào năm 2008 và cuộc khủng hoảng Ukraine trong năm 2014 đều bị Washington cáo buộc là mối đe dọa lớn.

"Các mối quan hệ xấu với Nga không phải là một kết quả của sự thiếu cố gắng," một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Chiến thắng của Donald Trump đã khiến cho sự lạc quan ban đầu ở thủ đô Nga trở nên thêm phần háo hức. Nhưng các quan chức điện Kremlin đã bày tỏ sự cảnh giác về những gì tổng thống mới có thể làm được.

"Nhóm bảo thủ nước Mỹ có một thái độ rất tiêu cực về triển vọng hợp tác" với Nga, Ilya Rogachev, một quan chức Bộ Ngoại giao Nga, nói với hãng thông tấn Nga Interfax trong tháng này. "Hãy nhớ rằng ông Obama đã hứa và thực hiện như thế nào về việc đóng cửa nhà tù Guantanamo hơn 8 năm trước đây"?

"Tôi nhớ những kỳ vọng lớn của 8 năm về trước, khi ông Barack Obama được bầu làm Tổng thống Mỹ", Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Aleksey Ulyukaev nói với tờ báo Đức Die Welt hồi đầu tháng này. "Thế nhưng đến cuồi cùng kết quả hóa ra hoàn toàn khác nhau".

Quốc Vinh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/ong-trump-muon-cai-thien-quan-he-voi-nga-thach-thuc-1-choi-100-a308196.html