Ông Tập tiếp Thủ tướng Đức, nêu nguyên tắc 'không thêm dầu vào lửa' vì 'lợi ích ích kỷ' chuyện Nga-Ukraine

Tiếp Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nêu 4 nguyên tắc giải quyết xung đột Nga-Ukraine.

Ngày 16-4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại nhà khách Điếu Ngư Đài, thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), thảo luận về những vấn đề song phương và về 2 cuộc xung đột lớn đang xảy ra trên thế giới, theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã.

Hợp tác Trung-Đức có tiềm năng lớn

Tại cuộc gặp, ông Tập cho biết Trung Quốc và Đức có tiềm năng rất lớn để khai thác và theo đuổi hợp tác cùng có lợi trong các lĩnh vực truyền thống như máy móc và ô tô cũng như các lĩnh vực mới như chuyển đổi xanh, số hóa và trí tuệ nhân tạo.

“Vì Trung Quốc và Đức lần lượt là nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới, nên việc củng cố và phát triển mối quan hệ giữa hai nước mang ý nghĩa vượt xa phạm vi song phương và có tác động lớn đến lục địa Á-Âu và toàn thế giới” - ông Tập cho biết.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tiếp Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Nhà khách Điếu Ngư Đài ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 16-4. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Về phần mình, ông Scholz lưu ý rằng mối quan hệ Đức-Trung hiện đang ở trạng thái tốt. Hai nước đã có những trao đổi chặt chẽ ở mọi cấp độ, trên mọi lĩnh vực.

“Trong thời gian tới, phía Đức sẽ hợp tác với phía Trung Quốc để tăng cường quan hệ song phương, tăng cường đối thoại và hợp tác trên mọi lĩnh vực, đồng thời thúc đẩy giao lưu nhân dân trong các lĩnh vực như giáo dục và văn hóa, vốn có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai nước và thế giới” - theo ông Scholz.

Trung Quốc nêu kế hoạch chấm dứt xung đột Nga-Ukraine

Đề cập xung đột Nga-Ukraine, ông Tập kêu gọi tất cả các bên cam kết sớm khôi phục hòa bình để tránh cuộc xung đột vượt khỏi tầm kiểm soát.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nêu ra 4 nguyên tắc mà ông tin rằng sẽ ngăn xung đột leo thang.

Theo ông Tập, nguyên tắc đầu tiên là “tập trung vào lợi ích chung, hòa bình và ổn định thay vì tìm kiếm lợi ích ích kỷ”. Bước tiếp theo là ngừng “đổ thêm dầu vào lửa” để tạo điều kiện cho việc khôi phục hòa bình.

Nguyên tắc thứ ba là “tích lũy các điều kiện để khôi phục hòa bình”. Và sau cùng là “giảm tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới thay vì làm suy yếu sự ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu”.

Ông Tập nói rằng dù Trung Quốc không phải là một bên trong cuộc khủng hoảng Ukraine nhưng đã liên tục thúc đẩy các cuộc đàm phán vì hòa bình theo cách riêng của mình.

Ông Tập cũng lưu ý rằng bất cứ hội nghị hòa bình nào về xung đột Nga-Ukraine phải có sự tham gia bình đẳng của tất cả các bên và thảo luận công bằng về tất cả các kế hoạch hòa bình.

“Trung Quốc sẽ duy trì liên lạc chặt chẽ với tất cả các bên liên quan, bao gồm cả Đức, về vấn đề này” - ông Tập nói thêm.

Đáp lại, Thủ tướng Scholz cho biết ông sẵn sàng thảo luận về “cách chúng tôi có thể đóng góp nhiều hơn cho nền hòa bình công bằng ở Ukraine”.

Theo ông Scholz, cuộc khủng hoảng đang diễn ra giữa Moscow và Kiev đã ảnh hưởng “lợi ích cốt lõi” của Berlin và làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng cũng như thương mại toàn cầu.

“Sự thù địch cũng có tác động tiêu cực đến an ninh châu Âu và có nguy cơ làm tổn hại toàn bộ trật tự quốc tế” - ông Scholz nói thêm.

Bên cạnh cuộc chiến ở Ukraine, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về xung đột giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine).

Trung Quốc và Đức kêu gọi ngăn chặn sự leo thang căng thẳng, đảm bảo việc tiếp cận nhân đạo bền vững và không bị cản trở tới Gaza, sớm giải quyết vấn đề thông qua đàm phán.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/ong-tap-tiep-thu-tuong-duc-neu-nguyen-tac-khong-them-dau-vao-lua-vi-loi-ich-ich-ky-chuyen-nga-ukraine-post785986.html