Ông Tập Cận Bình: Xuất khẩu của Trung Quốc giúp giảm lạm phát toàn cầu

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Thủ tướng Đức Olaf Scholz rằng, sự gia tăng xuất khẩu công nghệ sạch của Trung Quốc đã giúp thế giới đối phó với lạm phát.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (bên trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào ngày 16/4/2024. Ảnh: Getty Images

Ông Tập Cận Bình đã nói với Thủ tướng Olaf Scholz trong cuộc gặp ngày 16/4 tại Bắc Kinh rằng: "Việc xuất khẩu xe điện, pin lithium và các sản phẩm năng lượng mặt trời của Trung Quốc đã làm phong phú thêm nguồn cung cho thị trường toàn cầu và giảm bớt áp lực lạm phát, cũng như đóng góp to lớn vào các nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh", theo đài truyền hình nhà nước Trung Quốc.

Đáp lại những lời chỉ trích của phương Tây về năng lực dư thừa trong ngành công nghiệp Trung Quốc - vốn dẫn đến mối đe dọa về các rào cản thương mại mới, ông Tập Cận Bình cho rằng, Trung Quốc và Đức nên xem xét vấn đề một cách "khách quan" và giải quyết vấn đề từ góc độ thị trường. Chủ tịch Trung Quốc cũng cảnh báo chống lại chủ nghĩa bảo hộ.

Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Đức Olaf Scholz diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc với Liên minh châu Âu và Mỹ gia tăng về thương mại cũng như chiến sự ở Ukraine.

Liên minh châu Âu đã bắt đầu điều tra các khoản trợ cấp của Trung Quốc cho xe điện và hỗ trợ cho các trang trại điện gió, đồng thời sẽ sớm tiến hành một cuộc điều tra về việc mua sắm thiết bị y tế.

Trước cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc vào ngày 16/4 tại Bắc Kinh, Thủ tướng Scholz cho biết ông sẽ nêu ra các quy tắc thương mại cũng như chiến sự ở Ukraine và các vấn đề khí hậu với lãnh đạo Trung Quốc.

Thủ tướng Đức cho biết: "Chúng tôi cam kết tăng cường hệ thống dựa trên quy tắc cho thương mại toàn cầu và phát triển nó hơn nữa cùng với các thành viên khác của Tổ chức Thương mại Thế giới".

Ông Scholz cũng khẳng định sẽ trao đổi với nhà lãnh đạo Trung Quốc về việc "làm thế nào chúng ta có thể đóng góp nhiều hơn cho nền hòa bình công bằng ở Ukraine".

Thủ tướng Đức cũng cho rằng, Berlin và Bắc Kinh cần hợp tác cùng nhau để tìm ra giải pháp ngăn chặn biến đổi khí hậu và làm chủ quá trình chuyển đổi năng lượng xanh theo cách công bằng về mặt xã hội.

Chủ tịch Trung Quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ Trung - Đức trong bối cảnh thế giới đối mặt với "ngày càng nhiều thách thức và rủi ro". Ông Tập Cận Bình nói thêm rằng, hai quốc gia nên "chung tay để tạo thêm sự chắc chắn" trên phạm vi quốc tế.

Thủ tướng Đức đang ở cuối lịch trình chuyến thăm kéo dài 4 ngày tới Trung Quốc - một đối tác thương mại quan trọng của Berlin. Trước đó, Thủ tướng Đức đã khuyến cáo các quan chức Trung Quốc hãy giải quyết tình trạng dư thừa công suất và đối xử tốt hơn với các công ty nước ngoài. Ông Scholz dự kiến gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường vào cuối ngày 16/4.

Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi đầu tháng, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói rằng, sản lượng khổng lồ của các nhà máy Trung Quốc đã trở thành một vấn đề toàn cầu. Bình luận trên CNN cuối tuần qua, bà Yellen cho biết Mỹ sẽ không loại bỏ "bất cứ điều gì", bao gồm cả khả năng áp dụng thuế quan bổ sung, để ngăn chặn làn sóng hàng hóa Trung Quốc tràn vào.

Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc rằng, sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành công nghiệp xe điện nhờ trợ cấp Chính phủ là "vô căn cứ", thay vào đó Bắc Kinh lý giải sự tăng trưởng đó thể hiện năng lực đổi mới sáng tạo của họ.

Trung Quốc đạt tăng trưởng 5,3% trong quý I/2024, so với một năm trước, theo số liệu được Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 16/4. Kết quả tăng trưởng quý I vượt xa dự báo tăng trưởng 4,6% trong cuộc thăm dò ý kiến các nhà kinh tế của Reuters.

Sản xuất công nghiệp quý I của Trung Quốc đã tăng trưởng 6,1% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ sức tăng mạnh mẽ của ngành sản xuất chế tạo công nghệ cao. Đặc biệt, sản xuất thiết bị in 3D, trạm sạc cho xe điện và linh kiện điện tử đều tăng trưởng đột biến khoảng 40% trong quý I.

Châu Âu không hài lòng với Trung Quốc vì cho rằng, Bắc Kinh đã hỗ trợ Moscow về ngoại giao và chính trị, đồng thời thương mại giữa hai nước này đạt mức kỷ lục 240 tỷ USD vào năm ngoái, giúp giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế mà phương Tây nhằm vào Nga, theo Bloomberg.

Trong cuộc nói chuyện với sinh viên đại học tại Thượng Hải, Trung Quốc vào ngày 15/4, Thủ tướng Đức đã lưu ý đến vấn đề "cạnh tranh phải công bằng". Thủ tướng Đức cũng cho biết ông muốn thấy rằng hàng hóa "không bán phá giá" và "không sản xuất quá mức" và bản quyền phải được tôn trọng.

Thủ tướng Đức cũng nói với các phóng viên rằng, ông sẽ thúc giục Trung Quốc ngừng cung cấp những sản phẩm được gọi là "công dụng kép" cho Nga để có thể sử dụng cho mục đích quân sự và dân sự.

Ông Scholz kêu gọi các quốc gia "không né tránh các lệnh trừng phạt do cộng đồng quốc tế áp đặt" và hạn chế cung cấp vũ khí cho Điện Kremlin, bao gồm cả hàng hóa có công dụng kép.

Phía Trung Quốc khẳng định họ chưa từng và sẽ không tìm cách hưởng lợi từ chiến sự ở Ukraine.

Đông Phong

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ong-tap-can-binh-xuat-khau-cua-trung-quoc-giup-giam-lam-phat-toan-cau-d213161.html