Ông Quý 'dân trí'

Đó là ông Hồ Văn Quý sinh năm 1955, một nông dân “chính hiệu” ở thôn Nguyên Cam, xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa (Phú Yên).

Ông Hồ Văn Quý (Ảnh: Quốc Thoại)

Ông vượt khó trong lao động sản xuất, nuôi con ăn học thành đạt, tích cực xây dựng mông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống văn hóa, dân trí cho người dân nơi đây.

Sinh ra tại Xuân Lộc, Sông Cầu. Lớn lên theo gia đình di cư vào Cam Ranh, Khánh Hòa, đến năm 1982 ông đưa vợ con đến Sơn Nguyên, Sơn Hòa sinh sống. Đến vùng kinh tế mới, công cuộc mưu sinh không đơn giản gì khi trong tay ông chỉ có vài chục ngàn đồng và một bao gạo tẻ.

“Lúc đó, hai vợ chồng đi làm thuê mua gạo, quần quật quanh năm. Nhận thấy đất rộng, phì nhiêu tôi quyết định gom góp tiền nong mua 3 sào (3.000m2) đất để trồng lúa nước, nhờ đó đỡ tiền mua gạo ký. Năm 1990 tôi mua 2ha đất nông nghiệp trồng cây ngắn ngày như thuốc lá, đậu, sắn...

Năm 1995, tôi chọn cây mía đường canh tác, đến vụ thu hoạch thì ép che nấu đường bán cho thương lái nhưng giá bấp bênh. Từ khi có NM Đường công nghiệp KCP (Ấn Độ), tôi tăng lên 4ha mía, mỗi năm bán cho nhà máy hơn 300 tấn mía. Kết hợp chăn nuôi bò lai, hàng năm thu 300 triệu đồng”, ông Quý bộc bạch.

Nhờ chuyên cần, chịu khó, vợ chồng ông đã sắm sửa tiện nghi, phương tiện đầy đủ, nuôi các con ăn học tới nơi tới chốn. Con gái đầu sinh năm 1980, tốt nghiệp THPT lập gia đình, con gái thứ sinh 1986, hiện làm Phó Giám đốc Công ty dược ở Lâm Đồng; con gái thứ ba làm nhân viên kế toán tại BHXH huyện Sơn Hòa; con trai út tốt nghiệp Đại học giao thông, hiện công tác tại Đồng Nai.

Không chỉ vươn lên ổn định kinh tế, nuôi dạy con cái tốt ông còn là một người dân có nhận thức tốt, điển hình cho dân trí nơi đây. Năm 2011, khi địa phương triển khai đề án NTM, ông tích cực cùng với chính quyền ra sức vận động bà con góp công, góp của xây dựng nông thôn.

Ông Huỳnh Minh Thanh, Chi hội trưởng Nông dân thôn Nguyên Cam cho hay: “Ông Hồ Văn Quý là một hội viên nông dân đi đầu tham gia phong trào hội, biết vận dụng kiến thức trên thông tin truyền thông, làm ăn hiệu quả. Ông sống với bà con lối xóm rất tình cảm, chan hòa. Nhờ ông giải thích cặn kẽ nên nhiều người đã hiểu được quyền lợi trong xây dựng NTM".

Tự ông đứng ra vận động 17 hộ dân hiến đất bờ rào để nắn con đường dài 230m, đối ứng 1000.000 đồng/hộ và 8 ngày công/hộ, cùng chung tay thuê máy trộn, làm thành con đường bê tông sạch đẹp. Nhờ đó, góp phần giúp địa phương hoàn thành các tiêu chí cơ bản, nâng cao dân trí nông thôn.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/ong-quy-dan-tri-post171692.html