Ông Obama 'xung trận' ở nhiều bang chiến trường

Khi ngày bầu cử giữa nhiệm kỳ tới gần, ông Obama trở lại đường vận động tranh cử giúp phe Dân chủ. Đây là điều mà ông đã không thể làm được khi còn là tổng thống Mỹ.

Ông Barack Obama tối 28/10 xuất hiện tại bang Georgia - một trong 5 bang trong tour vận động tranh cử để giúp các ứng viên của đảng Dân chủ trước đợt bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới. Ảnh: Reuters.

Bầu cử giữa nhiệm kỳ chưa bao giờ là thế mạnh của ông Obama, CNN đánh giá.

Khi ông Obama còn ở Nhà Trắng, mùa vận động tranh cử giữa nhiệm kỳ năm 2010 và 2014 là hai khoảng thời gian tồi tệ nhất đối với phe Dân chủ. Trong hai năm đó, đảng của ông Obama đã lần lượt để mất Hạ viện và Thượng viện Mỹ vào tay phe Cộng hòa.

Không muốn người bạn lâu năm của mình, Tổng thống Joe Biden, gặp số phận tương tự, ông Obama lại lên đường với tour vận động tranh cử qua 5 bang từ ngày 28/10. Đây là nỗ lực làm lại của vị cựu tổng thống để giúp phe Dân chủ không bị làn sóng “đỏ” của phe Cộng hòa cuốn trôi đi sau ngày 8/11.

Cơ hội làm lại

Khi tỷ lệ ủng hộ ông Biden đang ở mức thấp khoảng 40%, đảng Dân chủ hy vọng sự trở lại của ông Obama trong những tuần cuối của chiến dịch tranh cử sẽ tạo được cú hích trong bối cảnh khó khăn.

Điểm dừng đầu tiên của ông Obama là bang Georgia vào tối 28/10 (giờ địa phương). Ngày 29/10, ông tới 2 bang chiến trường quan trọng là Michigan và Wisconsin, sau đó tới Nevada ngày 1/11. Ông dự kiến trở lại Pennsylvania vào cuối tuần sau, theo CNN.

Đối với bản thân ông Obama, tour vận động tranh cử là cơ hội để có thể làm điều mình đã không làm được trong hai kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ khi ông còn là tổng thống: Giúp đảng Dân chủ thành công trong bầu cử giữa nhiệm kỳ khi đảng này đã nắm giữ Nhà Trắng.

Cựu Tổng thống Barack Obama (giữa) đứng trên sân khấu với bà Stacey Abrams (trái) - ứng viên thống đốc Georgia, và Thượng nghị sĩ Raphael Warnock đang tái tranh cử trong tối 28/10. Ảnh: AP.

Còn đối với đảng Dân chủ, đây cũng là cơ hội để tận dụng tỷ lệ ủng hộ đã tăng trở lại của ông Obama kể từ sau thất bại bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2014. Họ hy vọng vị cựu tổng thống có thể đưa ra những lập luận thuyết phục cử tri theo cách mà ông Biden khó có thể làm được.

“Ông Obama nắm giữ một vị trí hiếm có trong nền chính trị ngày nay của chúng ta”, David Axelrod, người giúp định hình các chiến dịch tranh cử của ông Obama, nói với AP. “Rõ ràng là ông ấy có sức hút lớn với đảng viên Dân chủ và cũng được các cử tri độc lập ưa thích”.

Tối 28/10 tại điểm dừng đầu tiên ở Georgia, ông Obama đã cố gắng thể hiện sức lôi cuốn ấy. Vị tổng thống da đen đầu tiên của Mỹ được đám đông gồm đa số người da đen đón chào như một người hùng. Ông cũng đã có nhiều câu nói tốt cho đảng viên Dân chủ.

Đồng thời, ông dành thời lượng phát biểu kha khá để nói về chủ đề có thể kêu gọi các cử tri ôn hòa và độc lập, như về vấn đề nền kinh tế.

Ông Obama nói lạm phát là “di sản của đại dịch”, của sự gián đoạn chuỗi cung ứng sau đó, và của cuộc xung đột Ukraine và tác động của nó lên thị trường dầu toàn cầu. Rồi ông quay sang phản bác lập luận của đảng Cộng hòa.

“Câu trả lời của họ là gì? Họ muốn cắt giảm thuế cho người giàu”, ông Obama nói, theo AP. “Đó là câu trả lời của họ đối với mọi thứ. Khi lạm phát thấp, giảm thuế. Tỷ lệ thất nghiệp cao, giảm thuế. Nếu bây giờ có thiên thạch lao về Trái Đất, họ chắc cũng sẽ nhóm họp để đề xuất giảm thuế cho người giàu. Điều đó thì giúp gì được cho các bạn?”.

Từ đó, vị tổng thống Mỹ thứ 44 nhấn mạnh cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022 là cuộc bỏ phiếu vì nền dân chủ, từ đó ông kêu gọi cử tri không nên xem đảng viên Cộng hòa là câu trả lời cho những khó khăn kinh tế họ đang gặp phải, theo New York Times.

Ông Biden cũng đang trên đường vận động tranh cử cho các ứng viên đảng Dân chủ trước thềm bầu cử giữa nhiệm kỳ. Ảnh: Reuters.

Biểu tượng của phe Dân chủ

Ông Biden cũng từng cố đưa ra các lập luận tương tự ông Obama. Vị tổng thống đương nhiệm đã được ném cho chiếc phao vào tuần này khi báo cáo kinh tế mới cho thấy kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 2,6% trong quý III, sau hai quý tăng trưởng âm liên tiếp.

Nhưng Lis Smith, một chiến lược gia đảng Dân chủ, cho rằng ông Obama ở vào vị thế tốt hơn để có thể thuyết phục các cử tri chưa quyết định bầu cho ai hay thậm chí là chưa biết có nên đi bầu hay không.

“Chúng ta chắc chắn thua nếu đây là cuộc trưng cầu ý kiến thuần túy về đảng Dân chủ và nền kinh tế”, bà Smith nói. “Nhưng bạn phải thể hiện được lần bầu cử này là lựa chọn giữa hai đảng và bạn phải chỉ ra được sự khác biệt”.

Theo bà Smith, ông Obama đã làm được điều đó trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2008 và 2012, bằng cách “thuyết phục được nhiều cử tri da trắng thuộc tầng lớp lao động và cả những nhóm khác mà chúng ta không phải lúc nào cũng nghĩ là sẽ thuộc về ‘liên minh Obama’”.

Ông Axelrod cho rằng việc ông Obama từ chỗ thất bại trong bầu giữa nhiệm kỳ trở thành biểu tượng hàng đầu của phe Dân chủ là một “nghi lễ” mà bất cứ vị cựu tổng thống nào cũng sẽ trải qua.

“Phần lớn bọn họ, có lẽ không gồm ông Trump nhưng hầu hết, đều được đánh giá tốt hơn sau khi rời nhiệm sở”, ông Axelrod nói.

Chẳng hạn, khi ông Obama còn là tổng thống, cựu Tổng thống Bill Clinton chính là người được các ứng viên Dân chủ mong mỏi, đặc biệt là những ứng viên theo đường lối ôn hòa phải chật vật chống đỡ làn sóng đảng Cộng hòa trong năm 2010 và 2014.

“Ông Clinton và ông Obama có chung một điểm đặc biệt, đó là khả năng dùng những từ ngữ phổ thông để diễn đạt những quan điểm chính trị phức tạp tại thời điểm ấy”, ông Axelrod nói. “Họ là những người kể chuyện”.

Quốc Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ong-obama-xung-tran-o-nhieu-bang-chien-truong-post1369936.html