Ông Obama trao lời hứa lúc hoàng hôn với phương Tây

Bất chấp chính sách quân sự tương lai của Tổng thống đắc cử Donald Trump là gì, Mỹ sẽ vẫn tiếp tục các chính sách quân sự ở Đông Âu.

Lầu Năm Góc mới đây đã lên tiếng khẳng định rằng, Mỹ sẽ tiếp tục củng cố lực lượng tại Đông Âu như kế hoạch đã định bất chấp chính sách quân sự tương lai của Tổng thống đắc cử Donald Trump là gì.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Cook khẳng định: "Chúng tôi để cho chính quyền mới nói ra các lựa chọn về chính sách. Chúng tôi chỉ có một tổng tư lệnh nhưng việc thay đổi kế hoạch củng cố an ninh tại Đông Âu là điều không thể”.

Washington có kế hoạch triển khai thêm lữ đoàn chiến đấu bộ binh đến châu Âu vào tháng 1 tới, nâng số lữ đoàn tại đây lên con số 3. Lữ đoàn mới sẽ tập trận ở Ba Lan, Bulgaria, Romania và các nước Baltic.

ộ trưởng Quốc phòng Mỹ A.Ca-tơ tới thăm lực lượng phản ứng nhanh của NATO triển khai tại Đức ngày 22/6.

Sự lo ngại từ giới chức Mỹ còn đến từ việc ông Trump thường xuyên khen ngợi Tổng thống Putin và chỉ trích ông Obama về những chính sách chống lại Moscow. Ông Trump luôn nhắc tới vấn đề cải thiện quan hệ với Nga và điều này hoàn toàn có thể bắt đầu từ việc hạn chế quân đội ở Đông Âu.

Ông Trump sẽ chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2017, trước đó đã làm nhiều đồng minh phương Tây quan ngại khi tuyên bố rằng, cam kết của Mỹ với các nước NATO chỉ được thực hiện nếu họ đáp ứng được yêu cầu về đóng góp tài chính cho khối quân sự chung.

Trước đó, khi mới hay tin về kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nghiêng về ông Donald và Đảng Cộng hòa, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker ngày 10/11 tuyên bố với giới truyền thông rằng, việc thành lập một quân đội riêng của châu Âu là không thể tránh khỏi vì trong tương lai nước Mỹ sẽ không còn mấy quan tâm đến sự an toàn của châu Âu.

Ông Juncker cho biết, trước đây Liên minh châu Âu đã manh nha có ý định lập quân đội riêng và hiện nay, với việc tỷ phú Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ, kế hoạch này chắc chắn sẽ trở thành hiện thực.

"Chúng ta nợ người Mỹ rất nhiều, đặc biệt là đất nước này và thành phố này, họ đã giúp đỡ Liên minh châu Âu rất nhiều về bảo đảm an ninh, nhưng trong triển vọng dài hạn họ sẽ không còn chăm sóc cho nền an ninh châu Âu. Đây là điều mà chúng ta phải tự làm” - ông Juncker phát biểu.

Ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ sẽ gây ảnh hưởng lớn ở châu Âu. Ảnh minh họa

Châu Âu từng có ý tưởng về thúc đẩy tiến trình mới cho chủ đề thành lập một liên minh phòng thủ châu Âu nhằm thay thế vai trò của người Mỹ. Đội quân của Liên minh châu Âu sẽ phục vụ yêu cầu đảm bảo an ninh không chỉ bên trong mà còn bao gồm cả bên ngoài Liên minh châu Âu.

Không chỉ các quan chức Liên minh châu Âu mà cả những người dân EU cũng cảm thấy nhu cầu xây dựng một đội quân chung thay thế NATO đang ngày càng trở nên cấp bách.

Tờ Strait Times của Singapore đăng tải bài viết của nhà báo Châu Âu Jonathan Eyal cho rằng, người dân Châu Âu cũng lo ngại khi ông Trump làm Tổng thống có thể sẽ quan tâm tới Nga hơn bảo vệ các mối quan hệ truyền thống giữa Mỹ với các nước Châu Âu. Mặc dù ở vị trí Tổng thống, ông Trump khó có thể tháo bỏ mối quan hệ Mỹ- NATO nhưng đó sẽ là lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ 2, một Tổng thống Mỹ dám đề xuất quan điểm sẽ thay đổi quan hệ liên minh cốt lõi của Mỹ.

Cùng với đó, các mối quan hệ xuyên đại tây dương cũng sẽ xuống dốc không phanh. Trong bối cảnh Châu Âu đang vật lộn để duy trì và mở rộng các mối quan hệ thương mại tự do, các tác động trên sẽ khiến thế cục Châu Âu rơi vào hoàn cảnh khó có thể tưởng tượng.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/ong-obama-trao-loi-hua-luc-hoang-hon-voi-phuong-tay-3322858/