Ông Obama - Tập Cận Bình: Một cuộc gặp, hai câu chuyện

Khi các nhà lãnh đạo hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc gặp nhau, luôn có khoảng cách giữa hai chính phủ khi thông báo với công luận nội dung và kết quả cuộc họp. Mỗi bên sẽ phác thảo câu chuyện phù hợp với khán giả trong nước của mình.

Trong cuộc thăm cuối cùng của ông Obama đến Trung Quốc tháng trước trên cương vị Tổng thống Mỹ, những khác biệt này vẫn tồn tại. Chẳng hạn, thông cáo của Chính phủ Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh "mô hình mới trong quan hệ nước lớn giữa Trung Quốc và Mỹ", trong khi Nhà Trắng cho biết "hai bên giải quyết sự khác biệt trên tinh thần xây dựng và mở rộng hợp tác thực chất dựa trên các chuẩn mực của khu vực và toàn cầu". Tuy nhiên, đằng sau "dữ kiện thực tế" của Mỹ và "danh sách kết quả" của Trung Quốc, ai cũng có thể nhận thấy sự khác biệt đáng kể của các vấn đề được nhấn mạnh và ưu tiên. Do nội dung và ngôn từ trong các văn bản này về cơ bản là tương đồng, nhưng đọc kỹ sẽ thấy những khác biệt.

"Cam kết" và "đồng thuận" về không gian mạng và tấn công thương mại

Cả "dữ kiện thực tế" của Mỹ và "danh sách kết quả" của Trung Quốc đều có các phát biểu về vấn đề an ninh mạng của ông Obama và Tập Cận Bình trong chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc tới Washington tháng 9.2015, với lưu ý rằng, hai kênh đối thoại mới đã được thiết lập vào thời điểm đó. Tuy nhiên, văn bản của Mỹ thẳng thừng gọi phát biểu của tổng thống là "cam kết không gian mạng", bao gồm "chống hoạt động mạng độc hại và tin tặc, không tiến hành hoặc cố ý hỗ trợ tin tặc đánh cắp sở hữu trí tuệ vì mục đích thương mại".

Trong khi đó, văn bản của phía Trung Quốc đề cập đến "sự đồng thuận" thay cho "cam kết". Tài liệu của Trung Quốc nhấn mạnh "những trách nhiệm và lợi ích chung trong không gian mạng", bỏ qua vấn đề Mỹ quan tâm là gián điệp thương mại.

Sự khác biệt vẫn tiếp tục: Văn bản của Mỹ cho biết hai chính phủ "đề cập đến một loạt vụ việc sẽ được các quan chức xem xét trong cuộc họp tiếp theo, và gọi tên một số lĩnh vực cụ thể về quan ngại an ninh mạng. Những điểm này hoàn toàn không được đề cập đến trong văn bản tương tự của Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc lại nhắc tới diễn đàn công nghệ và khủng bố bạo lực được tổ chức vào tháng 10, vấn đề mà Mỹ bỏ qua.

Chống khủng bố và khán giả nhà

Cả chính phủ Mỹ và Trung Quốc đều thể hiện ý định chia sẻ thêm thông tin về các nghi phạm khủng bố. Tuy nhiên, có một sự căng thẳng đáng kể trong cách thức hai tài liệu mô tả mối quan hệ của họ tại một ủy ban của Hội đồng Bảo an LHQ. Văn bản của Mỹ khá mơ hồ, nói rằng cả hai chính phủ “tái khẳng định cam kết liên lạc và hợp tác... để xác định nghi phạm khủng bố”. Văn bản của Trung Quốc cụ thể hơn, “đánh giá cao Mỹ xác định Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan ETIM là khủng bố theo điều luật 1322”. Chỉ có văn bản của Trung Quốc đề cập đến hai cuộc họp chống khủng bố sắp tới, là cuộc “Tham vấn chống khủng bố Mỹ - Trung” cấp thứ trưởng và hội thảo về các thiết bị nổ.

Điều gì làm nên sự khác biệt này? Chống khủng bố là vấn đề rất nhạy cảm trong hợp tác Mỹ - Trung. Hai chính phủ chia sẻ các mối quan ngại về những vụ tấn công tiềm năng bên trong biên giới và nhằm vào lợi ích của từng nước ở nước ngoài. Tuy nhiên, hợp tác chống khủng bố đôi khi bị cứng nhắc trước các yếu tố liên quan đến quan điểm khác nhau về bản chất của mối đe dọa. Trung Quốc đề cập đến ETIM nhằm hoan nghênh sự công nhận của Mỹ đối với mối quan ngại của chính phủ Trung Quốc, nhưng trên thực tế Mỹ đã xếp ETIM vào danh sách khủng bố từ năm 2002, khi ông Obama mới là thượng nghị sĩ bang Illinois. Ngày nay, nhiều chuyên gia chống khủng bố Mỹ không còn coi ETIM là một thực thể hoạt động nữa. Việc các quan chức Trung Quốc mong muốn làm nổi bật hợp tác song phương chống khủng bố, trong khi lại viện dẫn các tài liệu tham chiếu lạc hậu, đã đặt ra câu hỏi về sự khác biệt giữa hai chính phủ.

Trong một số lĩnh vực khác, văn bản của Trung Quốc chỉ đề cập thoáng qua, trong khi Mỹ không đề cập. Đọc kỹ những thông điệp ngoại giao của cả hai bên cho thấy, từng nước muốn đề cập những điều cụ thể với nhóm khán giả nhỏ hơn là những chuyên gia hoạch định chính sách. Ẩn sâu trong những văn bản là các khía cạnh mà hai bên không bao giờ có sự tương đồng, và vì vậy giới quan sát sẽ tiếp tục phân tích cuộc gặp tiếp theo, khi ông Obama và Tập Cận Bình có thể có cơ hội gặp nhau lần nữa tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Peru vào tháng 11.

NGỌC VÂN (Theo Diplomat)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/ong-obama-tap-can-binh-mot-cuoc-gap-hai-cau-chuyen-597136.bld