Ông giáo làng Thanh Quýt

Ông giáo làng Nguyễn Văn Nhung (thôn Thanh Quýt 4, xã Điện Thắng Trung, Điện Bàn) được nhiều thế hệ dân làng Thanh Quýt kính trọng và biết ơn vì đã 'khai tâm khai trí' cho con em họ vào những năm tháng chiến tranh bom rơi đạn lạc.

Thầy Nguyễn Văn Nhung với thú vui làm thơ sau ngày về hưu.Ảnh: V.M

Chúng tôi tìm đến nhà ông giáo già Nguyễn Văn Nhung vào một buổi chiều đầu đông se lạnh mưa lất phất. Dáng cao gầy, dù năm nay đã bước sang tuổi 93, nhưng ông giáo trông vẫn hoạt bát, nói việc gì cũng mạch lạc.

Nhấp ngụm trà ấm, ông giáo làng Nguyễn Văn Nhung nhớ lại, vùng đất Thanh Quýt khi xưa bị chiến tranh tàn phá ác liệt, gia đình nào cũng đông con, nghèo khổ, phải lo cái ăn, lo chạy giặc cho nên việc học tập của con em trong làng rất khó khăn. Trước thực tế đó, hàng đêm ông trằn trọc không ngủ được, luôn đau đáu nỗi niềm làm sao cho con em quê hương mình thoát cảnh thất học, phải có cái chữ cơ bản mới học lên trên được.

Biến suy nghĩ thành hành động, năm 1953 thầy Nhung bắt đầu tổ chức việc dạy chữ cho con em trong làng. Không trường, không lớp, tài sản duy nhất lúc đó là lòng yêu nghề, giúp ông vượt qua tất cả.

Ông mượn tạm ngôi miễu Bà xóm Dưới (nay là thôn Thanh Quýt 4) để làm nơi dạy học, bảng đen là những tấm ván cũ ghép tạm, còn bàn ghế học là những chiếc chõng tre ọp ẹp... Ngôi miễu chỉ rộng khoảng mấy mươi mét vuông nhưng cũng gọi là trường, học trò của thầy từ vỡ lòng đến lớp 1, học toán, chính tả và các môn yếu lược…

Đến tháng 7/1954 thầy đưa học trò về nhà của mình dạy học để tiện chăm sóc... Năm 1958 nền giáo dục được quan tâm, trường lớp được mở, thầy chuyển về dạy tại trường Xích Hậu tại xóm Rừng (nay là thôn Thanh Quýt 2). Từ năm 1958 đến 1975 thầy Nhung chuyển ra Đà Nẵng dạy học cho con em Điện Bàn, Đại Lộc di tản…

Gần nửa thế kỷ đi qua, không ít người dân địa phương hiện tại đã từng một thời đèn sách với ông giáo già vẫn nhớ như in những kỷ niệm thời niên thiếu. Ông Nguyễn Liêm Triết kể: “Trường Miễu Xóm của thầy rất đông vui, một thầy có đến hơn 50 trò với nhiều độ tuổi khác nhau. Trẻ con mới vào học a, b, c, học đánh vần thì trải chiếu ngồi dưới đất, cuối buổi có một bạn làm trưởng chiếu lo việc cuốn chiếu đem nộp cho thầy.

Trẻ bắt đầu tập viết thì ngồi trên sườn róng bằng tre và được kê một miếng ván trước mặt để đặt tập viết. Còn được vài chiếc bàn ghế nghiêm chỉnh hơn thì dành riêng cho các bạn lớn, học các lớp trên với nhiều môn học, trong đó có viết chính tả, tập đọc, đặt câu, làm văn, làm toán… Miễu chật, học trò thì đông, có hơi ồn nhưng không mất trật tự, thầy dạy lớp này thì lớp khác tự học, tự làm bài để sau đó thầy lại kiểm bài, trò nào cũng lo học...”.

Dù thời gian trôi qua quá lâu mang theo tuổi đời già cỗi, nhưng ông Nguyễn Hữu Khanh vẫn nhớ như in những ngày thầy Nhung “khai tâm” cho mình. Ông Khanh kể, trong lớp thầy dạy rất đông học sinh lại đủ trình độ, nhưng thầy dạy rất trầm tĩnh, cẩn thận, chăm chút từng học sinh. Thầy chú tâm không sót trò nào mới vào, để thầy uốn nắn, chỉ dạy tại chỗ cách nhìn mặt chữ, cách đọc chữ, ghép vần.

Những lứa học trò đầu tiên của thầy Nhung nay cũng đã hơn 70 tuổi. Cũng từ khó khăn ấy biết bao học trò cũ của thầy đã trưởng thành, như GS-TS. Lê Tự Quốc Thắng, anh em bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng - bây giờ là lãnh đạo Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ… Mỗi lần về thăm quê, học trò cũ thường ghé thăm thầy và kể về người thầy đầu tiên của mình với tình cảm vô cùng trân trọng, kính yêu.

VĂN MẾN

Nguồn Quảng Nam: https://baoquangnam.vn/xa-hoi/ong-giao-lang-thanh-quyt-134931.html