Ông Biden sẽ hàn gắn mối quan hệ với châu Âu ra sao?

Chiến dịch 'Nước Mỹ trên hết' của Tổng thống Donald Trump khiến bất đồng giữa Mỹ và EU trở nên sâu sắc. Tuy nhiên, các vấn đề này có thể được 'chữa lành' dưới thời ông Joe Biden.

Theo Bloomberg, chỉ 48 giờ sau khi Tổng thống đắc cử Joe Biden cam kết "làm nước Mỹ được thế giới tôn trọng trở lại", Liên minh châu Âu (EU) là một trong những tổ chức đầu tiên nhắc nhở ông rằng quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương có thể là một điểm khởi đầu tốt.

Hôm 9/11, EU cho biết sẽ đánh thuế lên 4 tỷ USD hàng hóa Mỹ nhằm trả đũa hành vi trợ cấp cho Boeing của Washington. Động thái này được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) bật đèn xanh khi kết luật Mỹ vi phạm quy định về trợ cấp.

Trước đó, Mỹ đâm đơn kiện châu Âu trợ cấp cho Airbus và đánh thuế lên 7,5 tỷ USD hàng hóa từ các quốc gia bao gồm Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Anh.

Chiến dịch "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kéo dài cuộc chiến. Giới quan sát nhận định đó là một tính toán sai lầm của chính quyền ông Trump. Áp lực không khiến châu Âu - vừa là đối tác, vừa là kẻ thù của Mỹ - kiêng dè. Thay vào đó, họ đánh trả.

 Tổng thống đắc cử Joe Biden cam kết sẽ làm nước Mỹ được thế giới tôn trọng trở lại. Ảnh: Reuters.

Tổng thống đắc cử Joe Biden cam kết sẽ làm nước Mỹ được thế giới tôn trọng trở lại. Ảnh: Reuters.

Thúc đẩy liên minh

Ngược lại, ưu tiêu của ông Joe Biden nhằm tăng cường mối quan hệ đồng minh có thể tạo ra một môi trường thuận lợi để giải quyết các trường hợp tranh chấp như giữa Airbus và Boeing. Mỹ áp thuế, EU cũng làm tương tự. Tất cả ngang nhau. Đó là một cách tốt để bắt đầu đàm phán", Bloomberg dẫn lời ông Pascal Lamy, cựu Tổng giám đốc của WTO, nhận định.

"Câu hỏi đặt ra là liệu EU và Washington có đồng ý hay không. Với ông Trump, câu trả lời là không thể. Nhưng câu trả lời sẽ thành 'có' dưới thời ông Biden", ông Lamy nhận xét. Tuy nhiên, châu Âu thừa nhận rằng vẫn sẽ tồn tại những bất đồng lớn.

Chính quyền các nước châu Âu cần phải thực tế về việc liệu ông Biden có ưu tiên thúc đẩy mối quan hệ, hay tập trung vào những vấn đề cấp bách trong nước và các thay đổi lâu dài về chính trị.

"Sự chia rẽ luôn có khả năng nối lại, vết thương có thể chữa lành. Nhưng một chính trị gia hay một chính quyền khó có thể thay đổi được các ưu tiên hoặc nhận thức đã ăn sâu. Chúng không thể biến mất chỉ vì một cuộc bầu cử", Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen nhận định.

 Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đẩy cao mâu thuẫn giữa châu Âu và Mỹ. Ảnh: Reuters.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đẩy cao mâu thuẫn giữa châu Âu và Mỹ. Ảnh: Reuters.

Những bất đồng giữa Mỹ và EU về các vấn về thương mại bao gồm thuế thép và nhôm. Cựu cố vấn Nhà Trắng Clete Willems thừa nhận rằng đây là "lỗi không đáng có" của chính quyền ông Trump, tạo ra mối hiềm khích giữa Washington và Brussels. "Trong những việc ông Trump đã làm, đó là một điều không cần thiết và làm tổn hại mối quan hệ mà chẳng đem lại hiệu quả gì", ông Willems bình luận.

Nếu ông Biden chấm dứt thuế áp lên thép và nhôm, EU có thể rút lại đòn thuế trả đũa đối với 2,8 tỷ euro (3,3 tỷ USD) hàng hóa Mỹ như rượu whisky bourbon, xe máy Harley-Davidson và quần jean Levi.

Câu hỏi đặt ra là liệu EU và Washington có đồng ý hay không. Với ông Trump, câu trả lời là không thể. Nhưng câu trả lời sẽ thành 'có' dưới thời ông Biden.

- Pascal Lamy

Chính quyền ông Biden cũng có thể làm việc với EU, Nhật Bản và các đồng minh khác để đưa ra những quy tắc toàn cầu mới nhằm hạn chế trợ cấp chính phủ của Trung Quốc. "Tôi tin rằng chính quyền ông Biden sẽ tìm cách đối đầu với Trung Quốc và khẳng định lại vai trò lãnh đạo của Mỹ", ông Tim Brightbill tại hãng luật Wiley (Washington) bình luận.

Chính quyền mới của Mỹ có thể đưa ra một thỏa thuận dự kiến. Thỏa thuận này sẽ nhắm vào các hoạt động trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước của Bắc Kinh. Đây vốn là nguyên nhân tạo ra căng thẳng thương mại giữa đất nước tỷ dân và phần còn lại của thế giới.

Thuế kỹ thuật số và môi trường

Bloomberg nhận định nếu được thông qua và mở rộng, thỏa thuận này có thể là sự nâng cấp quan trọng nhất của các quy tắc thương mại toàn cầu trong vòng hơn một thập kỷ.

Một bất đồng lớn khác là kế hoạch của châu Âu nhằm áp thuế dịch vụ kỹ thuật số với các công ty công nghệ nước ngoài như Facebook và Google. Áo, Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Anh là các quốc gia đang áp dụng hoặc xem xét thuế dịch vụ kỹ thuật số.

Tuy nhiên, chính quyền ông Trump lập luận rằng các loại thuế này là "phân biệt đối xử" với các công ty công nghệ Mỹ. Mỹ cũng cam kết áp thuế 25% đối với một loạt hàng hóa Pháp bao gồm mỹ phẩm, xà phòng và túi xách trị giá khoảng 1,3 tỷ USD.

Ông Willems nhận định cuộc tranh luận về thuế kỹ thuật số cũng là một "vấn đề gây khó chịu" đối với ông Biden. "Mỹ coi đây hành động phân biệt đối xử của các nước châu Âu, nhằm bòn rút doanh thu từ doanh nghiệp Mỹ và sử dụng chúng để phát triển những công ty hàng đầu của họ", ông nói.

 Chính quyền ông Trump cho rằng thuế của châu Âu là "phân biệt đối xử" với các công ty công nghệ Mỹ. Ảnh: Reuters.

Chính quyền ông Trump cho rằng thuế của châu Âu là "phân biệt đối xử" với các công ty công nghệ Mỹ. Ảnh: Reuters.

Ngoài ra, ông Biden cũng cam kết tái gia nhập hiệp định khí hậu Paris. Đây sẽ là bước tiến đáng chú ý, giúp mở ra cơ hội tái tham gia vào thỏa thuận thương mại nhằm cắt giảm thuế đối với hàng hóa thân thiện với môi trường. Thỏa thuận này hiện bị đình trệ.

Quyết định tái gia nhập Hiệp định Hàng hóa Môi trường của ông Biden sẽ giúp gia tăng thương mại toàn cầu đối với các sản phẩm môi trường thêm 11 tỷ USD/năm. Những sản phẩm này bao gồm tấm pin mặt trời, bộ lọc nước, động cơ điện...

Về lâu dài, Mỹ cũng cần tham gia vào kế hoạch “cơ chế điều chỉnh carbon ở biên giới” của châu Âu nhằm chống sự nóng lên toàn cầu. Điều này sẽ làm gia tăng chi phí đối với các hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài.

Thảo Cao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ong-biden-se-han-gan-moi-quan-he-voi-chau-au-ra-sao-post1152696.html