Ổn định việc kinh doanh tại khu chợ gốm Bát Tràng

Sau khi có chỉ đạo của UBND huyện Gia Lâm về việc mở cổng chợ gốm Bát Tràng, từ ngày 8-2, 122 hộ tiểu thương trong chợ đã trở lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu các tiểu thương và Công ty CP Sứ Bát Tràng xảy ra mâu thuẫn, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng hoạt động của chợ gốm. Ðể tình trạng này không tái diễn, hai bên cần tăng cường đối thoại, tìm phương án thống nhất và hài hòa lợi ích cả hai bên, ổn định việc kinh doanh tại chợ, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Hai ngày 6 và 7-2, Công ty CP Sứ Bát Tràng đã đóng cửa chợ gốm Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) với thông báo tạm dừng hoạt động kinh doanh của các ki-ốt, cửa hàng giới thiệu sản phẩm gốm sứ tại Khu hành chính văn phòng của công ty để sửa chữa, nâng cấp, cải tạo mặt bằng. Công ty yêu cầu chủ các ki-ốt thu dọn hàng hóa ra khỏi diện tích thuê, bàn giao mặt bằng để phục vụ thi công. "Phía công ty chỉ dán thông báo này vào ngày 21-1, chứ chưa hề tổ chức họp, bàn bạc với các tiểu thương. Việc đột ngột đóng cửa, cắt điện, nước khiến chúng tôi không thể tiếp tục kinh doanh. Dự kiến thời gian thi công kéo dài từ ba đến sáu tháng, thì chúng tôi biết buôn bán ở đâu. Khách du lịch, khách hàng tới chợ gốm cũng không hiểu chuyện gì đang xảy ra" - bà Nguyễn Thị Nga, chủ ki-ốt 116 chợ gốm Bát Tràng bức xúc nói.

Bất bình trước hành động của Công ty CP Sứ Bát Tràng, các tiểu thương trong chợ đã tụ tập đông người, đánh trống trước cổng chợ để phản đối. Việc làm này đã gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Chính quyền xã Bát Tràng, UBND huyện Gia Lâm đã nhanh chóng vào cuộc, tổ chức họp bàn, đối thoại giữa các bên liên quan. Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần đã yêu cầu Công ty CP Sứ Bát Tràng cần khẩn trương mở cổng chợ và duy trì việc kinh doanh bình thường, cung cấp điện, nước, dọn dẹp mặt bằng bảo đảm cho các hộ kinh doanh tại chợ. Ðồng thời, yêu cầu công ty tổ chức đối thoại với HTX sản xuất - thương mại và dịch vụ chợ gốm làng cổ Bát Tràng và đại diện hộ kinh doanh ở chợ, trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương, thống nhất ký kết hợp đồng thuê ki-ốt trước ngày 10-2.

Liên quan tình trạng pháp lý khu đất chợ gốm Bát Tràng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, khu đất này trước đây do UBND thành phố Hà Nội cho Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) thuê, thời hạn hợp đồng thuê đất đã kết thúc vào năm 2009. Tới tháng 6-2016, Hapro thực hiện thoái 100% vốn nhà nước, nhưng Công ty CP Sứ Bát Tràng mới chỉ sở hữu phần tài sản trên đất ở chợ gốm, chưa bao gồm diện tích đất. Do đó, Công ty chưa phải chủ thể được Nhà nước cho thuê đất, giao đất. Từ cuối năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã tiến hành thanh tra việc quản lý sử dụng đất của Hapro tại khu vực xã Bát Tràng, tới đây sẽ công bố kết luận thanh tra. Từ kết luận này, UBND thành phố sẽ xem xét quyết định cụ thể việc sử dụng khu đất tại chợ gốm Bát Tràng.

Chính vì vậy, UBND huyện Gia Lâm đã chỉ đạo, trong thời gian chờ Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản chính thức về việc giao đất, Công ty CP Sứ Bát Tràng phải lập hồ sơ sửa chữa, nâng cấp phục vụ hộ kinh doanh (nếu cần thiết) và phương án phòng, chống cháy nổ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, trước khi tổ chức thực hiện theo hướng dẫn của Phòng Kinh tế, Phòng Quản lý đô thị huyện Gia Lâm và UBND xã Bát Tràng.

Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Nguyễn Văn May cho biết, chợ gốm Bát Tràng được Công ty CP Sứ Bát Tràng và các tiểu thương hợp tác xây dựng từ năm 2004. Tới nay hạ tầng khu chợ bị xuống cấp, xảy ra ngập úng cục bộ khi mưa to... Phía Công ty CP Sứ Bát Tràng nếu muốn sửa chữa, nâng cấp chợ thì cần bàn bạc phương án với các phòng, ban chuyên môn của huyện và các tiểu thương, có thể sửa chữa từng phần theo phương pháp "cuốn chiếu" trong thời gian ngắn, hạn chế thấp nhất việc ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của chợ.

Chủ tịch HÐQT Hợp tác xã chợ gốm làng cổ Bát Tràng Phùng Văn Hữu, đại diện các tiểu thương cho biết thêm, phía Công ty CP Sứ Bát Tràng đã ra thông báo tăng tiền thuê mặt bằng kinh doanh tại chợ gốm Bát Tràng, từ mức 50 nghìn, 60 nghìn đồng/m2/tháng lên mức từ 70 nghìn đến 150 nghìn đồng/m2/tháng tùy vị trí. Phía Công ty sẽ ký hợp đồng thuê ki-ốt với từng chủ hàng chứ không ký thông qua Hợp tác xã. Phía các tiểu thương chưa đồng ý với mức giá thuê mới; 87 hộ trong tổng số 122 hộ kinh doanh muốn ký hợp đồng thông qua Hợp tác xã. Khi đôi bên chưa thống nhất thì phía công ty đã đơn phương ra thông báo đóng cửa chợ để sửa chữa. "Các tiểu thương trong chợ đều mong muốn được làm ăn yên ổn trên mảnh đất mà họ cùng góp tiền, góp công gây dựng hơn chục năm nay" - ông Phùng Văn Hữu khẳng định.

Chợ gốm Bát Tràng đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu những sản phẩm của làng gốm cổ Bát Tràng, là địa chỉ du lịch văn hóa nổi tiếng của Thủ đô, cũng là nơi kinh doanh, buôn bán của 122 tiểu thương. Do đó, Công ty CP Sứ Bát Tràng và các tiểu thương cần tìm phương án thống nhất, hài hòa lợi ích các bên để không xảy ra tình trạng mất ổn định an ninh trật tự như vừa qua, đưa chợ gốm Bát Tràng trở thành một điểm du lịch làng nghề hấp dẫn.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/hanoi/item/32023702-on-dinh-viec-kinh-doanh-tai-khu-cho-gom-bat-trang.html